Bỏ qua nội dung chính

gtsachchuyende

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > gtsachchuyende
gtsachchuyende Thứ Năm, 03/08/2023, 20:45

Giới thiệu sách: Marie Curie

Marie Curie là một tập trong bộ sách Những gương mặt làm thay đổi thế giới của nhà văn Vicki Cobb viết về cuộc đời và sự nghiệp của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Sách được Nguyên Hương dịch và nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành dành cho thiếu nhi. Với khổ 13cm x 19cm và độ dày 119 trang, sách gồm 1 chương mở đầu và 13 chương viết về cuộc đời và sự nghiệp của nữ bác học Marie Curie, người phụ nữ duy nhất trên thế giới 2 lần nhận giải Nobel.

Marie Curie, sinh ngày 7 tháng 11 năm 1867 tại Warsaw, Ba Lan, là con thứ 5 và cũng là con út trong gia đình của Vladislav và Bronislava Sklodowski. Bố mẹ của bà là giáo viên và 5 người con của họ là những học sinh xuất sắc. Ngay từ nhỏ Marie Curie đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, trí nhớ đáng kinh ngạc và khả năng tập trung cao độ. Tuy nhiên ông bà Sklodowski không muốn khuyến khích sự phát triển quá sớm của con mình, mà chỉ muốn cô bé có một tuổi thơ bình thường. Vì vậy họ luôn thúc dục Marie ra vườn chơi đùa thay vì đọc sách.

Năm Marie được 9 tuổi thì mẹ qua đời, từ đó Marie trở thành một đứa trẻ nghiêm nghị, tập trung tâm trí vào việc mà cô bé biết mình rất giỏi, đó là học tập thật xuất sắc. Năm 1883, ở tuổi 15, bà hoàn thành chương trình giáo dục trung học, là thủ khoa tốt nghiệp của lớp. Marie và chị gái của bà, Bronya, đều mong muốn theo đuổi con đường học vấn cao hơn, nhưng Đại học Warsaw không chấp nhận phụ nữ. Năm 17 tuổi, Marie trở thành một nữ gia sư để lo tiền cho chị gái mình theo học tại trường y ở Paris. Bà tiếp tục tự học và cuối cùng lên đường đến Paris vào tháng 11 năm 1891.

Khi Marie vào học tại Đại học Sorbonne danh giá ở Paris, bà được đánh giá là một sinh viên tập trung, siêng năng và luôn đứng đầu lớp. Bằng chứng tài năng của mình, bà đã được trao Học bổng Alexandrovitch dành cho sinh viên Ba Lan du học. Học bổng đã giúp bà chi trả cho các lớp học cần thiết để hoàn thành song bằng về vật lý và khoa học toán học vào năm 1894.

Nhận lời mời của Hội doanh nghiệp Pháp nghiên cứu từ tính của các loại thép. Marie phải nhờ đến sự trợ giúp của giáo sư vật lý trẻ người Ba Lan tên là Joseph Kovalski. Và Joseph đã giới thiệu cho Marie gặp người đàn ông định mệnh của đời bà là Pierre Curie – Trưởng phòng thí nghiệm của Trường Vật lý Paris. Pierre Curie lúc đó đã 35 tuổi, chưa vợ, nổi tiếng về những phát minh về hiện tượng điện áp, về chiếc cân và định luật từ tính mang tên Curie. Sau này, Marie tả lại ấn tượng lần đầu tiên gặp mặt Pierre:” Theo tôi thấy anh ấy có vẻ rất trẻ, dù khi đó anh đã 35 tuổi. Tôi bị ấn tượng mạnh vì vẻ mặt cởi mở và thái độ có phần vô tư lự của anh. Cách anh nói chuyện hơi chậm và cẩn trọng, sự giản dị của anh, cùng nụ cười vừa trẻ trung vừa từ tốn, tất cả thể hiện sự đáng tin.”  

Họ tổ chức đám cưới lặng lẽ vào ngày 20 tháng 7 năm 1895. Lễ cưới của họ hết sức đơn giản, làm lễ ở tòa thị chính và trở về dự tiệc chiều ở nhà cha mẹ Pierrre, khách mời chỉ có những người thân trong gia đình và vài người bạn ở trường đại học. Sau đó họ đạp xe về nông thôn hưởng tuần trăng mật.

Hai năm sau ngày cưới, Marie Curie sinh con gái đầu lòng và chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý. Bà đã chọn hiện tượng phóng xạ của nguyên tố Urani làm đề tài nghiên cứu và sau đó gần 10 năm, hai vợ chồng Curie phát hiện ra một nguyên tố phóng xạ mới có cường độ phóng xạ mạnh gấp 400 lần so với Urani nguyên chất. Bà đã dùng tên của Tổ quốc Ba Lan để đặt tên cho nguyên tố đó: Poloni. Ít lâu sau, hai vợ chồng lại phát hiện thêm nguyên tố có cường độ phóng xạ cực mạnh, đó là Radi. Với thành công này, Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển trao tặng hai người giải thưởng Nobel Vật lý. Trường đại học Paris trao cho bà bằng Tiến sĩ Vật lý xuất sắc.

Chiều ngày 19 tháng 4 năm 1906, Pierre vội vã đi từ chỗ ăn đến nhà xuất bản, ông lơ đãng không nhìn thấy một cỗ xe hai ngựa kéo đang nặng nề lao tới. Pierre bị đánh văng xuống đường và qua đời ngay tại chỗ vì bị bánh sau xe đập trúng đầu.  Marie Curie không chỉ mất đi một người chồng hết mực yêu thương, mà còn mất đi một chiến hữu đồng cam cộng khổ, một chỗ dựa vững chắc trên con đường vươn tới đỉnh cao khoa học.

Vài tháng sau khi Pierre mất, khoa Khoa học của Đại học Sorbonne, họp bàn tìm người thay thế ông. Gạt sang một bên truyền thống và thông lệ, họ quyết định mời Marie đảm nhận vị trí đó và bà trở thành nữ giáo sư đầu tiên trong lịch sử Sorbonne. Với nghị lực phi thường, vừa phải một mình nuôi hai con nhỏ, vừa đảm đương công việc dạy học và nghiên cứu khoa học, năm 1911 Marie Curie lại một lần nữa nhận giải Nobel Hóa học.

Ngày 4 tháng 7 năm 1934, Marie Curie qua đời. Các bác sĩ cho biết, bà bị trúng độc Radi. Do bị bức xạ lâu dài, nội tạng của bà bị tổn thương nghiêm trọng. Thi hài của bà được mai táng tại ngoại ô Paris, bên cạnh Pie Curie. Để ghi nhớ cống hiến lớn lao của nữ bác học kiệt xuất trong việc nghiên cứu các nguyên tố mang tính phóng xạ, người ta đã gọi đơn vị cường độ tính phóng xạ là “Curie”.

Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc.

 

Lê Thị Mai Hoa

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 962 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày