Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 04/10/2018, 08:40

KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH TÔN ĐỨC THẮNG – Vị Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam – Nhà cách mạng lão thành, kiên trung bất khuất, tấm gương trong sáng tiêu biểu của phong trào cộng sản yêu nước của Đảng và dân tộc ở thế kỷ XX.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta, là một trong những người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài, đầy gian lao, thử thách của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng về tinh thần phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp độc lập dân tộc, sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 – 8 – 1888, lớn lên trong một gia đình nông dân khá giả bậc trung ở vùng sông nước trù phú Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Truyền thống gia đình, quê hương và thời cuộc tác động mạnh, ảnh hưởng nhiều đến chí hướng, tình cảm và nhân cách người thanh niên Nam Bộ Tôn Đức Thắng.

Vào thời điểm đó, thực dân Pháp đã mở rộng cuộc xâm lược ra toàn cõi Việt Nam và cũng là thời điểm mà phong trào yêu nước của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ ở khắp ba kỳ nhằm chống lại cuộc xâm lược của thực dân pháp.

Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của người thanh niên Tôn Đức Thắng. Ngay khi còn là học sinh của Trường Bá Nghệ Sài Gòn, ngoài việc học giỏi nhất trường, Bác Tôn còn là “người chỉ huy” nhiều cuộc bãi khóa để phản đối sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với phong trào nông dân ở nhiều nơi.

Năm 1925, Bác Tôn đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son thắng lợi, ghi một dấu ấn đậm nét đầu tiên trong quá trình hoạt động cách mạng của mình.

Làm thủy thủ trên các tàu viễn dương, được đi nhiều nước, ở nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều lớp người có màu da và tiếng nói khác nhau, cũng như Bác Hồ, Bác Tôn nhận thức ra một điều là: Ở đâu, người lao động cũng là người cùng khổ, bị bóc lột, đàn áp đến thậm tệ. Tinh thần yêu nước nồng cháy trong Bác được nâng lên thành tình yêu giai cấp, tình đoàn kết quốc tế thiết tha. Sự kiện người thanh niên Việt Nam Tôn Đức Thắng tham gia cuộc binh biến của Hải quân Pháp ở Biển Đen năm 1919 để ủng hộ và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga là một minh chứng cụ thể về tình đoàn kết quốc tế cao cả. Nó đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử phát triển và củng cố mối quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt – Xô.

Do tham gia cuộc binh biến lịch sử đó, Bác buộc phải rời Pháp trở về nước. Bác Tôn thành lập tổ chức Công hội nhằm tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi giai cấp công nhân, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống áp bức, bóc lột của bọn đế quốc và bè lũ tay sai.

Năm 1927, Bác đã có mặt trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ. Sự kiện đó đánh dấu bước chuyển biến tư tưởng có tính chất quyết định từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin, để từ đó tạo điều kiện cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân Sài Gòn do Bác Tôn tổ chức và lãnh đạo, nhanh chóng nâng cao trình độ tổ chức, trình độ tự giác của giai cấp công nhân, thúc đẩy cuộc đấu tranh ngày càng phát triển. Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam đã khẳng định: Các tổ chức Công hội mà Bác Tôn là người sáng lập là những tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam có vai trò quan trọng trong lịch sử phong trào công nhân Việt Nam vào những năm đầu cách mạng vô sản ở nước ta.

Ròng rã 17 năm trời bị đọa đày trong các nhà giam và địa ngục Côn Đảo với bao cực hình vô cùng dã man của bọn thực dân, đế quốc không lay chuyển nổi ý chí kiên trung bất khuất của Bác. Ngược lại càng làm cho khí phách của người cộng sản lớp tiền bối lan tỏa và nêu gương cho các thế hệ kế tiếp, cho mọi người dân yêu nước noi theo.

Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, theo sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Hành chính Nam Bộ cử đoàn ra đón Bác Tôn cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng,… trở về đất liền. Và tại Hội nghị cán bộ Đoàn xứ Nam Kỳ họp ngày 15 – 10 – 1945, Bác Tôn được mọi người bầu vào Xứ ủy. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương đón Bác Tôn ra Hà Nội. Từ đó, Bác Tôn và Bác Hồ luôn luôn sát cánh bên nhau – một hình ảnh tiêu biểu cho đoàn kết Bắc – Nam, để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lo việc nước. Với uy tín lớn lao trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng, Bác Tôn đã được giao nhiều trọng trách: Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên Xô, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi Đảng ra công khai năm 1951, Bác Tôn đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, giữ trọng trách Chủ tịch Mặt trận liên hiệp quốc dân Việt Nam tức Mặt trận Liên Việt, tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Cũng trong thời gian đó, Bác còn đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới.

Bác Tôn là người bạn, người đồng chí, người cộng sự gần gũi nhất của Bác Hồ vĩ đại, hết lòng chăm lo sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, nên Bác cũng là nhà cách mạng lão thành đầu tiên đã được toàn Đảng, toàn dân tín nhiệm bầu vào cương vị Phó Chủ tịch nước và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.

Bác Tôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân, người con trung dũng của Thành đồng Tổ quốc, Bác đã thay mặt Bác Hồ trở về miền Nam gặp đồng bào Nam Bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữa cuộc Đại thắng mùa Xuân lịch sử ngày 30 – 4 – 1975, hoàn thành trọn vẹn cuộc đấu tranh trường kỳ giữ nước 30 năm, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian lao và nguy hiểm, trong đó có 17 năm ròng bị đày đọa trong các nhà giam và ngục tù Côn Đảo của thực dân Pháp với đủ mọi cực hình, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Đảng ta, Nhà nước ta nhiều bài học sâu sắc, cho nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Tôn đã nêu một tấm gương cao đẹp về người đảng viên ưu tú của Đảng Cộng sản Việt Nam, người chiến sĩ mẫu mực, trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bác Tôn là người mà tên tuổi, hình ảnh đã trở nên vô cùng thân thiết đối với mọi tầng lớp nhân dân và quân đội ta. Từ người thợ yêu nước mang trong mình dòng máu bất khuất của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam anh hùng, trở thành người cộng sản, một trong những người lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trải qua bao thử thách, Bác Tôn luôn nêu cao khí phách cách mạng, lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc và nhân dân, lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Bao nhiêu năm tham gia đấu tranh phá ách gông xiềng nô lệ cho dân tộc, bao nhiêu năm kháng chiến cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bất cứ trong hoàn cảnh nào Bác Tôn cũng là người chiến sĩ cách mạng không bao giờ và không gì là lay chuyển nổi.

Bác Tôn đi vào cõi vĩnh hằng với lòng tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân, của phong trào cộng sản và công nhân thế giới cũng như bạn bè khắp năm châu.

Cả thế giới, cũng như trong các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nhất là Liên bang Xôviết đều biết và tự hào về đồng chí Tôn Đức Thắng của Việt Nam mà Cuộc đời và sự nghiệp đã cống hiến trọn vẹn cho quyền lợi của nhân dân, sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức, cho tiến bộ xã hội và quyền sống của con người.

Chính Bác Tôn đã thay mặt dân tộc Việt Nam, thay mặt những người cộng sản Việt Nam kéo cờ trên chiến hạm ở Biển Đen để ủng hộ cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, một sự kiện trọng đại ở thế kỷ XX.

Để kỷ niệm ngày sinh của Bác Tôn một cách thiết thực nhất, mỗi người chúng ta hãy học tập đạo đức cách mạng, cách sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Bác, noi gương Bác tận tụy với công việc được Đảng và nhân dân giao phó, đóng góp hết sức mình cho công cuộc đổi mới, làm cho rừng cây đoàn kết mà Bác đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời vun đắp không ngừng nở hoa, kết trái để hoài bão “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” của Bác Hồ, Bác Tôn, của toàn Đảng và của mỗi người chúng ta sớm thành hiện thực trên Tổ quốc thân yêu của mình.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 974 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày