Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 02/02/2018, 08:50

Ngày này năm xưa (27/1/1973 – 27/1/2018): Ký hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giành được thắng lợi vĩ đại.

Hiệp định Pa-ri đã được ký chính thức.

Từ 7 giờ sáng 27 tháng 1 năm 1973, chiến tranh chấm dứt ở cả hai miền nước ta.

Thế là “Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa! ý chí bất khuất đã thắng bạo tàn! Việc đạt một Hiệp định như vậy là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam”

Trong những ngày tháng Giêng năm 1973, tất cả các báo chí, các đài phát thanh và vô tuyến truyền hình ở Pa-ri cũng như ở trên thế giới đều liên tiếp đưa tin về Hội nghị Paris và bản Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương vừa ký còn chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã nhảy vào, nhanh chóng hất cẳng thực dân Pháp và âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Từ đó, nhân dân ta đã phải đương đầu chống lại tên đế quốc đầu sỏ, giàu mạnh nhất trong phe đế quốc chủ nghĩa, đã lần lượt đánh bại mọi chiến lược chiến tranh cực kỳ tàn bạo và xảo quyệt của kẻ thù - chiến lược thống trị miền Nam bằng những thủ đoạn điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, chiến lược chiến tranh “đặc biệt” chiến lược “chiến tranh cục bộ” và chiến lược chiến tranh “Việt Nam hóa”.

Cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước những đòn tiến công mãnh liệt của quân và dân miền Nam, cả về quân sự và chính trị, chiến lược của Mỹ đã bị phá sản, ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ðể cứu vãn tình thế, Mỹ thay đổi chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, thực chất là “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Một mặt, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam; mặt khác, tiến hành leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, mở rộng chiến tranh xâm lược ra phạm vi cả nước. Trong ba năm 1965, 1966, 1967, Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc.

Năm 1968, sau những thất bại nặng nề của chiến lược chiến tranh cục bộ và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, ngày 31-3-1968, tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải tuyên bố ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào; ngày 1-11, Mỹ phải chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc. Vì vậy, từ ngày 13-5-1968 ta đồng ý ngồi nói chuyện với Mỹ ở Paris. Sau đó, khi Mỹ đã phải chấp nhận đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng (từ 6-1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), hội nghị bốn bên đã được bắt đầu tư ngày 18-1-1969. Những cuộc thương lượng đã kéo dài với cuộc đấu tranh hết sức gay go phức tạp, do phía Mỹ luôn luôn theo đuổi chính sách “đàm phán trên thế mạnh”, đòi ta phải chấp nhận những điều kiện do Mỹ đặt ra.

Năm 1969, sau khi lên cầm quyền, Ních-xơn đã thi hành chiến lược chiến tranh “Việt Nam hóa”, mở rộng và đẩy mạnh cuộc chiến tranh lên tới mức ác liệt nhất, hòng cứu vãn tình thế nguy ngập của Mỹ và tay sai. Nhưng Mỹ vẫn thất bại và bọn tay sai ngày càng suy sụp nghiêm trọng.

Năm 1972 được cả Việt Nam và Mỹ nhận định là năm quyết định cho cuộc chiến tranh. Vì vậy, các cuộc đàm phán giữa hai bên dần đi vào thực chất, càng về cuối càng có những chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, hai bên chưa thực sự đi vào đàm phán, vẫn nỗ lực trên chiến trường và thăm dò nhau trên bàn Hội nghị. Cuộc gặp riêng từ ngày 8 đến ngày 12-10-1972 là mốc đánh dấu bước chuyển căn bản của cuộc đàm phán. Trong cuộc gặp này, phía Việt Nam đưa ra dự thảo Hiệp định hoàn chỉnh và đề nghị Mỹ ký ngay vào đó. Hai bên thỏa thuận ngày 31-10-1972 sẽ ký Hiệp định chính thức tại Paris. Tuy nhiên, ngày 22 và ngày 23-10-1972, Mỹ đòi hoãn ngày ký để thảo luận thêm. Như vậy, Hiệp định Paris đã có thể được ký kết theo đúng lịch trình nếu không có sự lật lọng từ phía Mỹ.

Ngay sau khi Mỹ lật lọng, tráo trở, trì hoãn việc ký Hiệp định, đòi Việt Nam nhân nhượng thêm, ta quyết định công bố dự thảo Hiệp định mà hai bên đã thỏa thuận và tuyên bố không gặp lại trước ngày tuyển cử tổng thống Mỹ, như Mỹ đề nghị. Đảng ta nhận định: Mỹ muốn tiếp tục kéo dài chiến tranh trong một thời gian nữa để giành thắng lợi về quân sự, nhằm kết thúc chiến tranh trên thế mạnh.

Rõ ràng nhân dân ta không có cách nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của chúng. Để bảo vệ và thi hành Hiệp định Paris, quân và dân ta đã trừng trị thích đáng mọi hành động phá hoại đầy tội ác của chúng, không những ở các nơi chúng lấn chiếm mà còn ở tất cả các căn cứ xuất phát của chúng. Tại các cuộc đàm phán, trên tư thế chiến thắng, phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa kiên quyết đấu tranh và giữ vững được nội dung của dự thảo Hiệp định như đã thỏa thuận.

Trong thời gian khoảng 5 năm, Hội nghị Paris đã phải trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, và cũng trong thời gian đó, có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất, đó là: yêu cầu Mỹ rút hết quân, trong đó có cả quân 5 nước đồng minh của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khỏi miền Nam Việt Nam; và yêu cầu họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam.

Với thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Đây cũng là tiền đề để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Hội nghị Paris về Việt Nam còn là cuộc đấu tranh kiên cường vì các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam, được thể hiện trong Hiệp định - văn bản pháp lý toàn diện, đầy đủ nhất. Trong đó, Mỹ buộc phải cam kết “tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”, điều mà họ đã cố tình lẩn tránh ở Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Đồng thời, Mỹ buộc phải rút hết quân về nước, trong khi ta duy trì được hoàn toàn lực lượng, khiến so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về ta. Điều quan trọng nữa là, Hiệp định góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ khi toàn dân, toàn quân ta giành thắng lợi hoàn toàn với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973 là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng sau 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là sau hơn 18 năm kiên trì chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vượt qua muôn vàn hy sinh gian khổ và ghi lại những trang rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi vĩ đại của tinh thần “không có gì quí hơn độc lập tự do” của sức mạnh đoàn kết dân tộc trong cả nước, từ Bắc chí Nam. Là thắng lợi rực rỡ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin bách chiến bách thắng, của đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và cũng là thắng lợi có ý nghĩa thời đại của phong trào cách mạng thế giới, của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình, của nhân dân yêu chuộng tự do, công lý trên toàn thế giới. Và là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Cội nguồn thắng lợi tại Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí đấu tranh quật cường, bền bỉ, nhằm bảo vệ chân lý, chính nghĩa, lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, trên cơ sở chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris về Việt Nam mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, thể hiện cao độ bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá.

Thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất vào mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta đã đập tan mọi hành động phá hoại của Mỹ - ngụy, lật đổ toàn bộ chế độ kìm kẹp thực dân kiểu mới của chúng, và đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến vĩ đại nhất trong lịch sử 4000 năm của dân tộc. Tôi hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn tầm vóc vĩ đại và ảnh hưởng to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giành được thắng lợi vĩ đại đối với dân tộc ta và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, để từ đó chúng ta thêm tin yêu, tự hào về tổ quốc ta, Đảng ta, nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời vận dụng tốt những kinh nghiệm thực tiễn quý báu từ chiến thắng vĩ đại này vào sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.

Nguyễn Yên

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1619 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày