Phần thưởng được Đảng Nhà nước trao tặng:
- Huân chương Sao Vàng (truy tặng 15/10/2007),
- Huân chương Hồ Chí Minh.
- Huân chương Quân công hạng Nhất.
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Năm phong quân hàm cấp tướng:
Thiếu tướng vào năm 1955.
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ quê ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) - một vùng đất giàu truyền thống yêu nước. Dòng họ Phan ở Sài Sơn xuất phát từ Thạch Hà, Hà Tĩnh với ông tổ là danh sĩ Phan Huy ích. Phan Huy Ích chuyển từ Hà Tĩnh ra định cư tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) và sinh ra Phan Huy Chú, nhà bác học, sử học nổi tiếng thời Nguyễn. Tuy nhiên, ông lại sinh ra tại Viên Chăn, Lào. Cụ thân sinh ra ông là Phan Trọng Định, khoảng đầu thế kỷ 20, đã phiêu bạt sang tận Lào, Thái Lan mưu sinh.
Sau khi gây dựng được cơ ngơi tại Viêng Chăn, cụ Định về quê đón cụ bà Trịnh Thị Miễn cùng 2 người con gái là Phan Thị Lạng và Phan Thị Nén sang đoàn tụ. Tại vùng đất mới, 2 cụ sinh thêm ra các ông bà Phan Trọng Tuệ, Phan Trọng Quang, Phan Thị Sáng, Phan Thị Suốt.
Khoảng giữa năm 1930, Viêng Chăn trở thành nơi lưu trú của nhiều chiến sĩ cách mạng sau sự kiện Xô viết Nghệ - Tĩnh bị dìm trong biển máu, phải lẩn trốn sự truy lùng của mật thám Pháp.
Cụ bà Trịnh Thị Miễn, tuy chỉ là người nội trợ, nhưng cũng là người đứng đầu tổ chức ái hữu, đã vận động bà con Việt kiều che chở, đùm bọc những chiến sĩ cách mạng. Được tiếp xúc với sách báo tiến bộ và những người cách mạng, Phan Trọng Tuệ đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội như giúp đỡ người nghèo, chống lại sự hà hiếp, áp bức của bọn chức dịch, tay sai...
Năm 1934, Phan Trọng Tuệ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1935, Phan Trọng Tuệ tham gia lãnh đạo cuộc mít tinh lớn phản đối thực dân Pháp, nên bị bắt giam 4 tháng. Sự việc này, cùng với ảnh hưởng và những việc làm yêu nước của gia đình họ Phan khiến chính quyền sở tại lo ngại, họ bèn trục xuất cả gia đình về quê gốc Sài Sơn để quản thúc cùng với Nguyễn Văn Thọ và Đào Văn Tiễu. Thời gian này, ông cùng các đồng chí của mình đã nhanh chóng khôi phục hoạt động, tổ chức vận động cách mạng ngay tại quê hương. Tháng 8/1936, “Tổ Cộng sản Đa Phúc” đã được thành lập tại nhà của ông với ba thành viên chủ chốt là Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Văn Thọ, Đào Văn Tiễu. Tổ được ra đời nhằm công việc tuyên truyền, vận động cách mạng trong quần chúng nhân dân địa phương và tìm cách bắt liên lạc với Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1937, ông trực tiếp phụ trách chi bộ Đảng ở xã Sài Sơn và liên lạc với Thành uỷ Hà Nội. Năm 1940 ông là Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Sơn Tây.
Năm 1941: Bí tỉnh ủy Hà Đông, rồi Bí thư liên tỉnh uỷ gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam. Cuối năm 1941, ông là Xứ uỷ viên xứ uỷ Bắc kỳ phụ trách công tác binh vận.
Tháng 9/1943, ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nam và đem giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Cuối năm này ông bị kết án 27 năm tù và đày đi Côn Đảo cùng với hơn mười tù chính trị nguy hiểm khác trong đó có Trần Văn An, Vũ Xuân Chiêm (sau này là Trung tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Trong tù ông tiếp tục hoạt động cách mạng, là chi ủy viên khối Hà Nội - Sơn La.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông công tác trong Ban trật tự Côn Đảo cho đến ngày 20/9. Ông được Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ cho thuyền ra đón và trở về cửa Mỹ Thanh thuộc Sóc Trăng trong đêm 22/9 cùng với nhiều tù chính trị khác trong đó có Bác Tôn và Lê Duẩn.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, các tù chính trị Côn Đảo được phân công đi các tỉnh miền Nam và miền Trung lãnh đạo kháng chiến. Phan Trọng Tuệ được phân công ở lại miền Tây Nam Bộ trên cương vị Thanh tra kháng chiến Hậu Giang, Ủy viên liên tỉnh ủy (gồm 10 tỉnh miền Tây Nam bộ). Ngày 23/8/1947, ông được cử giữ chức Chính trị viên Khu 9.
Từ tháng 12/1948 đến năm 1950, ông làm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Chính ủy Khu VII; Thanh tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Từ năm 1952 đến năm 1954, ông làm Tư lệnh, sau đó Phó Tư lệnh kiêm Chính ủy Phân liên khu miền Tây Nam Bộ.
