Là một trong những nhà văn nữ có tên tuổi trong giới văn học ở Đồng Nai, Hoàng Ngọc Điệp là một trong số ít nhà văn có khả năng sáng tác rất lớn với các thể loại: truyện ngắn, bút ký và tiểu thuyết. Hiện chị là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai.
Với thế mạnh là viết cho thiếu nhi, nên trong quá trình sáng tác nhà văn Hoàng Ngọc Điệp đã ưu ái dành nhiều trang viết cho các em. Những câu chuyện về tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo được nhà văn ấp ủ và gầy dựng đầy sức hấp dẫn, luôn mang đến cho thiếu nhi và người đọc nhiều cảm xúc thú vị. Bằng tài năng của mình, năm 2008, chị đã đạt Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần III với Món quà Noel. Tác phẩm Cù lao yêu dấu cũng đã đạt Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần V (2016-2020). Đối với chị, thiên nhiên, con người, vùng đất Đồng Nai đã mang đến nhiều cảm hứng trong sáng tác để ngày càng có những những tác phẩm đặc biệt phục vụ người đọc.
Gần đây nhất là tập truyện Ngày hè của Chuột Con thuộc Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi đã được Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành vào cuối năm 2022. Đây là câu chuyện mang đậm hương vị đồng quê, với bao điều thú vị về các loài vật được nhà văn đặt trong mối liên hệ với môi trường thiên nhiên để nói lên nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống và để lại những thông điệp cần suy ngẫm.
Với 273 trang, được in trên khổ giấy 15x21cm, tập truyện Ngày hè của Chuột Con bao gồm 22 phân đoạn, tái hiện bức tranh sinh hoạt của các loài vật trong không gian Vườn Xanh của ông bà Hạ Sơn - Mỹ Lý. Câu chuyện bắt đầu từ khi Chuột con được nghỉ hè và thực hiện kỳ nghỉ của mình bằng việc đi thăm các loài vật sống xung quanh, trong đó có cả những loài vật không thiện cảm với họ nhà chuột. Trong số 48 con vật được tác giả nhắc đến trong tập truyện (Chó Min, Mèo Hoa, Thỏ Nâu, Sóc Bông, Chồn Hương, Khỉ Trán Dô,…) thì Chuột Con được chọn làm nhân vật chính để thể hiện những góc nhìn về hoạt động của các loài vật. Thông qua câu chuyện của Chuột Con, người đọc sẽ hiểu thêm về cuộc sống xung quanh, lý giải từng đặc tính, thói quen cũng như suy nghĩ của các loài vật, để từ đó có những nhìn nhận và hành động thiết thực đối với chúng cũng như môi trường thiên nhiên.
Đọc Ngày hè của Chuột Con, người đọc sẽ được khám phá Vườn Xanh thật thú vị - nơi được quy hoạch thành từng khu, mỗi khu mang một cái tên gắn với những thứ có trong đó: Khu ao lớn; khu rau quả, khu gia cầm; khu gia súc; khu hoa bốn mùa… mà ở đó có các loài vật đáng yêu hiện ra rất gần gũi và thân thiện. Bằng nhãn quan tinh tế và tình yêu thương đối với các loài vật từ những điều đơn giản nhất, tác giả đã miêu tả chi tiết từng đặc tính của các loài vật từ trên cạn (Chó Min, Ếch cụ khôn ngoan, Mèo Hoa, Gà Cánh Tiên, Thỏ nâu… cho đến các loài dưới nước (Cá Rô phi, Baba, Ốc nhồi, Cá Sộp, Cua Kềnh,…), đọc được tâm trạng của chúng qua từng cử chỉ, điệu bộ, hoạt động, để rồi phát hiện ra cái chân, thiện, mỹ, có thể hoá giải những định kiến chưa tốt của loài người về một số loài vật từ xưa đến nay (Chuột là loài gặm nhấm, chỉ biết phá phách, ăn vụng, đào bới lung tung; Khỉ Trán Dô hay phá phách, ăn cắp, trêu ghẹo con người; Thạch Sùng và Ốc Sên là những loài vật vô tác dụng,...), tiến đến cảm hoá chúng, để chúng sống bên cạnh loài người như những loài vật đáng yêu và hữu ích.
Qua ngòi bút sắc sảo của nhà văn, hình ảnh Chuột con thật thân thiện, hiểu chuyện, nó có thể sống dung hoà với môi trường và mọi con vật ngay cả với khắc tinh của nó. Nhà văn thật tỉ mỉ, công phu và có một tấm lòng nhân hậu với thiên nhiên khi sắp xếp các con vật này vào hệ thống các loài vật trong một cấu trúc truyện và miêu tả tỉ mỉ về chúng từ hình dáng, đặc điểm sinh học và tính cách xã hội, giao cho mỗi nhân vật một thông điệp, tạo ấn tượng thẩm mĩ và ý nghĩa giáo dục đối với người đọc, đặc biệt là thiếu nhi.
