Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 07/12/2018, 15:05

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

Bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế, anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch được nhân dân cả nước biết đến như một con người uyên bác, một trí thức Việt Nam tiêu biểu, một Bộ Trưởng Y tế tận tụy, người thầy của nhiều cán bộ Y tế Việt Nam.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, sinh ngày 7-5-1909, tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1928, ông là sinh viên trường Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1934, ông tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Pháp. Sau hai năm, ông trở về Sài Gòn, mở phòng khám và bệnh viện tư chuyên chữa bệnh lao và bệnh phổi. Ông luôn nhiệt tình, chu đáo chữa trị cho những bệnh nhân. Đặt biệt, ông luôn giúp đỡ, chữa bệnh cấp thuốc không lấy tiền cho bệnh nhân nghèo khó, không quản ngày đêm, tự lái xe đến tận nơi ở của bệnh nhân ngèo và chữa trị cho họ đến khi khỏi bệnh. Vì thế, người dân còn gọi ông là “người thầy thuốc của dân, người thầy thuốc có tấm lòng nhân ái của Bồ Tát”.

Vừa chữa bệnh cho nhân dân, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vừa tham gia phong trào yêu nước thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Ngày 27-8-1945, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam họp ở Chiến khu Việt Bắc và quyết định tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời. Ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời và là thành viên của Đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị ở Đà Lạt tháng 4-1946.

Năm 1948, ông được cử làm Trưởng phái đoàn Chính phủ vào Nam Bộ công tác, sau đó được bầu làm Thường vụ Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1953, ông trở ra Bắc, được phân công làm Trưởng ban Y tế của Đảng, phụ trách công tác y tế An toàn khu và là Giám đốc bệnh xá 303. Từ năm 1954, ông là Thứ Trưởng, năm 1958 làm Bộ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Y tế cho đến ngày ông hy sinh.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã xây dựng một nền y tế nhân dân ở miền Bắc và đề xuất năm phương châm nguyên tắc của Nghành, sau này được Trung Ương Đảng chỉ đạo là phương hướng chiến lược của ngành Y tế. Ông là một Bộ trưởng đi xuống cơ sở nhiều nhất, tháng nào ông cũng có chuyến công tác cơ sở, từ các xã đồng bằng đến các vùng núi xa xôi.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch luôn đề cao phong trào vệ sinh phòng dịch, chăm lo phát triển các cơ sở chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương, phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân trong mọi hoàn cảnh thiếu thốn của hậu phương lúc bấy giờ. Không chỉ vậy, Ông luôn quan tâm đến chiến trường miền Nam, nơi có nhiều chiến sĩ, đồng bào bị thương do bom đạn, chiến tranh. Ông đã tập hợp các cán bộ miền Nam, phần lớn là các y tá để bổ túc thành y sĩ rồi bác sĩ, cũng như bổ túc dược tá thành dược sĩ trung học rồi dược sĩ đại học và cử vào chuyến trường Nam Bộ. Qua đó đã cứu sống rất nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào trong chiến trường rực lửa của bom đạn chiến tranh.

Ngoài ra, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn là một nhà bác học lớn, có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao trong và ngoài nước. Với 80 bài nghiên cứu về bệnh lao được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học có uy tín tại nhiều quốc gia.Cùng với những chuyên gia lớn về bệnh lao của thế giới, ông được xem như một trong những chuyên gia lớn về bệnh lao của thế giới. Từ những năm 1957, ông đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu và phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao. Từ những năm 1962, việc tiêm phòng lao ở nước ta được tiến hành rộng rãi và thu được kết quả to lớn. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng là người đầu tiên đề ra phương pháp dùng kích sinh chất Filatov điều trị bệnh lao và bệnh phổi. Sau một thời gian tìm tòi nghiên cứu, ông đã thành công trong việc dùng Subtilis điều trị bệnh lao, bệnh phổi cũng như một vài bệnh nhiễm trùng khác.

Năm 1967, ông viết và xuất bản cuốn sách “Nhiệm vụ của y tế trong chiến tranh” bằng tiếng Pháp, nhằm giới thiệu với bạn bè trên thế giới các bài học kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam và tố cáo tội ác dã man của đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Năm 1968, chiến trường miền Nam càng trở nên ác liệt, nhiều vấn đề về sức khỏe, bệnh tật của nhân dân, bộ đội, cán bộ mới phát sinh, gây ra nhiều khó khăn cho quân y và chiến sĩ đồng bào. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tha thiết xin được vào chiến trường để khảo sát tình hình, qua đó đề xuất các giải pháp giúp anh em hoạt động tốt hơn. Vào chiến trường, ông đi thăm, làm việc với các bệnh viện, bệnh xá, đội phẫu thuật và triệu tập Hội nghị Y tế toàn miền, rút kinh nghiệm về tổ chức, chuyên môn; tìm cách khắc phục, đề xuất phương hướng mới, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của chiến trường Miền Nam.

Giữa lúc còn đang ấp ủ bao hoài bão lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Y tế nhân dân thì đau xót biết bao, ngày 7-11-1968 bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã hy sinh trong vòng tay thân yêu của những người đồng chí, đồng đội, yên giấc ngàn thu trên mảnh đất quê hương mà ông từng yêu tha thiết.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một vị Bộ trưởng lỗi lạc, một nhà khoa học có tầm nhìn xa trông rộng bao quát nhiều lĩnh vực tổ chức cũng như chuyên môn. Ông là một thầy thuốc của dân, có tấm lòng nhân ái, từ tâm, tận tụy hết lòng với người bệnh. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (11/1968 – 11/2018), bài viết xin tóm lược sơ qua về cuộc đời và những cống hiến lớn lao của ông với ngành Y tế nói riêng và sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung. Bài viết như một nén tâm nhang xin gửi lời tri ân đến Bộ Trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, và tri ân đến những anh hùng, chiến sĩ cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì nước Việt Nam độc lập, tự do.

 

Đào Thanh (Tổng hợp)

 

 


Số lượt người xem: 1168 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày