Bỏ qua nội dung chính

gtsachchuyende

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > gtsachchuyende
gtsachchuyende Thứ Sáu, 14/07/2023, 20:10

Giới thiệu sách: Đờn ca tài tử khảo và luận

Tác giả Tiến sĩ Nguyễn Phúc An (sinh năm 1984, tại Long Xuyên, An Giang) là giảng viên Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh nhiều bản dịch sách đã được xuất bản, anh là tác giả và đồng tác giả của sáu cuốn biên khảo: Đờn ca tài tử Nam Bộ - khảo & luận (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2018), Cụ Phó bảng Minh Xuyên Hoàng Yến & tác phẩm Cầm học tầm nguyên (khảo – chú - luận, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, năm 2019) và ba cuốn đều do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành: Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ & bài bản nhạc tài tử miền Nam (đồng tác giả Hoàng Thân, năm 2019), Văn học trung đại Việt Nam nhìn từ thể loại tiểu thuyết truyền kỳ chữ Hán (năm 2020), Tuồng hát cải lương - khảo & luận (năm 2022).

Là một người sinh ra trong một gia đình có những bậc tiền bối ham mê âm nhạc, mà lại là Nhạc tài tử tác giả Nguyễn Phúc An viết:  “Tôi dành tặng quyển sách này cho ông Nội tôi, người đã đờn cho tôi ca bài cổ nhạc đầu tiên trong cuộc đời, khởi đầu cho một đam mê âm nhạc tài tử….Tôi viết về Đờn ca tài tử không bởi vì chính nó đang mang tính thời sự, hay vì Đờn ca tài tử đã được vinh danh trên tầm quốc tế. Tôi viết về Đờn ca tài tử như một món nợ tình thân, một món nợ tự vay tự trả và hơn thế nữa là trên một tinh thần có ý thức, hay nói một cách gọn ghẽ hơn đó là chính vì tôi đam mê”. Tuy chưa thể khai thác hết nền nhạc cổ miền Nam, nhưng sách đã gói ghém gần như là đầy đủ hết những hiểu biết, những tinh hoa trong mảnh đất màu mỡ của âm nhạc tài tử miền Nam, nhưng tác giả đã cho chúng ta thấy được những kiến thức rất có giá trị và hữu ích về loại hình âm nhạc này mà mỗi nhạc sĩ, người nghiên cứu hay giới mộ điệu chúng ta không thể thiếu được.

Đọc qua cuốn Đờn ca tài tử khảo và luận, mỗi người chúng ta sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về nghệ thuật Đờn ca tải tử Nam bộ như:     

- Đờn ca tài tử (hay Nhạc tài tử Nam bộ, nhạc tài tử miền Nam) chắc chắn là phải ở Nam bộ mà ta biết rằng đó là Nam kỳ Lục tỉnh tức: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường thuộc miền Đông và Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thuộc miền Tây thời bấy giờ. Đờn ca tài tử là một loại hình âm nhạc thuộc về phạm trù âm nhạc cổ điển của dân tộc ta, tức là nhạc cổ hay nhạc cổ truyền. Một loại hình âm nhạc cổ truyền, nhưng lại sinh sau đẻ muộn so với các loại hình âm nhạc cổ truyền như: ca trù, quan họ, chèo, tuồng (hát bội), xẩm, hát ví, hát trống quân... ở miền Bắc và miền Trung.

- Đờn ca tài tử được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 trên mảnh đất phương Nam, có nguồn gốc từ các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Đình Huế trong quá trình mang gươm đi mở cõi, đã mang theo những điệu thức của nhã nhạc, ca Huế. Sau những giờ lao động, khai hoang, mở đất, thanh niên nam nữ vùng sông nước miệt vườn Nam bộ lại cùng nhau tụ họp đờn ca, như để bày tỏ nỗi lòng, cũng là để quên đi hết những mệt nhọc vất vả. Lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện thêm hình thức ca nên gọi là đờn ca.

- Đờn ca tài tử có nhiều điệu thức khác nhau, trong giới nhà nghề thường gọi là “Hơi”: Hơi Bắc vui tươi; hơi Quảng nhộn nhịp như nhạc Quảng Đông; hơi “Xuân” thanh thản; hơi “Ai” buồn.

- Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo trên cơ sở của 20 bản gốc (bài Tổ) gồm: 3 Nam (Nam Xuân, Nam Ai + Nam Ai Lớp Mái , Đảo Ngũ Cung + Song Cước), 6 Bắc (Lưu Thủy, Xuân Tình, Phú Lục, Bình Bán, Tây Thi, Cổ Bản), 7 Lễ (Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc), 4 Oán (Tứ Ðại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng, Phụng Hoàng; 4 bài Oán phụ gồm: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Xuân Nữ). Và 72 bài nhạc cổ, các bài bản này được cải biên liên tục cho 4 điệu, gồm: 6 bài Bắc, 7 bài Hạ, 3 bài Nam và 4 bái Oán.

- Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song, loan… từ khoảng năm 1930 có thêm đờn ghi ta phím lõm, Hạ Uy Di được cải biên đưa vào nhạc tài tử.

- Người thực hành Đờn ca tài tử gồm: người dạy đàn (thày Đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi nhạc cụ; người đặt lời (thầy Tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (thầy Ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến… người đờn (danh Cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca (danh Ca) là người thể hiện các bài bản bằng lời.

Với tuổi đời ngót trăm năm, Đờn ca tài tử đã vững vàng như là một trong những tượng đài biểu trưng cho văn hóa âm nhạc miền Nam từ cuối thế kỷ XIX qua suốt thế kỷ XX và cho đến nay. Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, gọi tắt là UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào tháng 12 năm 2013.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn Đờn ca tài tử khảo và luận đến quý bạn đọc và hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện tỉnh Đồng Nai.

 

Lê Thị Mai Hoa

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2907 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày