Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng > Bài đăng > TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ - DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM
TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ - DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM

Trong nền mỹ thuật truyền thống Việt Nam, tranh dân gian trở nên quen thuộc, gần gũi với nhiều người trong và ngoài nước. Ở nước ta có nhiều địa phương sản xuất tranh nằm rải rác từ Bắc vào Nam, nhưng tập trung chỉ có một số vùng chính rất nổi tiếng; mỗi vùng có phương pháp, chất liệu và quan niệm sáng tác khác nhau nên được gọi tên theo vùng sản xuất như:    Tranh Đông Hồ, Tranh Hàng Trống, Tranh Kim Hoàng… Nhưng dòng tranh nổi trội và phát triển hơn và đạt trình độ cao hơn mà đến nay vẫn đang còn phát triển đó là tranh Đông Hồ. Nghề tranh dân gian ở Đông Hồ là đại diện cho truyền thống văn hóa lâu đời trên vùng quê Kinh Bắc nổi tiếng.

Tranh dân gian Đông Hồ hay nói đầy đủ hơn là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ XVII, tại làng Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh, một vùng đất trù phú, nông nghiệp phát triển, đời sống văn hoá cao… tất cả tạo thành cái nôi cho một dòng tranh chân quê, đậm đà bản chất dân tộc. Tên cổ xưa của Đông Hồ là Đông Mại hay làng Mái (thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc). Họ có nghề phụ làm hàng mã phục vụ tín ngưỡng và đặc biệt có nghề làm tranh khắc gỗ dân gian rất độc đáo, mang nét tinh túy riêng với những giá trị văn hóa to lớn.

Về nội dung, tranh Đông Hồ mộc mạc bình dị, phong phú, khoáng đạt xoay quanh chủ đề nông thôn, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày và những cảnh vật thường xuyên va chạm vào họ trong từng ngày lao động: gà, trâu, bò, lợn… để có những bức tranh sống động đi vào ký ức con người bao đời nay như: Gà địa cát, Gà thư hùng, Trâu sen, Lợn đàn, Bé ôm tôm, Bé ôm cá, Làm đồng… Vượt lên trên khỏi cuộc sống cơ cực, người nghệ sỹ cũng ước mong, muốn cải tạo xã hội tôt đẹp hơn, lên án thói hư tật xấu: các tranh Đánh Ghen, Đám cưới chuột,Thầy đồ cóc… Những đề tài chống phong kiến đế quốc, những tranh ca ngợi lịch sử hào hùng, những chiến công oanh liệt và những anh hùng của dân tộc: Bà Trưng cưỡi voi, Bà Triệu trục quân Ngô, Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân…; những đề tài sinh hoạt và phong tục: Đánh vật, Múa lân, Rước trống…cũng được các tác giả đề cập rất sáng tạo.

Về hình thức ta thấy rất rõ đây là sản phẩm của những con người tài hoa, có năng khiếu mỹ thuật nhưng không qua trường lớp đạo tạo nào. Khi xem tranh, người ta không thể lấy thước đo quy định chuẩn về hình khối, không gian, tỉ lệ của nghệ thuật bác học để đánh giá; mà sự khoáng đạt, ngộ nghĩnh, chân thật có hồn của những hình tượng trong tranh mới thật là tài tình. Chính những giá trị đặc biệt đó đã lôi cuốn biết bao thế hệ các họa sỹ đương đại say mê nghiên cứu và học hỏi.

Về phương thức sản xuất và buôn bán của làng tranh Đông Hồ trong suốt quá trình tồn tại và phát triển vẫn là sản xuất cá thể theo từng hộ gia đình độc lập thành một xưởng tranh. Họ chỉ tập trung theo từng thời vụ sau đó lại giải tán về gia đình và vẫn làm nông nghiệp. Có thể đại gia đình ông bà, anh em, chú bác… kết hợp thành xưởng lớn. Sự phân công khéo léo, hợp tài, hợp sức  làm thành một “ê kíp” sản xuất đồng bộ.

Có ba công đoạn sản xuất tranh đó là: sáng tác mẫu, khắc gỗ và in tranh. Trong đó sáng tác mẫu là khâu đầu tiên va quan trọng nhất, công việc này thuộc về các nghệ nhân - những họa sỹ nông dân có đầu óc, có năng khiếu thẩm mỹ, có tay nghề cao, thường là chủ các tổ hợp sản xuất. Người nghệ nhân phải đầu tư thời gian nghiền ngẫm, tìm tòi ý nghĩa, nội dung và cách thể hiện đề tài sao cho vừa mộc mạc giản dị, dễ hiểu về hình thức nhưng về nội dung luôn đáp ứng kịp thời các chủ đề mang tính chất thời sự, chính trị, mọi sinh hoạt của cuộc sống đương thời. Đây là lý do để tranh Đông Hồ tồn tại và phát triển không ngừng, song hành lâu dài với dân tộc, đất nước qua bao đời nay.

