Nhằm giúp bạn đọc và các em học sinh hiểu hơn về quá trình sáng tạo, sự ra đời của các tác phẩm hội họa của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Năm 2016, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành cuốn sách “Nhật ký những bức tranh” với mong muốn giúp bạn đọc, đặc biệt là các em học sinh hiểu hơn tâm hồn một họa sĩ tài danh của nước ta, qua đó các em biết trân trọng, yêu thương hồn lụa Việt.
Với 74 trang sách, khổ 20 x 24 cm, cuốn sách “Nhật ký những bức tranh” giới thiệu 24 tác phẩm tranh lụa tiêu biểu nhất của họa sĩ qua các thời kỳ, từ bức tranh nổi tiếng trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước như: “Chơi ô ăn quan”, “Em bé cho chim ăn”, “Lên đồng”… , cho đến các tác phẩm cuối cùng năm 1973 như: “Tiên Dung tắm”, “Tiên Dung và Chử Đồng Tử”. Ngoài ra còn có các tác phẩm kí họa, phác thảo bằng chì than, màu nước như: “Ba mẹ con”, “Mẹ chiến sĩ”, “Cầu ao”, “Chăn trâu”… cùng một số hình ảnh tư liệu về Thầy trò khóa I, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; Chủ tịch Hồ Chí Minh với họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tại Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ III; họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đang vẽ bức tranh “Đoàn mẫu giáo”; họa sĩ Nguyễn Phan Chánh bên tác phẩm “Chơi ô ăn quan”… Đi kèm các tác phẩm tranh lụa, Nhà xuất bản Kim Đồng đặc biệt giới thiệu những ghi chép, cảm xúc về mỗi bức tranh. Những bài viết này được con gái ông là nhà văn, dịch giả Nguyệt Tú sưu tầm và biên soạn cẩn trọng, công phu.
Đánh giá về họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, trong bài viết “Người đi đến cuối con đường” của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, in trong tập sách, có viết: Êm ả và thuận dòng, từ lúc khởi nghiệp cho đến ngày buông bút, chẳng biết là ông có được nhẹ lòng không để về cõi bên kia của kiếp người? Đường nghệ thuật của Nguyễn Phan Chánh được xem như cùng một mệnh, một nhịp với tuổi thọ của ông, có khốn khó, có u nhàn, có cô đơn, nhưng thật ra là chẳng mấy cô đơn để đi được đến cuối con đường. Ở đó tích tụ, ngưng đọng những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất trong phần hồn, phần cốt của một đất nước, một dân tộc. Sẽ mấy ai dám bảo rằng sự cũ kĩ quê mùa thuần chất, thuần hậu nơi ông một khi đã được gìn dưỡng âm thầm bởi nền học cũ lại không đủ sức làm phát lộ ra một tư chất nghệ thuật hơn người.
Là sinh viên duy nhất của xứ Trung kì trúng tuyển khóa đầu tiên năm 1925 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông cũng là hiện tượng lạ biệt nhất trong lịch sử hội họa hiện đại Việt Nam. Với những tác phẩm đầu tay như: “Chơi ô ăn quan”, “Cô gái rửa rau”, “Em bé cho chim ăn” … xuất hiện khá đường đột và đặc sắc tại cuộc Triễn lãm năm 1931 tại Paris, Nguyễn Phan Chánh ở tuổi ba mươi chín, bốn mươi đã làm xong sự nghiệp nghệ thuật của đời mình và ngay lập tức trở thành bậc tiên chỉ của nghề vẽ lụa, của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam.
Ở nửa thế kỉ sau của tranh mình, Nguyễn Phan Chánh đã lặng lẽ chiêm nghiệm, thay đổi, dịch chuyển đời sống và nghệ thuật. Ông đã có không ít những năm tháng lăn mình vào hiện thực, lan tỏa trở lại những rung cảm đằm thắm giữa làng xóm quê hương. Tranh ông như bồng bềnh trong một không gian mới, cảm xúc mới. Đĩa màu cũ đậm đặc, nồng nàn sắc nâu già và màu đen trong sâu đâu còn. Nó đã tan loãng đột nhiên trong cách hồn nhiên, êm nhẹ sang nâu non và xanh non. Nền lụa cũng rộng hơn bởi có thêm khoảng trống, bố cục lỏng dần, hình thể cũng không còn lệ thuộc vào phép viễn cận và các tỉ lệ chuẩn mực của giải phẫu tạo hình. Có lẽ, chính ông cũng không hay biết rằng, ở mình hiện thực là một phẩm chất bẩm sinh, một định mệnh nghệ thuật, giời cho thì mình được. Ông đã được và bừng rực lên trọn vẹn năm 1931 và làm xong một cách hoàn hảo đến lạ lùng sự nghiệp nghệ thuật của người đi tiên phong chỉ bằng vài ba tác phẩm đầu tay kia. Tuyệt nhiên, ông thành danh không bằng một thứ chủ nghĩa hay khuynh hướng nào. Mùa xuân năm Tân Mùi – 1931 đã trở thành mùa xuân kì diệu nhất của đời ông. Và ông vẫn còn đi, đi đến cuối con đường.
Còn ông, dù nổi tiếng trong và ngoài nước về nghệ thuật vẽ tranh lụa, nhưng ông lại rất khiêm tốn khi nói về mình. Trong những dòng tự bạch, ông nói rằng: “Ai có thể nói rằng một bức lụa dù đẹp đến đâu có thể tồn tại mãi mãi. Màu sắc tươi tắn đến mấy rồi cũng phai. Nét vẽ dù đẹp đến mấy cũng không thể giữ mãi. Bản thân người nghệ sĩ rồi cũng mất. Còn lại mãi với thời gian là tình người. Tình người đã giúp tôi vượt qua những giông bão cuộc đời. Tình người trong nghệ thuật của tôi đã tạo nên niềm cảm thông giữa tôi và bạn bè trong nước cũng như ngoài nước.”
Để tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh cùng các tác phẩm nghệ thuật của ông, bạn đọc có thể đến Thư viện tỉnh Đồng Nai để tìm đọc tác phẩm này cùng một số tác phẩm khác viết về ông như: Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh (Kỷ yếu Hội thảo khoa học 100 năm ngày sinh của họa sĩ); Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh; Nguyễn Phan Chánh…
Trần Thủy