Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 04/05/2016, 08:45

Chiến khu Đ - Căn cứ địa cách mạng oai hùng

Tên gọi Chiến khu Đ có nhiều cách lý giải: “Đ” là chữ cái đầu viết tắt địa danh “Đất Cuốc” - nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ điểm đầu tiên kháng chiến chống Pháp (1945-1954); “Đ” là mật danh chỉ vị trí tổng hành dinh của Khu 7 trong hệ thống các vị trí căn cứ quân sự được tính theo các chữ cái A, B, C...; “Đ” chỉ chiến khu “Đỏ”; cũng là chữ đầu của tỉnh Đồng Nai, chiến khu Miền Đông, chiến khu Đầu tiên...

 

          Để tạo thế tiến công cho cách mạng, vai trò của căn cứ địa được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến Nam bộ trong chỉ thị của Trung ương Đảng 25-12- 1945, việc xây dựng căn cứ địa đã được đặt ra: Phải chọn đóng ở những địa điểm chiến lược lợi hại: tiến có thể đánh, lùi có thể giữ... Kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui phải hết sức chu đáo (phòng đủ mọi mặt: địa điểm, cán bộ, lương thực, thuốc men, quần áo, vũ khí, vật liệu, cơ kiện...). Sau đó, trong nhiều văn kiện và chỉ thị khác, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951) đã nêu rõ: Công tác xây dựng căn cứ địa là một vấn đề chiến lược quan trọng ngang hàng với vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang, không thể tách rời vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang. Vì không xây dựng căn cứ địa tức là không tích cực bồi dưỡng nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho việc xây dựng và phát triển quân đội.

          Chấp hành nghiêm chỉnh tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, ở chiến trường Nam bộ, Chiến khu Đ đã được hình thành, củng cố và phát triển qua các giai đoạn của cách mạng miền Nam. Từ là căn cứ đầu tiên của tnh Biên Hòa được xây dựng vào tháng 2-1946 sau Hội nghị Cán bộ Quân sự ở Đào Lạc An (thuộc huyện Tân Uyên) chiến khu Đ ln lần được mở rộng bao trùm toàn bộ vùng rừng ngang đường 16 trải dọc lưu vực hữu ngạn sông Đồng Nai đổ về thượng nguồn giáp giới Sông Bé thành căn cứ địa không chỉ của tỉnh Biên Hòa mà của cả Chiến khu 7 trong kháng chiến chống Pháp từ đầu 1947 đến cuối năm 1950.

Chiến khu Đ là căn cứ địa quan trọng của Miền Đông Nam Bộ, trải rộng từ triền rừng bạt ngàn nối từ cao nguyên miền Trung và biên giới Campuchia xuống giáp cận thành phố Sài Gòn và những đô thị lớn thuộc tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai), Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương), với địa hình rừng núi hiểm trở; Chiến khu Đ trở thành mật khu căn cứ, nơi cất giấu lực lượng, kho tàng dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển mọi hoạt động của cách mạng. Chiến khu Đ còn giữ vị trí chiến lược nối liền các chiến trường ở Nam Bộ và là “trạm trung chuyển” quan trọng từ Bắc vào Nam. Chiến khu Đ còn giữ vị trí như một “bàn đạp” tấn công vào các mục tiêu của địch ở Sài Gòn và các tỉnh Miền Đông Nam Bộ.

          Vừa sản xuất, vừa gây dựng cơ sở cách mạng trong các buôn sóc, trong đồng bào dân tộc, vừa đảm bảo nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ và cơ quan lãnh đạo, vừa chiến đấu, chiến khu Đ đã làm tròn nhiệm vụ giữ vững và mở rộng địa bàn của mình trở thành nơi dưỡng quân, huấn luyện, nâng cao chất lượng bộ đội và du kích, đáp ứng nhu cu kháng chiến của miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ. Chính hai đơn vị mạnh: Liên trung đoàn 301-310 và tiểu đoàn chủ lực 303 đã hình thành và phát triển ở đây.

          Đến 5 - 1951, chiến khu Đ đã trở thành một trong những hệ thống căn cứ địa của cả Nam bộ gồm: Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đồng Tháp Mười và Chiến khu U Minh.

          Là một căn cứ chính của Nam bộ, chiến khu Đ, ngoài các nhiệm vụ chính của mình như trước đây, từ 1-5-1952 còn được Trung ương Cục miền Nam giao cho nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa của Trung ương do Liên khu V chuyển giao từ Bình Thuận vào chiến khu Đ để từ đó phân cho các đơn vị trên chiến trường. Tiểu đoàn 320 được thành lập làm nhiệm vụ nói trên đã giữ vững đường liên lạc giữa Nam bộ với Trung ương, đưa đón các đoàn cán bộ qua lại trên tuyến đường này.

