Đồng Nai được thừa nhận nằm ở một trong những trung tâm của buổi bình minh xã hội loài người ở nước ta. Nơi đây chứng kiến sự hình thành, phát triển của cộng đồng người tiền, sơ sử đến những thế kỷ sau công nguyên, trước khi cư dân Việt đến khai khẩn vào thế kỷ XVI – XVII. Hàng loạt các di tích, di vật khảo cổ học góp phần làm sáng tỏ một nền văn hóa cổ xưa từng tồn tại và phát triển trên vùng đất này.
Bên cạnh những chủng loại hiện vật đa dạng bằng các chất liệu: đồ đá, đồ gỗ thì đồ gốm chiếm số lượng khá nhiều. Điều này cho thấy, các cư dân cổ Đồng Nai trong tiến trình phát triển đã biết chế tác và sử dụng đồ gồm.
Đồ gốm là sáng tạo vĩ đại đầu tiên của loài người ra đời trên thế giới cách nay khoảng mười ngàn năm và ở Đồng Nai – Biên Hòa chí ít cũng dăm ngàn năm. Lúc đầu công năng chính của đồ gốm là để chứa đựng (nước, để dành thức ăn hái lượm được, đựng thóc, bắp làm ra để ăn dần…). Sau đó người tiền sử tô điểm, làm đẹp các sản phẩm gốm bằng nhiều loại hoa văn từ đơn giản đến phức tạp cũng là tô điểm cho cuộc sống tinh thần. Lao động sáng tạo chế tác gốm của con người không giới hạn, từ đồ đất nung thô sơ nhẹ lửa, tiến lên đồ sành men màu giản dị và cuối cùng là đồ gốm đủ màu sắc lung linh quyến rũ. Kiểu dáng phát triển theo hình xoáy trôn ốc, từ dạng cân đối cổ điến tiến lên phá cách dị dạng… tùy theo từng gian đoạn lịch sử.

Gốm Biên Hòa được đút bằng khuôn
Gốm Biên Hòa được thiên hạ ưa chuộng vì sản phẩm làm bằng tay ở tất cả các khâu tô màu, men, khắc, lộng. Các bình và chậu hoa lớn nhỏ đều xoay tay… Khách tham quan – có nhiều đồng nghiệp gốm sứ Pháp – tận mắt chứng kiến các thao tác khéo léo của nghệ nhân Biên Hòa.

Công đoạn chấm men trực tiếp lên sản phâm gốm thô
Gốm mỹ nghệ Biên Hoà là một thương hiệu gốm lớn nổi danh châu Âu, châu Á từ hồi đầu thế kỷ 20. Năm 1925, các sản phẩm gốm Biên Hòa tham dự cuộc triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris đã gây tiếng vang lớn như: Nagoya (Nhật Bản - 1937), Hà Nội (1938), Sài Gòn (1942), Bangkok (Thái Lan - 1953 và 1955), PhnomPenh (Campuchia - 1957). Chính phủ Pháp đã tặng bằng khen danh dự tối ưu và Ban tổ chức triển lãm tặng huy chương vàng. Sau đó, ở cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1933, sản phẩm gốm Biên Hòa đã thực sự chiếm được vị trí của mình ở Pháp và thị trường gốm quốc tế. Từ đây bắt đầu cho một thời kỳ hưng thịnh và tiếng tăm của gốm Biên Hòa đến cuối thế kỷ 20.

Đặc trưng của gốm này là sự kết hợp phong cách gốm Việt Nam, gốm Trung Quốc và gốm Limoge của Pháp
Hiện nay, làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng nhất tại Đồng Nai lại đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.
Nguyên nhân do phải cạnh tranh khốc liệt của hàng gốm Trung Quốc, do mai một nghệ nhân vì lớp trẻ không theo nghề…và cả chính sách quy hoạch làng nghề thiếu hợp lý.
Năm 2000, UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương di dời làng gốm Tận Vạn và một số cơ sở gốm ở P.Bửu Hoà, xã Hoá An (TP.Biên Hoà) vào cụm gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa). Mục đích là nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống.
Ngoài ra, việc qui hoạch cụm gốm sứ của Tỉnh triển khai quá chậm đã làm mất đi nhiều cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp ở trong diện phải di dời đều rơi vào tình trạng làm cầm chừng để chờ quy hoạch. Do đó, kế hoạch đầu tư, xây dựng lâu dài còn đang bỏ ngỏ vì chưa nắm được thông tin cụ thể. Mặt khác, nguồn lao động có tay nghề cao của ngành Gốm ngày càng thiếu hụt do thu nhập không ổn định, người lao động không tha thiết với nghề. Vì vậy, khi tới thời điểm mùa vụ, các doanh nghiệp phải chạy tìm thợ. Tình trạng này cũng khiến các doanh nghiệp khó thực hiện các chế độ lao động theo qui định của pháp luật.
Để khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề gốm sứ của tỉnh Đồng Nai, rất cần sự góp phần các khuyến công của tỉnh giải quyết mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, chú trọng công tác đào tạo công nhân lành nghề cho làng nghề gốm, đổi mới công nghệ thiết bị, tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp với tình hình mới, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ… phù hợp trong xu thế hội nhập kinh tế của nước ta.
Quỳnh Giang
|