Từ tháng 8/1954, ông là Đại tá Phó Trưởng đoàn Liên hiệp đình chiến Nam Bộ rồi quyền Trưởng đoàn Đại biểu Bộ tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ủy ban liên hiệp đình chiến Trung ương, đồng thời ông cũng giữ vai trò Phó Trưởng đoàn liên hiệp định chiến Trung ương. Năm 1955, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng theo sắc lệnh 243-SL ngày 3/11/1955, do Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh kí.
Tháng 3/1957, ông làm Phó Tổng thanh tra Quân đội.
Ngày 19/11/1958, các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến và các lực lượng vũ trang khác chuyên trách công tác bảo vệ nội địa và biên phòng, giao cho ngành công an trực tiếp chỉ đạo, lấy tên là Lực lượng Cảnh vệ, ông được cử phụ trách lực lượng này kiêm Thứ trưởng Bộ Công an. Ngày 3/3/1959, Khi lực lượng Công an vũ trang (tiền thân của lực lượng Biên phòng) được thành lập, ông được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Lực lượng Công an Nhân dân vũ trang cho đến năm 1961.
Năm 1961 đến năm 1980, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và là Bộ trưởng lâu năm nhất của Bộ này. Thời gian ông làm Bộ trưởng kéo dài suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc và thời kì khôi phục cơ sở giao thông, đường sá cầu cống Bắc Nam sau chiến tranh.
Từ năm 1965 đến năm 1968, ông được cử vào tuyến chiến lược Trường Sơn, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mở đường Trường Sơn cho cơ giới nhằm đáp ứng với đòi hỏi của thực tế chiến trường là quân Mĩ ào ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam.
Năm 1968, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông vào phụ trách và chỉ đạo công tác bảo đảm giao thông trên địa bàn Quân khu IV nhằm phục vụ cho công tác chi viện cho chiến trường miền Nam, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Bởi vì, địa bàn Quân khu IV là địa bàn tập trung binh lực, vũ khí, đạn dược...chi viện của miền Bắc trước khi vượt Trường Sơn vào Nam cho nên luôn là trọng điểm đánh phá của giặc Mĩ.
Từ năm 1973 đến năm 1976, ông kiêm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời gian này, ông cùng Phó Thủ tướng Đỗ Mười thay mặt Chính phủ chỉ đạo việc phát triển đường Trường Sơn thành đường chuẩn Quốc gia. Đây là một vấn đề mang tính chiến lược, góp phần quan trọng tạo thế và lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Từ cuối năm 1974 đến 1975, ông làm Ủy viên Thường trực Hội đồng Chi viện giải phóng, miền Nam.
Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III và VI. Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI.
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ là một vị Bộ tưởng có tài quản lý và có tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển của Bộ Giao thông Vận tải, nhằm đáp ứng những đòi hỏi và yêu cầu thực tế của tình hình đất nước. Năm 1961, ngay khi được cử làm Bộ trưởng, ông đã chỉ đạo các cán bộ khoa học kĩ thuật của Bộ nghiên cứu, thiết kế, đóng mới loại tàu cỡ nhỏ của Bộ Quốc phòng. Đây là một công tác bí mật mang tính chiến lược, vì đó chính là những con tàu không số huyền thoại. Ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm rất phát triển, ngành mà chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ từ khâu thiết kế đến khâu thi công. Hiếm ai biết được ngay từ năm 1970, chính Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo cán bộ của Bộ thực hiện đề tài “Về chiến lược cần xây dựng Việt Nam thành một quốc gia hàng hải - với nền kinh tế biển phát triển - một hạm đội mạnh - một đội thương thuyền mạnh. Muốn vậy phải xây dựng một nền công nghiệp đóng tàu Việt Nam hiện đại và phát triển”, ông luôn quan tâm đến việc xây dựng lực lượng nghiên cứu thiết kế và lực lượng đăng kiểm.
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ không những yêu khoa học, thích kỹ thuật, mà còn có tư duy khoa học, kỹ thuật rất độc đáo, một con người rất coi trọng trí tuệ và trí thức. Ông luôn luôn quan tâm động viên, khuyến khích các cán bộ khoa học kĩ thuật, tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ của mình trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh và đồng thời rất biết tiếp thu những đề xuất cũng như những ý tưởng của họ. Ông thường nói: “Cán bộ khoa học phải cố làm những gì sản xuất và chiến đấu đang cần với cái gì đang có và sẽ tạo ra với ý chí quyết tâm học hỏi - phàm những việc người khác làm ta cố gắng rồi cũng làm được. Ta đã thắng giặc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải đâu chỉ bằng sức lực mà cả bằng trí tuệ nữa. Trí tuệ Việt Nam có chịu thua kém đâu”. Chính tướng Phan Trọng Tuệ là người gợi ý cho các đề tài khoa học như: ca nô không người lái dùng để phá thủy lôi, rồi ý tưởng cho ô tô chạy trực tiếp trên dây cáp thông qua kẽ hở vành lốp ô tô - đây chính là cơ sở cho đề tài khoa học nghiên cứu các biện pháp vượt sông bằng hệ dây đàn hồi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những lời trân trọng về Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ: “Đồng chí Phan Trọng Tuệ, người Cộng sản kiên trung, một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước có đức độ và tài năng, hết lòng vì nước vì dân. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập Đảng từ năm 1934 lúc mới 17 tuổi, đã 2 lần bị địch bắt, tù đày, tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết... với tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thủy chung”.
(Sưu tầm)