Về khắc gỗ: khi đã hoàn chỉnh bản mẫu, người sáng tác can lại rõ ràng, mạnh lạc từng đường nét, từng mảng màu bằng mực nho lên giấy bản mỏng và sắp xếp đưa vào các bản khắc gỗ. Mỗi màu được tách riêng thành một bản khắc, một bức tranh có bao nhiêu màu là có bấy nhiêu bản khắc. Gỗ khắc phải là loại gỗ chuyên dụng thớ mịn, dẻo dai, bền và có độ thấm nước để giữ màu, không bị sứt nét. Thường người ta dùng gỗ thị, gỗ mỡ hay gỗ lòng mực để khắc ván in nét, không sợ nở thớ, gãy, đứt nét khi gặp nước. Ván in thường là các mảng lớn nên có thể dùng loại gỗ ít dẻo, kém bền hơn như gỗ vàng tâm, gỗ dổi, gỗ mỡ… Là các loại gỗ có đặc tính xốp, dễ hút màu, khi in sẽ đượm màu, đảm bảo độ sắc nét trên tranh.

 

 

 

Dụng cụ khắc ván gọi chung là  bộ “ve” phân làm bốn loại chính:

- Móng: Lưỡi ve hình lòng máng, rộng bản, cong nhiều.

- Thoảng: Lưỡi ve cũng lòng máng, nông hơn.- - Thẳng: Lưỡi ve thẳng gần giống như cái đục của thợ mộc.

- Dẫy nền: thân ve công để dễ dũi, đào sâu xuống lòng máng, lưỡi ve hình lòng máng.

Về in tranh, ngoài ván khắc, người thợ phải chuẩn bị các dụng cụ và nguyên liệu đó là:

- Tay co là một thanh gỗ cong như quai sanh, hai đầu xòe ra để đóng vào lưng ván khắc, nó chính là tay nắm ván khắc khi in.

- Xơ mướp là ruột của quả mướp già đã hóa thành xơ, rất xốp, có độ đàn hồi cao, dùng để chà và xoa lên phía sau tờ giấy để mực thấm đủ và màu in rõ nét trên tranh.

- Bìa là tấm gỗ phẳng, dày khoảng 1cm đến 2cm, chiều ngang khoảng 40cm, chiều dọc khoảng 60cm, trên mặt trải một lớp cây khô thân cỏ bòng bong. Trên lớp bòng bong trải một lớp lá chuối khô, trên cùng căng phủ vài ba lớp vải dầy rồi quét đẫm màu lên đó như cách làm hộp mực dấu.

- Chậu màu gồm các chậu sứ, chậu sàng cỡ như cái bắt canh, mỗi chậu đựng một màu pha hồ nếp.

- Thét là loại chổi làm bằng lá thông khô ghép lại, to bằng nửa chiều rộng cái bìa, sử dụng như một cái bút lông cỡ đại dùng để phết màu lên mặt bìa.

- Giấy in tranh là loại giấy sản xuất thủ công cổ truyền từ loại cây dó mọc hoang trên rừng, nên được gọi là giấy dó. Giấy dó có tính xốp, thớ dai dễ hút màu, đảm bảo độ bền của tờ tranh.

- Màu in có thể nói là độc nhất, bởi không làm bằng hóa chất, số lượng màu không phong phú lắm nhưng lại hết sức thắm đượm, khỏe khoắn.

Đất nước đã trải qua nhiều thời kỳ trong lịch sử. May mắn bên cạnh các nhân sĩ, tri thức lớn có tầm nhìn sâu rộng, các nghệ nhân của nước ta đã có niềm say mê nghề nghiệp do cha ông truyền lại từ đời này qua đời khác, đã góp phần rất lớn vào công tác bảo tồn và phát triển nghề tranh dân gian này. Tranh dân gian Đông Hồ đóng vai trò là một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu trong kho tàng tri thức dân gian Việt Nam. Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều tìm thấy cho mình một dấu ấn riêng biệt, một bản sắc độc đáo tiềm ẩn đặc trưng trong nên nghệ thuật dân gian của mình. Bảo tồn một làng nghề tranh không phải là một việc đơn giản, phát triển và bảo tồn giá trị tinh hoa, vốn quý đó là trách nhiệm quan trọng của thế hệ hiện tại và tương lai.

 

 

                                                                                                                        Yên Yên

 

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.