Thông qua tập truyện Ngày hè của Chuột Con, người đọc sẽ nhận ra được nghệ thuật trong cách hành văn của tác giả. Trước tiên, đó là bút pháp nhân hoá. Nhà văn đã mượn hình ảnh loài vật, nhân hoá chúng, để lý giải về cuộc sống đời thường. Qua từng câu chuyện, người đọc sẽ hiểu hơn về chúng. Mặc dù là loài vật, nhưng chúng cũng có cuộc sống riêng, cũng có gia đình, họ hàng và các mối quan hệ khác và quan trọng hơn cả là chúng cũng cần có tình yêu thương, sự sẻ chia của đồng loại và các loài vật khác loài, kể cả con người. Bên cạnh đó, nghệ thuật trong câu chuyện của Chuột Con còn là sự kết hợp giữa tri thức khoa học về các loài sinh vật với sự sáng tạo hình tượng, thẩm mỹ dựa trên một tấm lòng trải nghiệm sâu sắc cuộc sống, tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng. Qua câu chuyện, ta sẽ dễ dàng nhận ra sự sẻ chia và tấm lòng yêu thương sâu nặng của nhà văn đối với hoàn cảnh của từng nhân vật như: thầy Ngựa Bạch, bác Bò Vàng, chị Chim Lợn, Khỉ Trán Dô, Chồn Hương, Lợn Rừng Lai và cả chị Thạch Sùng. Có thể nói rằng, nhà văn Hoàng Ngọc Điệp phải rất yêu mến thiên nhiên, yêu mến loài vật bằng sự cảm thông, một tấm lòng thấu hiểu nên đã có những miêu tả hết sức chi tiết từng cử chỉ, điệu bộ, tâm trạng vui, buồn của chúng đến như vậy. Đó là nghệ thuật đặc biệt mà không phải tác phẩm nào cũng có được.
Và thật thú vị, khi đọc tập truyện này, người đọc sẽ được tiếp cận và khám phá về các loài vật. Có đến 48 con vật gần gũi quanh ta được lần lượt hiện diện trong tập truyện. Quả là một khám phá đầy ấn tượng, mang đến cho người đọc thêm nhiều sự hiểu biết mới mẻ về các loài vật trong tự nhiên. Đó là sự khám phá và làm giàu thế giới thiên nhiên trong tác phẩm mà không phải nhà văn nào viết cho thiếu nhi cũng cảm được.
Thật đáng yêu khi câu chuyện Ngày hè của Chuột Con có một cái kết thật tốt đẹp. Chuột Con đã trải qua những ngày hè đầy thú vị và ý nghĩa. Những người bạn của Chuột Con là Khỉ Trán Dô, Lợn Rừng Lai và Cóc Tía là những kẻ lười học đã cùng nhau đến lớp xin nhập học. Chúng được thầy Ngựa Bạch và cả lớp vui mừng đón nhận. Trong câu chuyện nhà văn đã rất tâm lý khi biểu dương những phẩm chất tốt, những việc làm hay của các con vật (Chuột con và những người bạn đã làm được một việc tốt đó là đưa ổ trứng của chị Gà Cánh Tiên lên cao để chạy nước ngập, thông tin đến Vẹt về việc Chó Min bị thương để Vẹt báo cho bà chủ biết để đưa Chó Min về nhà,…). Bên cạnh đó, nhà văn cũng phê phán mạnh mẽ những thói xấu, những việc xấu của chúng, để các loài vật có thể sửa chữa để trở thành những con vật tốt hơn, sống có ích hơn.
Qua tập truyện Ngày hè của Chuột Con, người đọc sẽ cảm nhận được nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống và những thông điệp cần suy ngẫm. Đó là bài học làm người, cách đối nhân xử thế, nhận ra và trân quý giá trị của mình và người khác trong cuộc sống. Đó là bài học về triết lý sống, về sự yêu thương, cảm thông và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Và đó là những suy ngẫm về ý thức, trách nhiệm trong hành động của con người nhằm góp phần vào việc chung tay bảo vệ môi trường và các loài vật khỏi sự huỷ diệt của thiên tai và những biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Với mạch văn nhẹ nhàng, sâu lắng, người đọc sẽ dễ dàng hiểu và cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc trong câu chuyện Ngày hè của Chuột Con. Tìm hiểu tác phẩm, chúng ta sẽ mở rộng hiểu biết hơn, yêu hơn, gần gũi hơn với các loài vật trong thiên nhiên, đồng thời biết đến nhiều hơn đối với tác giả - một nhà văn tài năng, tâm huyết với nhiều đề tài viết cho thiếu nhi, người có tấm lòng yêu thương bao la đối với quê hương đất nước, đối với con người và đặc biệt là đối với thiếu nhi.
Tập truyện Ngày hè của Chuột Con hiện được lưu trữ tại Thư viện tỉnh Đồng Nai.
Thân mời quý độc giả và các em thiếu nhi tìm đọc!.

Đinh Nhài