Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 10/06/2017, 08:40

KỶ NIỆM 105 NGÀY SINH CỦA CỐ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM – PHẠM HÙNG (11 – 6 – 1912)

Đồng chí Phạm Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của dân tộc và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, tại làng quê ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Long Hồ - Vĩnh Long - mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Trải qua hàng trăm năm khai hoang, mở đất, con người nơi đây đã hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp: Cần cù, chịu thương, chịu khó, tương thân tương ái, hào hiệp. Mỗi người dân Vĩnh Long luôn luôn tỏ rõ ý chí phấn đấu, vượt lên số phận, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, không chịu lùi bước trước khó khăn, thách thức. Chính từ tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương, tinh thần yêu nước, cách mạng, những phẩm chất quý báu của vùng đất và con người Vĩnh Long là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên một nhân cách lớn, một người con kiên trung của quê hương - nhà cách mạng Phạm Hùng. Đồng thời, chính tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí Phạm Hùng đã góp phần bồi đắp, tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Vĩnh Long.

Năm 1927, mới 16 tuổi đồng chí đã tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó làm bí thư chi bộ trường học. Đến năm 1931, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách làm Bí thư tỉnh ủy Mỹ Tho. Lúc này, phong trào cách mạng của nhân dân địa phương chống chính quyền thực dân Pháp đã phát triển rộng khắp nơi và tháng 6 năm 1931 thì bị địch bắt, sau đó bị kết án tử hình cùng với các đồng chí Lê Văn Lương, Lý Tự Trọng, Lê Quang Sung... trong “vụ án những người cộng sản” nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Do phong trào đấu tranh của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ Pháp đòi ân xá tù chính trị, đồng chí được giảm án tử hình xuống chung thân khổ sai và bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

“Địa ngục trần gian” Côn Đảo thật sự là thử thách khắc nghiệp đối với những người tù cộng sản. Vượt lên tất cả, những tháng năm bị đày ải, giam cầm tại đây, đồng chí Phạm Hùng không chỉ thể hiện tinh thần anh dũng, kiên cường, tài tổ chức, lãnh đạo, luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh với kẻ thù mà còn thể hiện tình cảm thương yêu đồng chí đến mức xả thân. Đồng chí đã nhiều lần tự nguyện chịu đòn thay cho không ít bạn tù bị ốm đau, bệnh tật hoặc sức yếu hơn mình. Hình ảnh đồng chí trong xà lim tử tù, và nhiều năm nơi địa ngụ trần gian Côn Đảo là biểu tượng của “tinh thần thép”, về ý chí và nghị lực cách mạng phi thường của một thế hệ thanh niên yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng đón từ Côn Đảo về tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ và được bầu giữ chức Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Sau khi ra khỏi nhà tù đế quốc, không một ngày nghỉ ngơi, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam và được bầu vào Xứ uỷ lâm thời Nam Bộ. Đầu năm 1946, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy và Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc. Sự tham gia của đồng chí Phạm Hùng và các cựu tù chính trị Côn Đảo đã kịp thời củng cố và tăng cường cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Nam Bộ, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến đang vào thời kỳ khó khăn và gay go nhất.

Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và tham gia lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, đồng chí đã cùng với ban lãnh đạo của Đảng ở miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ, đề ra một loạt chủ trương quan trọng: tăng cường công tác xây dựng Đảng, mở rộng chiến tranh nhân dân, thực hiện dân chủ ở nông thôn, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị, giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, tăng cười và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công – nông – trí trong cách mạng dân tộc dân chủ, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng. Cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân Nam Bộ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời điểm vô cùng gay go, ác liệt, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đồng chí đã cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân ta nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, “một tấc không đi, một ly không rời”, với tinh thần gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, luôn tìm tòi sáng tạo từng bước đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ; chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại hội nghị Pari và rút quân về nước. Có thể nói, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt muôn vàn thử thách ác liệt, cùng nhân dân cả nước thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ và khát khao của dân tộc: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Là Trưởng ban Thống nhất Trung ương, đồng chí tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa II. Nghị quyết ra đời đã tạo bước ngoặt cho cách mạng miền Nam chuyển từ thế đấu tranh giữ gìn lực lượng sang tiến công và liên tục giành thắng lợi.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được Đảng và Nhà nước trao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và từ năm 1987 đến khi qua đời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự nghiêm túc mẫu mực, luôn chăm lo giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đem hết trí tuệ và sức lực nhằm hoàn thành công việc được Đảng và nhân dân giao phó.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, hiếu với dân. Trong sinh hoạt, đồng Phạm Hùng luôn thể hiện phong cách bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, dân chủ và rộng lượng với mọi người nhưng nghiêm khắc với mình. Ngoài ra, đồng chí còn là người con hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương và đất nước, người chồng thủy chung, người cha mẫu mực hết lòng yêu thương con

Do những cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đối với sự nghiệp tăng cường đoàn kết quốc tế, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều huân chương khác.

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Cố Chủ tich Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là dịp để chúng ta ghi nhớ đến những công lao, những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tấm gương cao đẹp của nhà cách mạng, người cộng sản Phạm Hùng sẽ củng cố thêm niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng, đồng thời góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tư tưởng và đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

 

-Thanh Vân-

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 677 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày