Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 20/07/2016, 15:35

Kỷ niệm 65 năm sự kiện chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom (20/7/1951 – 20/7/2016)

         Yếu khu Trảng Bom là căn cứ quân sự quan trọng của thực dân Pháp ở Biên Hòa cách thị xã Châu Thành cũ (Biên Hòa) 21 km về phía Bắc thuộc huyện Vĩnh Cửu (ngày nay là thị trấn Trảng Bom, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Căn cứ này án ngữ trên quốc lộ I vừa để bảo vệ vùng đô thị Biên Hòa, Sài Gòn, vừa kiểm soát và ngăn chặn hoạt động của quân cách mạng trên tuyến giao liên chiến lược từ Chiến khu Đ xuống Long Thành – Bà Rịa, là bàn đạp để chúng đánh phá vùng căn cứ Định Tân, huyện Vĩnh Cửu của ta, đồng thời cũng là nơi xuất quân tiến đánh các căn cứ cách mạng ở khu vực Biên Hòa – Long Khánh.

          Yếu khu Quân sự Trảng Bom gồm có cổng nằm ở phía Bắc (sát Quốc lộ 1), có 01 trạm gác nằm bên phải cổng. Bên trong có một nhà chỉ huy ở trung tâm, ba nhà lính ở ba phía Đông, Tây, Nam, có 04 lô cốt ở bốn góc. Các hạng mục này được xây kiên cố bằng gạch, tô vôi vữa, mái lợp ngói vảy cá. Xung quanh Yếu khu Quân sự Trảng Bom được bao bọc bằng hệ thống hàng rào xây kiên cố và hệ thống kẽm gai phía trên, phía Đông giáp sân banh, phía Tây và phía Nam giáp vườn cao su của Nông trường cao su Trảng Bom. Lực lượng đóng quân ở Yếu khu Quân sự Trảng Bom là Đại đội 3, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn thuộc địa số 22 của Pháp và 01 Trung đội ngụy binh.

          Nhằm bảo vệ chiến khu Đ, mở lại liên lạc giao thông từ căn cứ về các huyện, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác phá hoại kinh tế địch, Tỉnh đội Thủ Biên chủ trương mở cuộc tiến công đánh diệt Yếu khu Trảng Bom.

          Để tiến hành trận đánh Yếu khu Quân sự Trảng Bom, ta chuẩn bị lực lượng gồm: Đại đội 55, 60, 65, 70 của Tiểu đoàn 303, Đội Biệt động và Đội pháo binh tỉnh Thủ Biên, Lực lượng vũ trang tuyên truyền huyện Xuân Lộc, Đại đội Lam Sơn, Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Vĩnh Cửu. Ban Chỉ huy trận đánh được thành lập do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ - Tỉnh đội trưởng Thủ Biên làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Văn Ngọc - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 303 làm Chỉ huy phó, đồng chí Tạ Minh Khâm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 303 phụ trách chỉ huy lực lượng xung kích.

          Ban Chỉ huy trận đánh đã đề ra kế hoạch tác chiến và phân công nhiệm vụ như sau: 75 chiến sĩ của Đội Biệt động tỉnh Thủ Biên và Đại đội 55 của Tiểu đoàn 303 sẽ hóa trang giả làm công nhân sở đá tập kích vào cổng chính. Các chiến sĩ còn lại của Đại đội 55 và Đại đội 65 của Tiểu đoàn 303 ém quân tại bìa rừng cách Yếu khu 500 mét, sẵn sàng đánh chiếm Yếu khu khi lực lượng tập kích ở cổng chính nổ súng. Đại đội 60, 70 của Tiểu đoàn 303 và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Vĩnh Cửu, Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa bố trí, mai phục hai bên Quốc lộ 1 (đoạn từ Hố Nai đến Trảng Bom) phá đường, chặt cây, lập chướng ngại vật, nổ súng chặn đánh địch từ Tiểu khu Biên Hòa lên chi viện. Đội vũ trang tuyên truyền huyện Xuân Lộc phá đường quốc lộ 1 đoạn An Lộc, Dầu Giây và chặn chi viện từ Xuân Lộc xuống Trảng Bom. Đội pháo binh tỉnh Thủ Biên bắn vào ga Hố Nai. Đại đội Lam Sơn tấn công vào đồn lính Pạt-ti-dăng ở sân banh thị trấn Trảng Bom, sau đó cùng với cán bộ, du kích thị trấn Trảng Bom đấu tranh, tuyên truyền giải tán tề ngụy trong thị trấn. Đồng chí Nguyễn Văn Phòng - Đại đội trưởng, đồng chí Trần Bá Thạnh - Đại đội phó, Đại đội Lam Sơn cùng một tổ Trinh sát của Đại đội Lam Sơn được phân công khảo sát, điều nghiên Yếu khu Quân sự Trảng Bom, tạo cơ sở cho việc hoạch định phương án, kế hoạch tấn công.

          Trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị khẩn trương, các cán bộ lực lượng vũ trang của ta đã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân lao động hiểu rõ chính sách cai trị tàn bạo hà khắc của địch, vận động khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc Việt Nam. Nhân dân địa phương đã cảm mến, tin cậy bộ đội, quyết tâm cùng với bộ đội góp phần rút ngắn thời gian, đẩy nhanh công cuộc kháng chiến thắng lợi.

          Sau một thời gian bám địa bàn, nhờ làm tốt công tác binh vận, dân vận, bám cơ sở mật và được quần chúng nhân dân che chở, cung cấp thông tin lịch trình sinh hoạt của bọn lính ở chi khu. Công tác điều nghiên trận đánh thu được nhiều kết quả. Từ kết quả thu được trong quá trình điều nghiên, trinh sát, đồng chí Huỳnh Đức Chánh - Tổ Trinh sát đã lập sa bàn bằng đất để Tỉnh đội thực tập và thử nghiệm kế hoạch trận đánh. Do đã thực địa trước phương án tác chiến bằng sa bàn nên khi tiến hành trận đánh rất thành thạo. Toàn bộ các vị trí và quy luật hoạt động của địch trong Yếu khu được bộ đội ta nắm rõ.

          Theo kế hoạch, khoảng 16 giờ ngày 20/7/1951, Đội biệt động tỉnh Thủ Biên và Đại đội 55 của Tiểu đoàn 303 gồm 75 chiến sĩ hóa trang thành công nhân sở đá từ Bàu Cá tiến về Yếu khu Quân sự Trảng Bom.

          Đúng 16 giờ 45 phút ngày 20/7/1951, bọn lính trong Yếu khu ra sân đá bóng, cũng là lúc hai xe căm nhông chở 75 chiến sĩ hóa trang thành công nhân về đến cổng Yếu khu. Địch chưa kịp ra kiểm tra, xét hỏi, các chiến sĩ nhanh chóng bắn hạ tên lính gác cổng, xông vào dùng bộc phá đánh các tháp canh và lô cốt, chiếm xe bọc thép. Sau đó, các chiến sĩ còn lại của Đại đội 55 và Đại đội 65 của Tiểu đoàn 303 tỉnh Thủ Biên phục kích ở bìa rừng, xung quanh khu vực Yếu khu Quân sự Trảng Bom (trong đó có vị trí xây dựng Bia chiến thắng Yếu khu hiện nay), nhanh chóng tiến vào phối hợp với 75 chiến sĩ đánh chiếm các vị trí trong khu trung tâm và ba nhà lính.        Cùng lúc, Đại đội 60, 70 của Tiểu đoàn 303 và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Vĩnh Cửu, Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa bố trí, mai phục hai bên quốc lộ 1 (đoạn từ Hố Nai đến Trảng Bom) phá đường, chặt cây, lập chướng ngại vật, nổ súng chặn đánh địch từ Tiểu khu Biên Hòa lên chi viện. Đội vũ trang tuyên truyền huyện Xuân Lộc phá đường, chặt cây, lập chướng ngại vật quốc lộ 1 đoạn An Lộc, Dầu Giây và chặn chi viện từ Xuân Lộc xuống Trảng Bom. Đội pháo binh tỉnh Thủ Biên bắn vào ga Hố Nai. Đại đội Lam Sơn tấn công vào đồn lính Pạt-ti-dăng ở sân banh thị trấn Trảng Bom, bị tấn công bất ngờ, bọn địch trong Yếu khu chống cự yếu ớt, bọn địch ngoài sân banh bỏ chạy tán loạn, không kịp chống trả. Sau đó cùng với cán bộ, du kích thị trấn Trảng Bom đấu tranh, tuyên truyền giải tán tề ngụy trong thị trấn.

          Quân ta đã làm chủ được tình hình ở Yếu khu Quân sự Trảng Bom, tiêu diệt 50 tên lính lê dương, bắt sống 50 tên khác, thu 200 súng trong đó có 3 đại liên, 6 trung liên, 2 súng cối 81 ly, phá hủy 2 xe bọc thép và hàng chục tấn đạn dược, lương thực, thực phẩm, hơn 100.000 tiền Đông Dương và một số Đô la Mỹ. Ngay trong đêm, công nhân cao su Trảng Bom dùng xe của Sở cao su giúp bộ đội chuyển toàn bộ vũ khí, đạn dược chiến lợi phẩm gồm hàng trăm súng trường, tiểu liên, hàng tấn đạn về sông Đồng Nai để qua sông về Chiến khu Đ an toàn.

          Đến 5 giờ sáng ngày 21/7/1951, toàn bộ lực lượng của ta tham gia trận đánh rút về căn cứ an toàn. Trong trận đánh lịch sử này, về phía ta - Đại đội Lam Sơn., hy sinh 2 đồng chí và bị thương 2 đồng chí.

          Trận đánh hợp đồng, phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng rất bất ngờ làm hệ thống phòng thủ của Yếu khu Trảng Bom hoàn toàn bị vô hiệu. Trận thắng Yếu khu Quân sự Trảng Bom là chiến thắng quan trọng, là trận đánh đầu tiên tiêu diệt một Yếu khu Quân sự của thực dân Pháp ở Đông Nam bộ, là trận đánh tiêu diệt đầu tiên một yếu khu quân sự của thực dân Pháp ở miền Đông Nam bộ. Trận đánh thu được thắng lợi lớn, phá bàn đạp tiến công của địch vào Chiến khu Đ, làm chủ con đường huyết mạch quốc lộ 1 từ Trảng Bom đến Biên Hòa, mở thông hành lang chiến lược từ chiến khu Đ về các huyện Long Thành và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo điều kiện cho lực lượng kháng chiến liên lạc an toàn với Chiến khu Đ góp phần quan trọng vào thắng lợi của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Biên Hòa - Đông Nam bộ nói riêng và Nam bộ nói chung. Thắng lợi của trận đánh đã gây tiếng vang lớn, làm cho địch sa sút tinh thần, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quân và dân Biên Hòa.

          Với giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn trên, ngày 23/10/2015 “Địa điểm Chiến thắng Yếu khu Quân sự Trảng Bom” được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử theo quyết định số 3277/QĐ-UBND. Đây là một công trình lịch sử văn hóa phản ánh truyền thống đấu tranh hào hùng của quân dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung. Đây là nơi về nguồn ý nghĩa của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ ngày nay.

          65 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về ngày chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom sẽ mãi mãi ghi vào lịch sử tỉnh nhà, lịch sử dân tộc và khắc sâu trong lòng bao thế hệ nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai, sự kiện trên đã thể hiện ý chí yêu nước quật cường, tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng của quân dân Đồng Nai trong kháng chiến chống quân xâm lược. Nhân kỷ niệm 65 năm sự kiện lịch sử ngày chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom (20/7/1951 – 20/7/2016), nhắc lại lịch sử nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của quân và dân Biên Hòa - Đồng Nai, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước cho mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là những lớp trẻ tương lai.

         

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1565 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày