Đặng Quý Khoa (sinh năm 1936 tại Hưng Yên) được biết đến là một họa sĩ đa tài, một người thầy mẫu mực gắn bó với bao thế hệ học trò Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng... Ông tốt nghiệp khoá 1, hệ chính quy khóa chuyên khoa Sơn dầu (1957-1962), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (Tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương), cùng trang lứa với các họa sĩ nổi tiếng như: Vũ Giáng Hương, Lê Thiệp, Phạm Công Thành, Nguyễn Ngọc Thọ...
Phó Giáo sư Đặng Quý Khoa là người ham nghiên cứu và tự hoàn thiện mình, ông đọc nhiều, hiểu rộng các nền văn hoá, nhất là triết học Phương Đông, tinh thông kiến thức về lịch sử mỹ thuật, yêu nghệ thuật và thơ ca. Đảm nhận chức vụ Trưởng khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, giảng dạy các học phần về lý thuyết, nhưng niềm đam mê của ông vẫn là vẽ tranh, không ngừng sáng tạo và đều đặn trưng bày triển lãm cá nhân.
Trong sáng tác ông thể hiện sự đam mê, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trên nhiều chất liệu từ sơn dầu, lụa, sơn mài đến giấy dó... Họa sĩ đã đi thực tế khắp mọi miền đất nước, từ nông thôn, đồng bằng đến miền biển, vùng núi và có nhiều sáng tác về phong cảnh, con người nơi đây. Các tác phẩm của ông thể hiện tâm hồn, tình cảm của một họa sĩ trọng thực, nhân hậu, giàu cảm xúc, hết mình cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật. Với sự nỗ lực cống hiến hết mình, họa sĩ đã nhận được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, có tranh lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như bộ sưu tập tranh của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Nhằm giúp quý bạn đọc có thêm nhiều thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Đặng Quý Khoa cũng như cảm thụ về những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của ông, Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu cuốn sách ảnh song ngữ Việt – Anh: Họa sĩ Đặng Quý Khoa do Đặng Thị Phong Lan và Mã Thanh Cao sưu tầm, biên soạn, được Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành năm 2022.
Với 147 trang, cuốn sách giới thiệu 160 tác phẩm của họa sĩ Đặng Quý Khoa với nhiều thể loại phong phú, đa dạng để người xem thấy được mạch sáng tác, lối nhìn riêng và sức sáng tạo không ngừng của một họa sĩ lão thành - một người thầy kính yêu của bao thế hệ học trò.
Ngoài các bài viết của Tiến sĩ Mã Thanh Cao - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan (con gái họa sĩ Đặng Quý Khoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) thì toàn bộ dung lượng của tập sách đều dành cho việc trình bày các tác phẩm của họa sĩ Đặng Quý Khoa với các thể loại như: Tranh sinh hoạt; tranh phong cảnh; tranh khỏa thân; tranh tĩnh vật; tranh chân dung và ký họa.
Với mảng đề tài về tranh sinh hoạt, họa sĩ Đặng Quý Khoa đưa người xem trở về với đời sống, lễ hội đặc trưng của từng vùng miền hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên và kiến trúc. Nơi thành thị là cảnh sinh hoạt gia đình, đi chợ Tết, chiếu chèo, hát xẩm, đi lễ chùa, rước đèn Trung thu... Ở nông thôn Bắc bộ là sinh hoạt đầm ấm của những ông bà già vui đùa cùng con cháu, hay trong công việc thường ngày đan giỏ, vá lưới, buông câu, đánh cờ, hút điếu cày, ăn trầu... Ở tranh sinh hoạt miền núi, ngoài cảnh gặt lúa quen thuộc, còn có những sinh hoạt bên suối như thiếu nữ tắm, thiếu nữ khoả thân... Ngoài ra, còn có tranh sinh hoạt của người dân Tây Nguyên như cưỡi voi, uống rượu... Tiêu biểu là các tác phẩm: Hát xẩm, Trung thu, Bên Hồ Gươm, Chợ quê, Thiếu nữ áo dài, Xuý Vân, Cổng chùa Kim Liên, Lễ hội, Hai bà lão ăn trầu, Hạnh phúc gia đình,…
Dưới nét bút của họa sĩ Đặng Quý Khoa, phong cảnh làng xóm, đồng ruộng dưới chân núi xen lẫn kiến trúc đền, chùa vùng trung du Bắc bộ hiện lên, mang đậm sắc thái văn hoá đặc trưng của vùng sông nước. Người xem có thể cảm nhận được trong tranh của họa sĩ là sự hoài niệm về vẻ đẹp yên bình của của làng quê Bắc bộ truyền thống qua hình ảnh con đò, quán hàng dưới gốc đa, chiếc cầu đá, những đứa trẻ chăn trâu, những bà mẹ nón thúng quai thao... Các tác phẩm tiêu biểu: Dưới trăng, Ngày mùa, Chợ vùng cao, Bản làng, Xuống chợ, Làng quê, Mùa gặt, Xuống chợ...
Trong số hơn 100 tranh, thì thể loại tranh phong cảnh chiếm số lượng nhiều nhất. Đối với họa sĩ Đặng Quý Khoa, vẽ tranh phong cảnh là cách chia sẻ với mọi người về vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên. Yếu tố phong cảnh còn được họa sĩ khai thác trong nhiều tác phẩm đề tài lịch sử, di tích lịch sử văn hóa. Ngoài việc chú trọng đến hình ảnh các nhân vật lịch sử như trong các tranh Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long, vua Hùng Mỵ Châu, Trọng Thuỷ, Cầu Thê Húc, Hồ Xuân Hương, Sự tích bánh chưng, bánh dày với trang phục phù hợp, họa sĩ còn thể hiện những nét đẹp của khung cảnh mang tính lịch sử với từng nhân vật.
Bên cạnh đó, họa sĩ Đặng Quý Khoa còn vẽ khá nhiều tranh tĩnh vật về những chú mèo xinh xắn cùng đồ vật hoặc là những tranh về hoa, trái...
Tranh thiếu nữ khoả thân cũng là mảng đề tài được họa sĩ thể hiện trên nhiều chất liệu như lụa, giấy dó, sơn dầu, bột màu. Trong bộ sưu tập này, thiếu nữ khỏa thân thể hiện sự e ấp trong vóc dáng, cử chỉ, ánh mắt, động tác của các nhân vật dù ở bất kỳ không gian nào. Ví như các tác phẩm: Cảm hứng Tây Nguyên, Thiếu nữ với thiên nhiên, Tắm suối,…
Với thể loại tranh chân dung và ký họa, họa sĩ Đặng Quý Khoa đã tạc nên những bức tranh giàu nghệ thuật, như các bức tranh: Bên cầu cũ Bạch Long Vỹ, Cô gái trên ghế trúc, Hai bà cháu, Cảnh chùa, Cổng chùa Kim Liên, Đụn rơm, Biển Nha Trang, Ruộng nước Sapa, Gánh củi, Mùa gặt.
Có thể nói, bộ sưu tập ảnh Họa sĩ Đặng Quý Khoa không chỉ nhiều về số lượng, mà còn phong phú về đề tài và đa dạng về chất liệu. Từ tranh phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật đến tranh lịch sử, văn học phản ánh khá đầy đủ về những sáng tạo của họa sĩ Đặng Quý Khoa, một nhà giáo, một người yêu văn thơ, nhạc họa, người thấu hiểu triết lý và mỹ học phương Đông. Thiên nhiên và con người được thể hiện trong tranh của họa sĩ rất thực nhưng vẫn đậm chất thơ ca, tính triết lý nhân văn sâu sắc và trên hết là vẻ đẹp qua nét vẽ của ông. Tranh của ông mang lại cho người xem sự an nhiên, thư thái, đôi lúc gợi chút ưu tư, trầm lắng. Xem tranh của họa sĩ Đặng Quý Khoa, bạn đọc sẽ cảm nhận được chất văn hóa ấy trong con người ông từ cách chọn đề tài đến lối biểu hiện lên tác phẩm. Họa sĩ đã khai thác được vẻ đẹp đặc thù của chất liệu, giàu chất thơ, chất hiện thực. Đề tài trong mỗi tác phẩm tuy bình dị, thường nhật nhưng đều hàm chứa trong đó những triết lý nhân sinh, ở đó luôn thể hiện cảm thức nhớ thương, hoài tưởng về những gì đã qua. Hiện nay, mặc dù tuổi cao (87 tuổi), sức khỏe có suy giảm nhưng tình yêu với nghệ thuật thì không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn của họa sĩ Đặng Quý Khoa. Quả là một họa sĩ tài năng và đức độ.
Ấn phẩm sách sẽ là cuốn cẩm nang tham khảo hữu ích đối với đông đảo giới họa sĩ, sinh viên theo ngành mỹ thuật và bạn đọc quan tâm tìm hiểu về nghệ thuật hội họa của họa sĩ Đặng Quý Khoa.
Cuốn sách Họa sĩ Đặng Quý Khoa được lưu trữ tại Thư viện tỉnh Đồng Nai.
Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc!.

Đinh Nhài