Quý bạn đọc thân mến!
Có một vị tướng quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, một lòng trung kiên với sự nghiệp cách mạng. Phong cách và tài thao lược của ông đã thu phục nhiều người, ngay cả giới giang hồ đi theo cách mạng. Tên tuổi của ông cũng trở thành nỗi kinh hoàng cho đội quân viễn chinh Pháp. Ông là vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam – Trung tướng Nguyễn Bình.
Sinh ra tại thôn An Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, ngay từ nhỏ, Trung tướng Nguyễn Bình đã sớm bộc lộ là người có tư chất thông minh, nhanh nhẹn, ham học và thường xuyên luyện tập võ nghệ. Lớn lên bằng tình yêu quê hương, đất nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc, trong ông đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng. Với trí tuệ nhạy bén, tài thao lược quân sự xuất sắc đã đưa ông trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung, quả cảm, một vị tướng chỉ huy tài tình của quân đội và cách mạng Việt Nam.
Năm 1945, nhận nhiệm vụ vào Nam Bộ với tư cách là phái viên Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Bình đã giữ được miền Nam trong điều kiện hết sức khó khăn, bẻ gãy được mũi nhọn tiến công của quân viễn chinh Pháp. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các đơn vị bộ đội địa phương được tập hợp lại, chính quy hóa, đi vào nề nếp, đặt mục tiêu đánh Pháp lên trên hết, thống nhất được các nhóm giang hồ kiểu Bình Xuyên. Mặt khác, đồng chí Nguyễn Bình, đã đào tạo binh chủng tinh nhuệ luồn sâu đánh hiểm, đột nhập vào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn là hang ổ của địch, ngày đêm quấy rối, rải truyền đơn, ném lựu đạn, làm cho địch ăn không ngon ngủ không yên.
Với những cống hiến đó, ngày 25/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng cho Nguyễn Bình - Khu Trưởng chiến khu VII kiêm Ủy viên quân sự Nam Bộ.
Nhằm giúp quý bạn đọc hiểu thêm về con người, sự nghiệp cũng như những đóng góp to lớn của đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình cho cách mạng Việt Nam, góp phần khẳng định, làm rõ thêm đức độ, tài năng, công lao của Trung tướng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu cuốn sách “Nguyễn Bình – Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
Có dung lượng 336 trang, ngoài lời giới thiệu của nhà xuất bản và 02 Sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Sắc lệnh số 18 về việc cử Trung tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam bộ và Sắc lệnh số 84 Truy tặng Trung tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Nam Bộ Huân chương Quân công hạng Nhất), ấn phẩm sách “Nguyễn Bình – Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam” tập hợp 27 đoạn trích trong các sách lịch sử liên quan cùng các tài liệu, bài viết, kỷ niệm sâu sắc của các tác giả đã được đăng tải trên các xuất bản phẩm, báo chí có nội dung tưởng niệm, ghi công, đồng thời nói lên tình cảm yêu mến và kính trọng của các đồng chí, đồng đội, đồng hương của Trung tướng Nguyễn Bình, do Hội đồng hương Hải Phòng tại thành phố Hồ Chí Minh tập hợp, được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2005, nhân dịp nước ta Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2004).
Được in trên khổ giấy 15x21cm, nội dung các bài viết, đoạn trích tập trung vào nhận định, phân tích về tài thao lược, mưu trí trong chỉ huy các trận đánh của Trung tướng Nguyễn Bình, như: Chiến khu Trần Hưng Đạo và Tư Lệnh Nguyễn Bình; Đặc phái viên quân sự - Trung tướng Nguyễn Bình với Khu 7 – miền Đông Nam Bộ những năm đầu kháng chiến chống Pháp; Tư lệnh Nguyễn Bình với Khu 8 – Nam Bộ; Khu trưởng Nguyễn Bình với việc thành lập các đơn vị vũ trang Sài Gòn – Chợ Lớn (1946-1951); Mưu trí, sáng tạo đánh đồn Bần Yên Nhân; “Một quyết định quan trọng” - thành lập Trường Quân chính Khu 7; Nguyễn Bình – nhà yêu nước, yêu dân tộc chân chính và là nhà quân sự có năng lực, có nhãn quan thấy xa trông rộng…
Dưới cách nhìn của các tác giả - những đồng chí, đồng đội đã từng chiến đấu với đồng chí Nguyễn Bình từ chiến khu Đông Triều đến chiến trường Nam Bộ và cả những nhà quân sự thì Trung tướng Nguyễn Bình được đánh giá là một tài năng quân sự bẩm sinh, một người chỉ huy có tư chất đặc biệt, quyết đoán trong bối cảnh hết sức khó khăn. Nổi bật ở đồng chí là tinh thần kiên quyết tiến công, táo bạo, quyết đoán, mưu trí, chớp thời cơ. Hoạt động quân sự đầu tiên của đồng chí là dùng mưu bất ngờ đánh chiếm đồn Bần Yên Nhân trên đường số 5 ngay trong đêm 12/3/1945. Nổi bật nhất là trận tiến công chỉ huy đánh chiếm Quảng Yên, tỉnh lỵ trong toàn quốc được giải phóng trước Cách mạng tháng Tám. Đồng chí thật sự tiêu biểu cho khí thế liên tục tiến công, thừa thắng xốc tới của Chiến khu Đông Triều Nam Bộ. Khi quân Pháp đã chiếm đóng Sài Gòn, đồng chí Bình đã đột nhập vào thành phố, trực tiếp khảo sát tình hình và chủ trương đưa chiến tranh du kích vào thành Sài Gòn, tiến công địch ngay tại trung tâm đầu não và hang ổ của chúng chứ không bao vây và đấu tranh chính trị. Có thể nói, tên tuổi Trung tướng Nguyễn Bình luôn gắn với Chiến khu Đông Triều, Chiến khu Duyên Hải Bắc Bộ, với Sài Gòn - Chợ Lớn, Đông Nam Bộ và Nam Bộ. Đồng chí có công trong việc thống nhất lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ và xây dựng Ban công tác tại thành phố Sài Gòn. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo.
Bên cạnh đó, là những bài viết bày tỏ tình cảm, kính mến đối với Trung tướng Nguyễn Bình của các đồng chí, đồng đội, chiến sĩ đã từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của Trung tướng như: Ba lần sát cánh cùng anh Nguyễn Bình chiến đấu – Nguyễn Ngọc Vân; Mãi mãi tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Bình – Thiếu tướng Nguyễn Hữu Sở; Nguyễn Bình với Hải Phòng, Hải phòng với Nguyễn Bình - Ngô Đăng Lợi; Chiến đấu dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bình... Trong đó, có bài thơ “Thương nhớ người đi” của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ - Khu trưởng Khu 7 viết tặng Trung tướng Nguyễn Bình (năm 1947) khi Trung tướng Nguyễn Bình từ biệt Chiến khu Đ để về Đồng Tháp (năm 1946).
Trong lòng đồng chí, đồng đội, chiến sĩ và nhân dân ta, Trung tướng Nguyễn Bình là người chiến sĩ cách mạng quả cảm, người chỉ huy mưu lược, quyết đoán, giữ kỷ luật nghiêm minh, luôn đi sát quần chúng và được chiến sĩ và đồng bào tin cậy. Đồng chí Nguyễn Bình đã lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm, vào những thời điểm khó khăn nhất, để lại trong lòng đồng bào đồng chí hai miền Nam Bắc những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc. Năm 1951, Trung tướng Nguyễn Bình được Trung ương triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ, trên đường thi hành nhiệm vụ ông bị phục kích và hi sinh ngày 29/9/1951 tại tỉnh Ráptanakiri (Campuchia). Năm 2000, với sự giúp đỡ của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đội công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa hài cốt Trung trướng Nguyễn Bình về nước. Lễ truy điệu và mai táng hài cốt liệt sĩ - Trung tướng Nguyễn Bình được tổ chức trọng thể tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... Những nội dung này được thể hiện chi tiết ở những trang cuối của cuốn sách, như bài viết của Thượng tướng Phạm Văn Trà - trích trong Lời điếu đọc tại Lễ truy điệu và an táng hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình, ngày 11/3/2000 - “Nguyễn Bình là một người cộng sản kiên trung, một tướng lĩnh quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược”; Bài Tưởng nhớ anh Nguyễn Bình của Bác sĩ Ngô Văn Quỹ, hay Đi tìm hài cốt liệt sĩ – Trung tướng Nguyễn Bình của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm…
Để hiểu kĩ hơn về con người và sự nghiệp cao cả của Trung tướng Nguyễn Bình, quý bạn đọc có thể tìm đọc cuốn sách “Nguyễn Bình – Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam” và những ấn phẩm sách có liên quan đến Trung tướng Nguyễn Bình tại phòng Phục vụ bạn đọc của Thư viện tỉnh Đồng Nai.
Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc./.
Đinh Nhài