Từ bao đời nay biển đảo nước ta luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Với mỗi người, tình yêu ấy được thể hiện khác nhau, nhưng tựu chung tất cả đều xuất phát từ trái tim yêu nước mãnh liệt và lòng tự hào dân tộc.
Xác định rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng to lớn của biển đảo nói chung và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng đối với sự phát triển chung của đất nước, đồng thời mong muốn khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo trong mỗi người dân đất Việt. Vào năm 2022, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai đã tập hợp một số tác phẩm tiêu biểu của hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai dự trại sáng tác văn học nghệ thuật tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Đà Nẵng cùng một số tác phẩm của cộng tác viên ngoài tỉnh viết về biển đảo để biên soạn thành tập sách Hướng về biển đảo quê hương. Sách do Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành năm 2022 với 375 trang, khổ 16x24 cm.
Nội dung tập sách bao gồm: Bút ký Chuyện những người lính vùng cảnh sát biển 3 của Hoàng Ngọc Điệp, Tháng 5 ở Trường Sa của Trần Thu Hằng, Một ngày trên Vịnh Hạ Long của Hoàng Đình Nguyên, Cờ tổ quốc nơi đảo xa, Hải đăng - Chủ quyền biển đảo của Đào Sỹ Quang…; Kịch ngắn Kỷ vật thiêng liêng của Trần Mai Phương; Thơ của Lê Thanh Xuân, Nguyễn Hoài Nhơn, Trần Thị Bảo Thư, Minh Hạ, Lê Anh Phong… Ngoài ra còn có các ca khúc Đêm Trường Sa xuân về nhớ mẹ, Hoàng Sa - Trường Sa của nhạc sĩ Trần Viết Bính, Bài ca người lính đảo, Vòng tròn Gạc Ma bất tử của Bùi Công Thuấn… cùng rất nhiều tác phẩm của hơn 50 tác giả đã đem đến nhiều góc nhìn, tình yêu, nỗi trăn trở của giới văn nghệ sĩ đối với biển đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nếu như ở bút ký Chuyện những người lính vùng cảnh sát biển 3, tác giả Hoàng Ngọc Điệp thấy con tim mình trở nên rộn ràng, rồi đi từ sự ngỡ ngàng đến khâm phục và ngưỡng mộ những người lính trẻ vô cùng thạo việc, những bữa cơm ngon, những vườn rau xanh mướt, đến cả việc dọn dẹp cũng được các anh làm vô cùng “chuyên nghiệp”. Thì tác giả Hoàng Đình Nguyễn lại có những Cảm nhận từ Lý Sơn, một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi nổi tiếng với thương hiệu Tỏi cô đơn và biển xanh, cát trắng, nắng vàng, những địa điểm du lịch khám phá, du lịch tâm linh đã và đang là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra trong tập sách còn rất nhiều tác phẩm viết về những địa danh, tên đất, tên làng, về văn hóa, phong tục tập quán từ ngàn xưa của người dân vùng biển nước ta.
Ngoài các tác phẩm là những trang thơ, trang văn, những dòng bút ký, kịch ngắn nêu trên. Ở phần cuối, tập sách giới thiệu chùm ảnh nghệ thuật về biển đảo của các tác giả Nguyễn Đình Quốc Văn, Thu Hằng, Đoàn Anh Tuấn, Trần Văn Sơn… về các đảo Đá Tây 2, Len Đao, Sinh Tồn đông, Hoa Lan, Núi Le B,… ; Hình ảnh các chiến sĩ hải quân đứng gác bên cạnh Bia chủ quyền đảo Sinh Tồn, Nhà giàn DK1, cầu cảng Trường Sa, đài liệt sĩ đảo Trường sa và rất nhiều bức ảnh về hoạt động đánh bắt cá của bà con ngư dân vùng biển. Bên cạnh đó còn có chùm tranh mỹ thuật, gồm một số tác phẩm: Nơi đầu sóng, Hoa biển, Dàn khoan, Mỏi trông… thuộc thể loại ghép gốm đặc sắc của họa sĩ Đào Tấn Hưng, tranh sơn dầu của Mai Nhơn đã giúp khắc họa rõ nét hơn cuộc sống lao động, học tập của người dân vùng biển, cũng như cuộc sống chiến đấu của các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Với gần 80 tác phẩm của hơn 50 tác giả trong và ngoài tỉnh được giới thiệu trong tập sách, đã nói lên phần nào những tâm tình, những ước vọng và cả những trăn trở mà các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Đồng Nai dành cho vùng đất và con người nơi đảo xa. Dù đa phần các tác giả chưa một lần đặt chân đến những hòn đảo lớn nhỏ của Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng điều đó không quan trọng, bởi biển đảo từ bao đời nay đã luôn gắn bó và nuôi sống biết bao thế hệ người Việt và là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời. Vì vậy, cho dù không được đặt chân đến vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc, thì trong trái tim của mỗi nhà văn Đồng Nai đều luôn có tình yêu biển đảo, tình yêu Trường Sa - Hoàng Sa của riêng mình. Và dù họ đang cầm bút hay cầm cọ, tất cả đều đang cố gắng bày tỏ tình yêu đối với phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nơi thấm máu bao chiến sĩ anh hùng trong trận chiến chống quân xâm lược theo cách riêng của mình: Tự hào, trân trọng và thắm tình quân dân.
TRƯỜNG SA
(Nguyễn Thị Phấn)
Chưa một lần tôi được đến Trường Sa
Nghe gió hát bốn bề đảo nhỏ
Chưa được đứng bên cây phong ba lộng gió
Để tâm hồn theo nhịp sóng trùng khơi
Nhưng mà sao thân thiết thế, Trường Sa ơi!
Những tấc đất tiền tiêu Tổ quốc
Trên bản đồ Việt Nam, như là chuỗi ngọc
Sáng ngời lên trên biển biếc trời xanh.
Niềm tin yêu gửi đến các anh,
Những chiến sĩ ngày đêm canh giữ đảo
Sẻ chia những nắng mưa, giông bão
Những tấm lòng từ đất mẹ quê hương
Trường Sa ơi, trăm mến ngàn thương
Như đứa con gái lấy chồng xa xứ
Như đứa út trai lìa quê lập nghiệp
Đất mẹ lúc nào cũng đau đáu hoài mong.
Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trần Thủy