          Suốt thời gian từ 1951 đến khi ký kết hiệp định Genevơ, các đơn vị cơ quan ta tại chiến khu Đ, vượt qua muôn vàn khó khăn nào thiên tai (đặc biệt là cơn bão khốc liệt năm Nhâm Thìn 1952), nào địch họa do càn quét, đánh phá bằng bom đạn, phá hoại kinh tế, gài do thám chỉ điểm, biệt kích,... đã giữ vững căn cứ địa cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của quân dân c nước đưa đến ký hiệp định Genevơ năm 1954.

          Đến kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam được Trung ương giao nhiệm vụ lãnh đạo từ Khu 5 trở vào, Trung ương Cục đã chọn Chiến khu Đ làm căn cứ đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục (năm 1961). Chiến khu Đ, trước tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng, đã mở rộng địa bàn, vượt ra khỏi phạm vi cũ trong kháng chiến chống Pháp, phát triển rộng về phía Đông và Đông Bắc giáp vi biên giới Campuchia và biên giới Đak-Lắc Nam Tây Nguyên. Chính nơi đây là một trong những nơi ra đời đầu tiên của các đơn vị vũ trang miền Đông và chủ lực Miền. Đường hành lang từ Trung ương theo đường Trường Sơn xuống Nam Tây Nguyên được nối thẳng với Chiến khu Đ. Sau này, do tình hình phát triển của cách mạng, Trung ương Cục và Quân ủy Miền không đóng ở chiến khu Đ nữa nhưng chiến khu vẫn là một căn cứ địa lớn của cách mạng miền Nam, đóng vai trò hậu phương tại chỗ của miền Đông, là bàn đạp để lực lượng ta tiến công vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, kho tàng, đường giao thông chiến lược của địch.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, chính chiến khu Đ là nơi tập kết triển khai các binh đoàn chủ lực trong trận quyết chiến chiến lược. Từ Chiến khu Đ, lực lượng cách mạng tổ chức nhiều trận tấn công vào kẻ thù giành nhiều chiến thắng vang dội. Kẻ thù luôn tìm mọi cách đánh phá nhưng đều thất bại.

          Trước một Chiến khu Đ kiên cường bất khuất, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã phải khiếp sợ thú nhận “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vị trí chiến lược và ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân ta ở Chiến khu Đ, một thời là thủ đô của ngụy quyền tay sai, nơi chỉ cách Sài Gòn 30km theo đường chim bay. Chiến khu Đ, nơi một thời hội tụ những người con đất Việt chung một tấm lòng chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng non sông đất nước, nơi xuất phát những chiến công tiêu biểu của quân và dân Miền Đông để làm nên truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” từ chiến thắng La Ngà, cầu Bà Kiên, chiến dịch Bến Cát, Phước Thành, Tua Hai, Sân bay Biên Hòa, Bình Giã, Đồng Xoài, Lộc Linh, Phước Long, Xuân Lộc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng (năm 1975).

          Trải suốt hai cuộc kháng chiến, diễn biến căn cứ có nhiều thay đổi, nhưng danh từ Chiến khu Đ vẫn tồn tại như là một từ ngữ dân gian, một biệt ngữ không còn đơn thuần mang ý nghĩa địa danh mà là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến.

          Ngày nay, Di tích lịch sử Chiến khu Đ (thuộc địa phận Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trở thành nơi tham quan, nghiên cứu và du lịch sinh thái, mỗi ngày di tích đón hàng chục đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước về thăm. Trong những chuyến hành trình về nguồn đó sẽ giúp chúng ta tìm hiểu lịch sử hào hùng và oanh liệt của vùng đất “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, từng là nỗi kinh hoàng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vùng đất chiến khu Đ ngày ấy và bây giờ sẽ mãi tỏa sáng ngọn lửa truyền thống, cháy rực “hào khí miền Đông” trên bước đường xây dựng tương lai…

          70 năm đã trôi qua (1946-2016), những ký ức về Chiến khu Đ – căn cứ địa cách mạng một thời đã trở thành huyền thoại vẫn và sẽ còn mãi trong lòng mỗi cán bộ chiến sĩ và đồng bào ở tại chiến khu và với những người chưa từng một lần đặt chân tới. Ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng một thời của dân tộc nhằm khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí kiên cường, anh dũng cho thế hệ trẻ. Qua đó sẽ tạo động lực giúp thế hệ trẻ phấn đấu cống hiến hết mình vươn lên trong quá trình học tập, lao động sáng tạo, góp phần bảo vệ thành quả xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, xứng đáng với cơ đồ mà cha ông đã gầy dựng.

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2461 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày