“Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” là chủ đề của Dự án 8, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì. Dự án 8 là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2022, theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Đối tượng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự án 8 được triển khai tại các tỉnh thành gồm xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc khu vực II, I (xã chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành Chương trình 135); xã biên giới được xác định theo các văn bản của cấp có thẩm quyền. Đây là lần đầu tiên, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới.
Với mục tiêu, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Dự án 8 gồm 4 nội dung can thiệp với các hoạt động chính: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Bộ sách “Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới” thuộc Dự án 8 do hai tác giả Hoàng Đức và Edlad biên soạn, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2022. Có dung lượng 140 trang, bộ sách bao gồm 4 cuốn được viết dưới dạng các câu chuyện rất gần gũi, dễ hiểu và tiếp cận với đồng bào các dân tộc:
Cuốn sách đầu tiên, “Việc nhà là của chung – Cùng chia sẻ, cùng tiến bộ, cùng hạnh phúc” có nội dung xoay quanh câu chuyện Làm thế nào để giữ lửa hạnh phúc gia đình?. Tác giả sử dụng hình ảnh những con vật đáng yêu với những hoạt động của chúng để liên hệ đến con người, đồng thời nói lên thông điệp “Chia sẻ việc nhà, gia đình hạnh phúc!”. Thật vậy, trong gia đình, rất cần sự cảm thông, tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ với những thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa người chồng với người vợ, giữa cha mẹ đối với con cái. Cuốn sách sử dụng nhiều câu tục ngữ của các dân tộc để ví von về tình nghĩa vợ chồng, đưa ra những tình huống và cách ứng xử phù hợp.
“Em muốn được tới trường – Trẻ em gái và trẻ em trai đều có quyền được đi học” là cuốn sách thứ hai trong bộ sách “Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới”, bày tỏ nỗi niềm khát khao được đến trường, được biết chữ, nâng cao trình độ của trẻ em nữ; mong muốn khẳng định vị trí, vai trò của nữ giới trong xã hội, đồng thời xoá bỏ những định kiến, hủ tục lạc hậu của các dân tộc rằng con gái chỉ phù hợp với việc bếp núc, may vá. Tập sách dẫn dắt người đọc đi từ nguồn gốc lịch sử xuất hiện chữ viết, các loại giấy dùng để viết chữ, cho đến việc hình thành và tiếp cận tri thức. Tác giả đã nhân hoá trang giấy hồng như những trẻ em gái không được hoặc ít có niềm vui chia sẻ tri thức vì không được đến trường và lựa chọn công việc mà mình yêu thích. Qua câu chuyện này, tác giả muốn gửi gắm thông điệp về quan niệm trẻ em gái và trẻ em trai đều có quyền được đi học và được bình đẳng tiếp cận tri thức cũng như các chính sách về giáo dục theo luật định.
Câu chuyện thứ ba, “Nhà hai nóc – Phụ nữ có thể làm kinh tế, cùng xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc” kể về câu chuyện của một gia đình vịt. Vịt mẹ quyết định đi làm, chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng với vịt bố, và vịt bố vui vẻ chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái cùng với vịt mẹ, thế là Nhà hai nóc, mọi việc đều dễ dàng hơn, gia đình hạnh phúc và yêu thương nhau hơn. Tục ngữ dân tộc Thái nói rằng: Vỗ tay cần nhiều ngón/ Bàn bạc cần nhiều người hoặc Một chân đứng không vững, một tay vỗ không vang (tục ngữ dân tộc Mông), gợi cho người đọc hiểu rằng, trong gia đình cần có sự bàn bạc thống nhất để đi đến một quyết định cuối cùng, cũng như Việc nhỏ việc to, cùng lo cùng quyết. Tập sách muốn nhắn nhủ rằng: Cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Thì ra mình cũng làm được – Mỗi người đều có tiềm năng, thế mạnh để học tập, thành công và hạnh phúc” là tập sách bao gồm một số câu chuyện đặc sắc có nội dung thay đổi cách nhìn về con gái lớn lên đi học rồi về lấy chồng, lên rẫy, chăm lợn, con gái đi học nhiều là bất hiếu… Đó là câu chuyện của Chảo Thị Yến dân tộc Dao Tuyển, học hết cấp 2, em phải nghỉ học 3 năm do hoàn cảnh gia đình. Nhưng Yến đã vượt qua rào cản hủ tục của thôn bản mình, vươn lên học hết cấp 3 và trở thành một trong hai người đầu tiên của xã đỗ đại học, hơn thế nữa em lại là người đầu tiên được đi học ở nước ngoài. Thành tích này của Yến đã làm thay đổi cách nhìn của bản làng người Dao nơi em sống về việc cho con gái đi học. Tục ngữ dân tộc Thái có câu: Người không học như ngọc không mài, rất đúng với câu chuyện của cô bé Đan Ý Liên Hoa dân tộc Khmer. Từ một cô bé nhút nhát không dám tham gia lớp học tiếng Anh, nhưng được sự động viên của các thầy cô giáo, Liên Hoa mạnh dạn nói chuyện bằng tiếng Anh và học giỏi hơn mỗi ngày và đã được trường Đại học Fulbright Việt Nam ghi nhận và mời cô trở thành sinh viên của trường. Câu chuyện đã giúp các bạn mạnh trẻ nữ mạnh dạn vượt lên nỗi sợ của chính mình để thành công. Hay câu chuyện của cậu bé H’Rê Đinh Văn Năm đã vượt qua hơn 400 sinh viên khác để giành lấy một trong năm suất tuyển dụng của tập đoàn Takemoto Danki, Nhật Bản… Qua đó cho thấy, cơ hội học tập và thành công luôn dành cho tất cả mọi người, nếu bạn luôn kiên trì và quyết tâm vượt khó. Và nhiều câu chuyện khác trong tập sách này sẽ gợi mở nhiều vấn đề mới, tiến bộ cho người đọc trong việc nhìn nhận về quyền bình đẳng giữa trẻ em gái và trẻ em trai, bởi vì mỗi người đều có tiềm năng, thế mạnh để học tập, thành công và sống hạnh phúc. Cần chung tay xoá bỏ bất bình đẳng giới và những tập tục có hại với phụ nữ và trẻ em.!
Hy vọng, thông qua bộ sách “Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới” sẽ góp phần thay đổi những quan điểm, tập tục lạc hậu, đồng thời khuyến khích, phát huy các giá trị tiến bộ dành cho phụ nữ, trẻ em đặc biệt là trẻ em nữ vùng dân tộc và miền núi.
Được in trên khổ giấy 20x20cm, với ngôn từ dễ đọc, dễ hiểu, dễ vận dụng vào cuộc sống, cùng nhiều tranh màu minh hoạ sinh động, bộ sách sẽ giúp phụ nữ, trẻ em, cán bộ ở cơ sở nói chung, trong đó có cán bộ Hội phụ nữ triển khai tốt các nội dung tuyên truyền “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc và miền núi”.
Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu bộ sách “Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới” đến quý độc giả!
Đinh Nhài