Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 02/12/2016, 14:10

KỶ NIỆM 60 NĂM CUỘC NỔI DẬY PHÁ KHÁM TÂN HIỆP (2/12/1956 – 2/12/2016)

 

Biên Hoà – một thành phố lớn thuộc miền Đông Nam Bộ, là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh Đồng Nai. Biên Hoà có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, là lá chắn phía Đông Nam của Sài Gòn. Chính vì vậy trong tiến trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã tập trung bộ máy quân sự, tăng cường nhiều lực lượng nhiều binh chủng, xây dựng hệ thống nhà tù, đồn bót củng cố chính quyền tay sai để thực hiện âm mưu xâm chiếm lâu dài của chúng.
Để đạt được mục đích chính trị đó kẻ thù đã dùng những hình thức đánh đập, phạt vạ hết sức dã man chẳng khác gì thời trung cổ. Bằng những chiến dịch khủng bố ác liệt dai dẳng, chúng cưỡng ép anh em buộc phải chiêu hồi, phải từ bỏ con đường chính nghĩa chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc… Nhưng anh em tù binh không chịu khuất phục kẻ thù, chiến đấu rất ngoan cường để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ sinh mạng chính trị của mình.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân thành phố Biên Hoà đã đoàn kết, dũng cảm chống kẻ thù xâm lược và lập nên nhiều chiến công hiển hách cùng quân và dân cả nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, nói đến Biên Hoà, hẳn chúng ta không thể không nhắc đến một nơi thể hiện sinh động ý chí kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng trực tiếp đấu tranh với sự tàn bạo của kẻ thù – Đó là Nhà tù Tân Hiệp. Nơi đã để lại một sự kiện cách mạng tiêu biểu, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Đôi nét về Nhà tù Tân Hiệp:
Nhà tù Tân Hiệp hay còn gọi là “Trung tâm huấn chính” hoặc “Trung tâm cải huấn” Biên Hoà nằm cạnh quốc lộ I (đối diện Bệnh viện tâm thần Biên Hoà), cách trung tâm thành phố Biên Hoà khoảng 2 km về phía Đông.
Tiền thân của nhà lao này là Trại tù binh chiến tranh do Thực dân Pháp xây dựng nhằm đàn áp phong trào cách mạng : Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lính Pháp tại Đông Dương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai và đến tháng 10 năm 1945 chúng đề ra chiến lược tái chiếm lại Biên Hoà. Quy mô chiến tranh ngày càng phát triển, trại giam Hố Nai không đủ sức chứa hết tù nhân nên Pháp mở rộng đồn binh Tân Hiệp và biến nó thành trại giam tù binh chiến tranh của tỉnh Biên Hoà. Trại tù này tồn tại cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp tháng 7 năm 1954.
Nhà tù Tân Hiệp Biên Hoà có 7 trại giam gọi tên chữ cái A, B, C, D, E, G và trại giam phụ nữ. Trong đó có các trại E, D, G và trại ngoại là nơi giam các chiến sĩ cách mạng đảng viên và người yêu nước. Các trại được bao bọc bởi 4 lớp dây kẽm gai dày với 9 lô cốt, 3 tháp canh kiên cố, trang bị vũ khí hiện đại, hệ thống báo động tối tân. Mỗi trại giam có diện tích gần 200m2 nhưng giam giữ từ 300 - 400 người, có lúc lên đến cả ngàn người. Đến thời điểm tháng 12-1956, số lượng tù nhân bị địch giam giữ ở đây là 1872 người, trong đó có 79 tù nhân nữ, phần đông số tù nhân này là chiến sĩ cách mạng, nhiều tù nhân là những trí thức yêu nước nổi tiếng như: Kỹ sư Lê Văn Thả, nhà văn – nhà báo Dương Tử Giang, Trần Ngọc Sơn, Lý Văn Sâm, Nguyễn Văn Mại, Phạm Thị Lạng…
 

 

 

Các thủ đoạn và hình thức tra tấn của địch tại nhà tù Tân Hiệp:
Trong một phòng giam vô cùng chật hẹp, chúng đã giam rất nhiều chị em phụ nữ, bọn cai ngục sử dụng các loại lựu đạn cay, vôi bột, bom lân tinh ném vào làm cho người tù bị ngất xỉu, phỏng toàn thân, sau đó chúng dùng thuốc xịt muỗi DDT bơm vào rồi lôi phạm nhân ra phơi nắng. Mỗi ngày, một người chỉ đựoc cấp 3 lon nước để uống và tắm giặt. Do mất vệ sinh nên tù nhân nào cũng lở loét khắp mình. Nhiều lần họ đấu tranh đòi nước uống, thuốc chữa bệnh, đòi ăn rau xanh, tăng khẩu phần…, bị bọn chúng dùng vôi bột rải xuống, làm ngộp thở. Sau đó, vôi thấm vào các vết thương gây phỏng da, thúi thịt khiến nhiều tù nhân lâm trọng bệnh mà chết. Chưa hết chúng còn dùng đòn roi tra tấn, lấy dùi cui thúc vào bụng, vào chỗ kín, nếu tù nhân không chịu khai báo, bọn cai ngục cột chặt chân tay và bắt họ uống nước đái lâu ngày, nước xà phòng qua miệng và lỗ mũi. Khi tù nhân đã no, chúng nhảy lên bụng họ đạp cho nước phụt ra đường miệng và mũi cho đến lả đi…
Bên cạnh các hình thức tra tấn tàn khốc tù nhân trong nhà lao Tân Hiệp, kẻ thù dùng cả thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc hòng lung lay ý chí, kêu gọi những người theo cách mạng ly khai, phản bội lý tưởng, đi theo con đường phản dân hại nước của chúng: Tại đây, chúng mở lớp tố cộng, ai vào học lớp này coi như được “tẩy não”, những người ghi danh ký tên đi học sẽ được chuyển qua trại khác dễ thở hơn. Âm mưu của địch là tiêu diệt cả ý chí lẫn tinh thần cách mạng của tù nhân.
Một số hình thức, mục tiêu đấu tranh của tù chính trị và cuộc nổi dậy phá khám  trong nhà lao Tân Hiệp ngày 2/12/1956:
Kẻ thù tưởng rằng sự khắc nghiệt của nhà tù có thể lung lay tinh thần ý chí đấu tranh của “tù binh Việt cộng”, triệt tiêu ý chí cách mạng của những con người yêu nước. Nhưng chúng đã lầm. Tù đày không giam được khối óc, trái tim người cộng sản. Mặc dù bị giam cầm, tra tấn khủng khiếp, các tù chính trị vẫn không khuất phục kẻ thù, ý chí chiến đấu kiên cường của những chiến sĩ cách mạng không hề bị lung lay, trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, những người tù cộng sản vẫn kiên gan, một lòng vì mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc. Họ đã biến nhà tù thành nơi nung đúc ý chí:
Đồng bào ơi, anh chị em ơi!
Sống, chúng tôi mong được sống làm người
Dù đã chết, mà còn trời còn đất
Mà Tổ quốc ta hoà bình, thống nhất
Chúng tôi không sợ máu chảy đầu rơi
Thà chết không chịu khuất phục một lời!
Chúng đã giết, nhưng làm sao giết được
Hồn chúng tôi quẩn quanh cùng đất nước
Như bóng dừa ôm những xóm làng yêu
Như bóng cò bay sớm sớm chiều chiều
Như sông lạch vẫn tắm đồng xanh mát
Như sóng biển vẫn dập dìu ca hát!
                                                                                (Tố Hữu)
Trong lao tù các cán bộ, đảng viên cách mạng trong nhà tù bí mật tìm mọi cách liên lạc với nhau, thành lập tổ chức Đảng để sinh hoạt. Có hơn 200 đảng viên sinh hoạt trực tiếp tại các chi bộ từng trại giam do đồng chí Nguyễn Duy Đán (Nguyễn Trọng Tâm, hay còn gọi là Bảy Tâm nay là anh hùng lực lượng vũ trang) phụ trách. Để đề phòng trường hợp địch cài người đóng giả tù nhân trà trộn để lấy thông tin, các chiến sĩ trong nhà lao đã chủ định liên hệ với nhau bằng ám hiệu.
Với tâm niệm “Sống vĩ đại chết vinh quang”, Đảng uỷ nhà tù Tân Hiệp đã chuẩn bị một cuộc vượt ngục. Sau một thời gian điều nghiên kỹ và chuẩn bị về mọi mặt, tổ chức đảng trong nhà lao bằng đường liên lạc bí mật xin Liên tỉnh uỷ miền Đông, Ban binh vận Xứ uỷ tổ chức một cuộc phá khám nhằm mau chóng thoát khỏi nhà tù, tố cáo tội ác của Mỹ – nguỵ cho nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới cũng như nhân dân cả nước được biết và trở về với Đảng với nhân dân tiếp tục chiến đấu đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Tổ chức Đảng trong nhà giam đã thành lập một đội xung kích khoảng 60 người gồm những đồng chí khoẻ mạnh, có kinh nghiệm chiến đấu làm nòng cốt cho cuộc nổi dậy. Theo kế hoạch, thời cơ nổi dậy phá khám sẽ bắt đầu vào chiều ngày thứ bảy (ngày 1 tháng 12 năm 1956), nhưng do điều kiện khách quan nên Đảng uỷ nhà tù thay đổi giờ vượt ngục vào 17 giờ 45 phút chiều hôm sau (tức chủ nhật ngày 2 tháng 12 năm 1956).
17 giờ 40 phút ngày 2 tháng 12 năm 1956, tất cả các đồng chí trong lực lượng xung kích đều đã ở trong tư thế sẵn sàng. Các tổ áp sát các mục tiêu đã được phân công. Mọi hoạt động của lực lượng chủ công đến giờ phút này vẫn giữ được bí mật hoàn toàn.
17 giờ 45 phút, một số đồng chí trong các tổ xung kích mình trần, mặc quần đùi đi lại bên goài sân trại. Số các tù nhân ở các trại D, E, G là những anh em đã được phổ biến trước đều đứng hoặc ngồi trước cửa thấp thỏm chờ giờ hành động.
17 giờ 50 phút, khi tên lính trực vừa đánh kẻng báo cho tù nhân vô trại, thì tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp nơi. Các mũi xung kích nhanh chóng tiến thẳng đến các mục tiêu đã được phân công.
Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp của chính trị phạm diễn ra trong vòng 40 phút. Nhiều cánh tù vượt ngục khác tìm cách thoát đi nhiều hướng tránh sự truy đuổi của địch nhiều ngày sau đó. Một số cán bộ, chiến sĩ, đảng viên đã vượt về chiến khu Đ an toàn, nhiều người bị thương và 22 người hy sinh; trong đó có một số chiến sĩ như Phan Văn Rô, và nhà báo Dương Tử Giang. Đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, số tù nhân còn lại bị giam vào trại cho lính canh giữ nghiêm ngặt.
Ý nghĩa của cuộc nổi dậy phá khám nhà tù Tân Hiệp ngày 2/12/1956:
Cuộc vượt ngục Tân Hiệp là cuộc giải thoát kỳ diệu của những người tù Cộng sản kiên trung bất khuất, mưu trí. Với tay không tấc sắt, các tù nhân chính trị đã lập kế hoạch phản công từ trong lòng địch, nổi dậy phá tan xiềng xích tìm về tự do. Đó là thứ “Vàng trong lửa”, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nhân cách Việt Nam và của khí tiết Cộng sản. Sự kiện là một tiếng vang lớn lúc bấy giờ, trong tình hình cách mạng miền Nam bị địch đàn áp, khủng bố nặng nề, sự kiện đã làm xôn xao cả Lầu Năm góc. Đây là cuộc nổi dậy ngoạn mục của lực lượng tù chính trị, cuộc vượt ngục tập thể lớn nhất, gan dạ nhất chưa từng có trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.
Với những chiến công oanh liệt, hào hùng, vẻ vang ấy, Di tích nhà tù Tân Hiệp Biên Hoà đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 2754/QĐ/BT ngày 15 tháng 10 năm 1994.
Di tích như một chứng tích điển hình về tội ác của hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng chính quyền tay sai đối với dân tộc Việt Nam chúng ta. Nơi đây là một “chiến trường không ranh giới” mà người chiến sĩ cách mạng không vũ khí, không một tấc sắt trong tay, hàng ngày, hàng giờ phải đương đầu đối phó, chiến đấu vô cùng ác liệt dưới bàn tay tàn bạo của kẻ thù với biết bao tấm gương anh dũng, bất khuất kiên cường, giữ vững khí tiết, giữ trọn niềm tin với Đảng, trung thành với Tổ quốc cho dù địch tra tấn, giam cầm đến chết.
Di tích là “địa chỉ đỏ” để thế hệ thanh niên, những người dân trong và ngoài địa phương đến tham quan trong những dịp về nguồn.
Thật vậy, nếu không có những con người anh dũng, khí phách hiên ngang mở đường khai phá, bám đất, bám quê, đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc thì làm sao thế hệ chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bây giờ.
Thế hệ trẻ chúng tôi đời đời ghi nhớ những câu chuyện về những người con ưu tú của dân tộc quyết tử vì Tổ Quốc, những tấm gương đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, không tiếc máu xương vì nền độc lập tự do vì hạnh phúc của nhân dân, đó là các anh hùng liệt sĩ, những người chiến sĩ cách mạng và nhân dân kiên trung.

Và bên cạnh niềm tự hào, lòng biết ơn, thế hệ lớp sau cũng cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử quý báu mà cha anh để lại. Bởi đó là những minh chứng, những tinh hoa có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định truyền thống của dân tộc, là yếu tố góp phần giáo dục, hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại, là nền tảng tinh thần cho dân tộc vững vàng trong quá trình phát triển, giao lưu và hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, là nguồn lực góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

 

Các đại biểu tham quan triển lãm chuyên đề

“Nhà lao Tân Hiệp – Ký ức một thời”

 

Nguyễn Sen

 


Số lượt người xem: 2495 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày