Biển và đại dương chiếm 71% diện tích trái đất, được coi là cái nôi của nhân loại. Từ buổi bình minh của lịch sử, loài người đã biết sử dụng biển và đại dương để phục vụ cuộc sống của mình. Theo đà phát triển, biển và đại dương ngày càng có vai trò quan trọng hơn đối với con người và trở thành một diễn đàn với sự cọ xát lợi ích rất phức tạp của các quốc gia trên thế giới về văn hóa, kinh tế, chính trị, pháp lý, quân sự và không gian sinh tồn.
Việt Nam là một quốc gia biển. Biển và thềm lục địa Việt Nam rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Dải đất hình chữ S như một bán đảo nhô ra biển, có chiều dài lớn gấp 4 lần chiều rộng nhất và do vậy mà không có một nơi nào ở nước ta lại xa biển hơn 500km theo đường chim bay. Một số sách địa chí cổ nước ta thường có câu: "Ngã quốc diện hải bối sơn", nghĩa là nước ta mặt hướng ra biển, lưng tựa vào núi. Với địa hình trải dài từ Bắc xuống Nam, tiếp giáp với biển, bắt đầu từ vịnh Bắc Bộ (điểm địa đầu là mũi Sa Vĩ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đến vùng biển miền Trung và kéo xuống vịnh Thái Lan (điểm cuối là mũi Cà Mau, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), gắn liền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm thành một vùng liên hoàn: Đất - Biển - Trời. Với 328.943,98 km2 đất tự nhiên trong khi chúng ta có tới 1 triệu km2 diện tích biển, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền.
Biển, đảo của nước ta không những là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng, là nơi án ngữ các trục giao thông huyết mạch trên biển của thế giới, cùng với nguồn lợi về tài nguyên, kinh tế biển, mà còn là môi trường tác chiến quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tương lai phát triển của dân tộc đòi hỏi chúng ta cần xác định một cách sáng suốt bước đi văn hóa - kinh tế - quân sự biển, để biển và văn hóa - kinh tế quân sự biển có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế, văn hóa nước nhà. Từ những vấn đề trên, cuốn sách Biển trong văn hóa người Việt sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn những giá trị văn hóa trong không gian và thời gian về biển của người Việt.
Cuốn sách kích thước 13x19cm với 272 trang, được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2009, gồm 3 chương:
- Chương I: Biển với người Việt trong thời gian và không gian. Chương này tác giả nói về cách gọi của người Việt về biển của mình từ xa xưa là biển Đông, nên có các câu ca dao như: "Dã tràng se cát biển Đông", "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn"; Cuộc sống gắn liền với biển từ thời cổ đại của người Việt đến nay; Cách ứng xử của cư dân các miền Bắc - Trung - Nam với biển.
- Chương II: Biển trong văn hóa vật chất của người Việt, tác giả nói về các vấn đề: Biển trong ẩm thực và giữ gìn sức khỏe, làm đẹp cho con người; Trong nhà ở và kiến trúc cộng đồng; Phương tiện đi lại trên biển và khai thác hải sản; Hải quân. Cuộc sống vật chất của con người không thể tách rời môi trường tự nhiên họ đang sống. Môi trường tự nhiên chính là đối tượng để con người tác động và sáng tạo nên văn hóa của mình. Biển là môi trường sống thiết thân của người Việt và vì thế ta có thể bắt gặp yếu tố biển ở hầu hết các khía cạnh của văn hoá vật chất từ ăn, ở, đi lại... cho đến đấu tranh gìn giữ giống nòi. Người Việt cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới ngày càng nhận ra rằng: Cần phải có một cách ứng xử khác hơn đối với tự nhiên, với biển!
- Chương III: Biển trong văn hóa tinh thần của người Việt, gồm có: Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật; Phong tục, tín ngưỡng; Lễ hội, trò chơi. Bên cạnh văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của người Việt chứa đựng khá đậm nét yếu tổ biển. Chất biển trong văn hóa Việt có khi đứng riêng một mình, tạo ra một sắc màu - hương vị đặc thù, nhưng cũng nhiều khi đứng cạnh hay hòa lẫn với yếu tố đồng bằng, rừng núi, sông ngòi tạo nên diện mạo rất riêng trong văn hóa Việt. Văn hóa tinh thần chứa đựng các giá trị về nhận thức, tâm linh, về lịch sử, văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ, xã hội của người Việt và thông qua đó có thể thấy mối quan hệ mật thiết giữa con người với biển cả. So với các cư dân biển khác, biển in sâu vào tâm thức người Việt đến nỗi biển và những yếu tố của biển trở thành biểu tượng văn hóa. Sự song hành của những biểu tượng tốt hay xấu, phúc hay họa... chính là lời giải đáp cho thế ứng xử của con người với biển.
Biển trong văn hóa người Việt của tác giả Nguyễn Thị Hải Lê, sinh năm 1972, quê tỉnh Thanh Hóa. Là Giảng viên Khoa Công tác Đảng - Công tác Chính trị Học Viện Hải quân. Tốt nghiệp ngữ văn trường Đại học Sư phạm năm 1994, tốt nghiệp cao học ngành Văn hóa học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc và hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện tỉnh Đồng Nai với mã số: M 306.095 97 / B 305 TR.
Lê Thị Mai Hoa