Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Sáu, 07/08/2015, 10:35

Tăm pơt – Loại hình hát kể đặc trưng của người Mạ (Đồng Nai)

Cư dân Mạ ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Đồng Nai có kho tàng văn hóa rất phong phú và sống động. Một trong những loại hình tiêu biểu trong vốn văn hóa dân gian của cư dân Mạ Đồng Nai là thể loại văn thơ truyền miệng: Tăm pơt.

Đây là loại hình hát kể đối đáp tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể: khi kết bạn, giao duyên, uống rượu cần, lúc lên nương rẫy hay tại nhà đón khách, trong lúc thể hiện tâm tư tình cảm hoặc trong các buổi lễ hội cộng đồng. Tùy theo tính chất hay mục đích mà người hát Tăm pơt thể hiện nội dung hát cho phù hợp.

Ví như hát khi kết bạn, chào mời thì lời hát Tăm pơt được thể hiện giữa những người mới quen, giữa chủ và khách. Trong dịp hát hỏi, lời hát Tăm pơt kể về chuyện ngày xưa của tổ tiên về tình yêu, hạnh phúc, những cách thức của từng lễ nghi cho con cháu nghe và là những lời cầu chúc cho đôi trai gái Mạ vui sống hạnh phúc bên nhau. Lời ca trong ngày vui đó thể hiện nỗi vui mừng của những người liên quan: của gia đình hai bên trai, gái.

Hát trong dịp mừng lúa, người Mạ đối đáp và kể cho nhau biết về cách làm lúa của ông bà ngày xưa, những nghi thức của ngày từ đầu mùa xuống ruộng cho đến khi hạt lúa được đem về nhà. Những lời ca được hát lên trong dịp "gùi lúa về nhà" như mạch chảy liên tục với bao hình ảnh sống động. Ở đó không chỉ là niềm vui của một con người riêng rẽ mà hòa trong niềm vui của cộng đồng. Họ ca ngợi về quê hương, xứ sở cộng đồng mình sinh sống, nói về những câu chuyện xưa, những lời khuyên răn của ông bà, kể về những câu chuyện tình ca đẹp đẽ... mà họ lồng trong lời hát theo cách thức, vần điệu có tính ngẫu hứng nhưng không hoàn toàn tự do.

Hát trong lễ đâm trâu, là lễ hội lớn trong năm mà cả cộng đồng người Mạ tham gia. Họ vui hát nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã, với những nghi thức cổ truyền. Trong không khí của lễ hội, trai gái thì tìm hiểu tình cảm, người lớn thì thi nhau kể về chuyện xưa, trẻ con thì vui mừng nhảy múa. Lời hát Tăm pơt trong lễ hội này cũng kéo dài vô tận. Những nghệ nhân có thể hát suốt trong không khí náo nhiệt, thời gian diễn ra lễ hội.

Hoặc thi thố, đối kể cùng nhau thì không phân biệt tuổi tác, giới tính, miễn người hát cùng tham gia, đặc biệt trong các buổi lễ hội cộng đồng. Cũng có khi chỉ một nhân vật hát kể về dân tộc, về lịch sử, những điều muốn khuyên dạy con cái qua lời Tăm pơt.

Có thể nói hát kể đối đáp của người Mạ được diễn xướng bất kỳ nơi đâu. Họ cũng có thể hát một mình hoặc lúc có nhiều người tham gia mà ở đó, những người hát lúc đối, lúc đáp hoặc đóng những vai trong nội dung bài hát.

Tăm pơt của người Mạ có nội dung được thể hiện phong phú, đa dạng, tùy theo cách thể hiện mà những người hát làm cho câu chuyện càng thêm sinh động, cuốn hút người nghe. Tăm pơt của người Mạ vừa có tính sử thi cũng vừa có tính dân gian. Qua những người hát, họ vừa thi thố tài năng với nhau, nhắc về lịch sử cộng đồng với những gì họ biết, họ nhận thức và thể hiện theo chủ đề trong một bối cảnh phù hợp nhất định. Những người biết hát Tăm pơt có thể xem họ là những nghệ nhân của lối hát kể đối đáp rất độc đáo.

Những nghệ nhân hát Tăm pơt là những người có trí nhớ tốt, có cách biểu đạt ngữ điệu, lời kể rất hay, thích ứng trong từng nội dung diễn đạt. Mỗi bài hát Tăm pơt khá dài, gồm nhiều câu, mỗi câu mỗi ý được nghệ nhân ứng tác dài, ngắn tùy theo nội dung. Những người tham gia phải có khả năng tiếp thu, ứng tác nhanh và đối đáp giỏi. Đó cũng là một nét độc đáo riêng của loại hình nghệ thuật này.

Ngày nay, những nghệ nhân hát Tăm pơt của người Mạ ở Đồng Nai đều lớn tuổi, chỉ đếm trên đầu ngón tay,như: Bà Ka Bào, Ka Vèm, Ka Deo, Ka Kel và ông Ka il (Tà Lài - Tân Phú), bà Ka Rôp, Ka Rã, Ka Rõi, Ka Mỗi và ông K'Kel (Hiệp Nghĩa - Định Quán). Lớp trẻ đa số hiểu được lời hát Tăm pơt nhưng không biết hát. Đối với thế hệ trẻ ngày nay, có quá nhiều các trò chơi hấp dẫn hay những bài hát của thời hội nhập khiến các em có thể dễ dàng quên đi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Loại hình Tăm pơt đang đứng trước nguy cơ bị mai một ngày càng nghiêm trọng.

Để giữ gìn và phát huy giá trị của loại hình văn hóa dân gian này:

Chính quyền các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác sưu tầm, lưu giữ các hình thức hát Tăm pơt nói riêng, vốn văn hóa dân gian nói chung của người Mạ ở Đồng Nai bằng các phương tiện hiện đại như quay băng, đĩa, ghi chép lưu giữ các tài liệu.

Khôi phục và duy trì tổ chức các lễ hội của người Mạ, bởi trong mỗi lễ hội của họ đều gắn liền với các điệu hát Tăm pơt này, hoặc phổ biến tuyên truyền nét văn hóa đặc trưng này đến đông đảo người dân qua các lễ hội giao lư­u văn hoá nh­ư tuần lễ văn hoá, liên hoan văn hoá,… để không chỉ dân tộc Mạ mà tất cả các dân tộc khác cùng biết đến.

Khuyến khích các tầng lớp trẻ của cư dân Mạ học hát bằng cách kèm theo một số chế độ chính sách riêng đối với những gia đình có người tham gia.

Tổ chức Hội thi hát Tăm pơt trong phạm vi các huyện của địa phương hoặc phối hợp với các tỉnh có người dân tộc Mạ sinh sống.

Cư dân Mạ ở Đồng Nai có kho tàng văn hóa rất phong phú và sống động. Vốn quí văn hóa người Mạ đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa Đồng Nai trong bối cảnh chung của khu vực, của quốc gia trong tính đa dạng, thống nhất. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và của dân tộc Mạ (Đồng Nai) nói riêng là hoạt động vô cùng cần thiết. Nét văn hóa đặc thù ấy không chỉ giúp chúng ta khai thác được tiềm năng của di sản văn hoá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

 

Nguyễn Thị Sen

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1901 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày