Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 04/10/2019, 09:15

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY BÁC HỒ VIẾT BÀI BÁO DÂN VẬN (15/10/1949 – 15/10/2019)

 

Đúng vào ngày này năm ấy, cách đây vừa tròn 70 năm trên báo sự thật, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z đã viết bài báo dân vận. Chỉ hơn 600 chữ, với cách viết đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, sâu sắc, bài báo của người có bố cục rõ ràng và logic đã đề cập một cách toàn diện về công tác dân vận của Đảng.

Mở đầu bài báo, Bác viết: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng cho nên cần phải nhắc lại”. Tiếp đó Người đề cập, lý giải 4 vấn đề cơ bản, quan trọng và rất thiết thực trong công tác dân vận. Thứ nhất, tiền đề, cơ sở của công tác dân vận: “Nước ta là nước dân chủ”. Đây là cơ sở, tiền đề có tính chất quyết định trong công tác dân vận. Những yếu tố của một nước dân chủ thật sự là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”; “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”, “Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”; “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra”; “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”; “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Sau Tháng Tám năm 1945 khi nước ta giành độc lập tự do, dân ta thoát khỏi ách nô lệ thì mới có đầy đủ cơ sở, tiền đề dân vận. 

Bác đặt dân ở vị trí hàng đầu, trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận. Bác đã chỉ rõ rằng quần chúng nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Phần hai, bác giải thích rõ “Dân vận là gì?”. Phải làm dân vận với tất cả mọi người, khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi một con người, không để sót một ai, người nào cũng là đối tượng tranh thủ, vận động. Làm được việc đó, chính là thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta, nhân dân ta, là một trong những nguyên nhân quan trọng để có “thành công, thành công, đại thành công”. Đi đôi với việc làm rõ dân vận là gì, Bác đã chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của dân vận là vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho (đoàn thể mà Bác viết trong tác phẩm “Dân vận” là Đảng, bởi vì lúc đó Đảng chưa ra hoạt động công khai). Bác chỉ ra 4 bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong công tác dân vận. Đó là:

1. Phải “tìm mọi cách làm cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: việc đó có lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.

2. Làm “bất cứ việc gì cũng đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”.

3. Phải “theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân”.

4. “Khi làm xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

          Theo Người để thực hành dân chủ, để vận động nhân dân thì không chỉ có tuyên truyền qua sách báo, chỉ thị mà phải tìm mọi cách giải thích, nói rõ lợi ích, nhiệm vụ cho dân hiểu, dân tin.

Phần ba của bài báo,  Bác chỉ rõ “Ai phụ trách dân vận?”. Đó là “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Bác nói đến cán bộ chính quyền trước, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân lực và thực hiện chính sách ấy. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác dân vận. Cùng với cán bộ chính quyền, cán bộ đảng, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội đều phải phụ trách dân vận. Cán bộ thì phải sâu sát, gắn bó với nhân dân, phải gương mẫu trước nhân dân, giúp nhân dân phát triển sản xuất.

Phần cuối Bác chỉ rõ phương pháp làm dân vận: “Dân vận phải thế nào?” để chúng ta thực hiện cho đúng. Bác Hồ đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Sáu tiêu chí mà Bác đặt ra vừa là tiêu chuẩn cán bộ phụ trách dân vận vừa là phương pháp làm dân vận để dân vận có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận gồm cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể và ngày nay là tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị.

Để thực hiện công tác dân vận thì đòi hỏi cán bộ phải có kiến thức “óc nghĩ”. Điều này được Hồ Chí Minh đặt ở vị trí hàng đầu, cho thấy người đặc biệt đề cao trí tuệ và yêu cầu về sự “động não” của người làm công tác dân vận. Phải biết nhìn xa, trông rộng, phải sâu sát cơ sở để nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, phải nói đi đôi với làm, phải luôn luôn gương mẫu cả trong lời nói và hành động.

Với sự nhạy cảm, tinh tế trong quan sát, kết hợp với “óc nghĩ”  rất cần có “mắt trông” là quan sát mọi sự việc, hiện tượng từ thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng, để “trăm nghe không bằng một thấy” để xác định được đúng, sai, nhận rõ bản chất và hiện tựợng của từng sự việc, từng vấn đề để làm đúng, tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước để có cách giải pháp đúng đắn kịp thời đưa phong trào của quần chúng đi đúng hướng.

Theo Hồ Chí Minh cùng với “óc nghĩ”, “mắt trông” là “Tai nghe”. Một phương pháp khoa học của công tác dân vận người làm công tác dân vận còn phải đồng thời nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng . Đòi hỏi phải biết nghe dân nói, từ đó mà hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; loại trừ những thông tin thiếu chân thực, chính xác. Nghe dân nói, cũng là để biết dân đã hiểu gì, hiểu đến mức như thế nào, đã làm như thế nào và làm được đến đâu. Về bản thân, mình  cũng thấy được những gì cần phải bổ sung, điều chỉnh khi thực hiện công tác dân vận.

Bác căn dặn cán bộ phụ trách dân vận “không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” nghĩa là phải biết “chân đi, miệng nói, tay làm”. Khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa dân, không tôn trọng dân, không quan tâm giải quyết những bức xúc, đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo.

Kết thúc bài báo Người nhấn mạnh. “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.  Đó là thông điệp dân vận của Hồ Chí Minh để thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng.

Đã 70 năm trôi qua bài “Dân vận” của Bác vẫn mới, mãi mãi còn nguyên giá trị đối với chúng ta trong sự nghiệp cách mạng xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hôm nay.

                                                                                               

Yên Yên

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 683 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày