Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 06/09/2016, 08:45

KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY MẤT CỦA CỐ TỔNG BÍ THƯ TRẦN PHÚ (6/9/1931 – 6/9/2016)

Tổng bí thư Trần Phú bị kẻ thù bắt giam và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đồng chí giữ trách nhiệm Tổng Bí thư mới gần được một năm, di bút của đồng chí để lại còn quá ít, nhưng những công lao và đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú với Đảng và cách mạng trong những năm 1930 – 1931 là rất to lớn và có ý nghĩa rất quan trọng.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; Quê quán: làng Tùng Ảnh, tổng Việt Yên, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Tùng Anh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đồng chí là con một nhà nho có tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Năm 1922 đồng chí đỗ đầu kỳ thi thành chung (tương đương phổ thông trung học ngày nay) ở Huế, sau đó về dạy ở trường tiểu học Cao Xuân Dục thành phố Vinh (Nghệ An). Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, liên lạc với các chí sỹ yêu nước.

Năm 1925, đồng chí Trần Phú tham gia Hội Phục Việt thành lập tại Vinh. Đồng chí là một trong những người được Hội phân công làm đơn lấy chữ ký đòi thực dân Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội châu và tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh; mở lớp học chữ quốc ngữ ban đêm cho công nhân và nhân dân lao động trong thành phố. Hội Phục Việt sau đổi tên thành Hội Hưng Nam và sau đó lại đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng.

Năm 1926, được tin Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức đã ra đời ở Quảng Châu (Trung Quốc), ban lãnh đạo Tân Việt Cách mạng Đảng đã cử đồng chí Trần Phú cùng 9 người khác sang Quảng châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất. Tại đây đồng chí đã được dự lớp huấn luyện đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, đồng chí đã nhanh chóng và tích cực tiếp thu những quan điểm lý luận đúng đắn, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1926, đồng chí Trần Phú về nước đấu tranh vận động Hội Phục Việt sáp nhập vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhưng không được sự tán thành, trong khi đó lại bị kẻ thù truy nã gắt gao nên đồng chí đã phải trở lại Quảng Châu và được Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tại trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva. Đồng chí là một học viên xuất sắc và được cử làm Bí thư nhóm Cộng sản Việt Nam tại trường.

Năm 1928, đồng chí được cử làm đại biểu cho những người Cộng sản Việt Nam đi dự Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Sau 2 năm học tập, đồng chí đã tốt nghiệp trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông.

Ngày 11/10/1929, Tòa án Nam Triều, Nghệ An đã xử án vắng mặt một số đảng viên của Đảng, trong đó có đồng chí Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Trần Phú.

Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú về nước và được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được giao trọng trách soạn thảo “Luận cương chính trị” của Đảng. Là người được đào tạo tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản - bộ tham mưu cao nhất của cách mạng thế giới lúc bấy giờ. Cụ thể là quán triệt luận cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa được Đại hội VI Quốc tế Cộng sản thông qua, vào tình hình Đông Dương, vạch ra mục đích, nhiệm vụ,  động lực của cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, về hình thức và phương pháp cách mạng, về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới… Cùng với Chính cương vắt tắt, sách lược vắt tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soan thảo, được thông qua tại Hội nghị hợp nhất đầu năm 1930, Luận cương chính trị năm 1930 đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua những khó khăn, thử thách vững bước tiến lên. Đây là một trong những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua bản “Luận cương Chính trị”, một văn kiện đặc biệt quan trọng và nổi tiếng của Đảng ta. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu BCH TW do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng thời, Hội nghị đã ra nghị quyết “về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, Án nghị quyết quân đội” vận động mà ở đó có thể thấy được những quan điểm chỉ đạo của đồng chí Trần Phú về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và công tác vận động quân đội địch.

Nghị quyết “về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng” chỉ rõ, nhiệm vụ trước mắt trong công tác hằng ngày của Đảng là phải thâu phục quảng đại quần chúng để làm cho cuộc bạo động nổ ra trong tương lai được thắng lợi. Do đó, phải đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân; phải tăng cường công tác chỉnh đốn các tổ chức đoàn thể như Công hội, Nông hội, Hội Phản đế, Hội Cứu tế, Thanh niên Cộng sản Đoàn,... làm cho lực lượng chính trị phát triển rộng khắp; trên cơ sở đó mà xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ các cuộc đấu tranh ngày càng mạnh của quần chúng.

Tháng 3/1931, Ban chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ 2 tại Sài Gòn, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú để bàn việc chấn chỉnh các tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng sau đợt khủng bố của địch. Đảng đã lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, phát động quần chúng, trước hết là công nông đứng lên đấu tranh, với đỉnh cao là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Hội nghị đã quyết định những biện pháp cụ thể phát triển phong trào đấu tranh của công nông, chống khủng bố, vận động công nhân, củng cố và xây dựng cơ sở cách mạng, nhất là trong các xí nghiệp, thống nhất tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn.

  Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trần Phú, Đảng ta đã tiến hành những công việc lớn về tổ chức lãnh đạo quần chúng trong đấu tranh cách mạng. Chỉ trong khoảng một năm (từ tháng 3/1930 đến tháng 3/1931), Đảng ta đã phát triển được hơn hai nghìn đảng viên và hàng nghìn người vào các tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn, Công hội đỏ, Nông hội đỏ; lãnh đạo hơn 100 cuộc bãi công của công nhân và hơn 400 cuộc biểu tình của nông dân, phong trào cách mạng được đẩy mạnh.

Tổng Bí thư Trần Phú là người kiên trì bảo vệ những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên quyết chống lại những sai lầm đi chệch đường lối của Quốc tế Cộng sản. Cùng với ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Trần Phú đã tiến hành chỉnh đốn tư tưởng, uốn nắn kịp thời những biểu hiện tả khuynh, hẹp hòi trong Đảng.

Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt tại số nhà 66, đường champagne (nay là đường Lý Chính Thắng, thành phố Hồ Chí Minh). Khi bị sa lưới kẻ thù, Trần Phú vẫn kiên trung, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Mật thám Pháp biết Trần Phú là người giữ trọng trách cao nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, nên khi bắt được Trần Phú, chúng không từ một thủ đoạn tàn bạo nào để tra tấn đồng chí, song chúng không thể khai thác được một điều bí mật nào của Đảng.

Tra tấn, dọa dẫm, lừa phỉnh không được, cuối cùng chúng đưa đồng chí Trần Phú ra Toà án Sài Gòn xét xử, đồng chí đã biến phiên toà thành nơi lên án chủ nghĩa đế quốc thực dân và nêu cao uy tín của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bất lực, kẻ địch đưa đồng chí Trần Phú về giam vào hầm tối và tiếp tục tra tấn dã man. Tuy bị tra tấn và bị bệnh, sức khoẻ bị giảm sút nhanh, nhưng đồng chí vẫn cùng anh em trong tù đấu tranh và tranh thủ những ngày còn lại của đời mình để bồi dưỡng lý luận Cách mạng và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí khác, động viên họ giữ vững ý chí trước kẻ thù. Sau lần tham gia đấu tranh cùng anh em tuyệt thực 5 ngày, bệnh tình của đồng chí ngày thêm trầm trọng.

Tháng 8 năm 1931, kẻ thù buộc phải đưa đồng chí về nhà thương Chợ Quán. Ngày 6/9/1931 đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 27 với lời nhắn nhủ bạn bè, đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”!.

85 năm đã trôi qua, kể từ ngày đồng chí trút hơi thở cuối cùng, tên tuổi và cống hiến của Tổng Bí thư Trần Phú luôn chói sáng trong lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc. Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú là tấm gương sáng của một người cộng sản mẫu mực, kiên cường, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, trước hiểm nguy không lùi bước, trước kẻ thù không khuất phục; luôn luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp và dân tộc; lạc quan, tin tưởng vào tương lai và thắng lợi của cách mạng. Phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí Trần Phú mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam noi theo.

 

 

Nguyễn Thìn

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1087 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày