Bỏ qua nội dung chính

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng > Bài đăng > VẬN DỤNG CHỮ ''NHẪN'' VÀO VĂN HÓA GIA ĐÌNH VIỆT NAM
VẬN DỤNG CHỮ ''NHẪN'' VÀO VĂN HÓA GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Nhẫn học là quốc túy của dân tộc ta, là tinh túy của tư tưởng nho gia. Chữ nhẫn có giá trị trong tất cả các hoàn cảnh. Và trong tất cả các thời đại. Đặc biệt trong hoàn cảnh gia đình, chữ nhẫn áp dụng cho tất cả các thành viên.

Gia đình là một thực thể văn hóa,  văn hóa gia đình cũng như tất cả các thứ văn hóa khác không đứng im, mà vận động theo tiến trình lịch sử chung và theo tiến trình phát triển riêng của nó. Văn hóa gia đình chiếm một vị trí hàng đầu trong sự phát triển xã hội. Nó thấm sâu vào tất cả các mặt sinh hoạt và tất cả các quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, cũng như giữa các thành viên trong gia đình với bên ngoài: Từ hôn nhân đến lời ru và cách nuôi dạy con, từ “làm ăn” đến giải trí… tất cả đều mang những giá trị văn hóa phục hưng - cách tân. Một gia đình muốn hòa thuận thì các thành viên trong gia đình nhất thiết phải bỏ qua, tha thứ cho nhau, bao dung nhau. Cha mẹ biết nhẫn thì dễ dàng tha thứ, con biết nhẫn thì chịu đựng được những cái trái khoáy của người già và yên tâm làm việc của mình. Các bậc cha mẹ, con cháu cố gắng vận dụng được chữ nhẫn để có tổ ấm gia đình hạnh phúc và có điều kiện vào đời với nhiều thắng lợi hơn. Nhẫn không thể tách rời trong cuộc sống con người, để thành công phải nhẫn, mưu sinh tồn tại phải nhẫn, giữ bình an phải nhẫn. Biết nhẫn là tạo cho mình sự dũng cảm bình tĩnh. Biết nhẫn là phải có tình, cái tình sâu sắc mà chân thành hơn bao giờ hết. Đúng như vậy, chữ nhẫn có thể giải quyết được bao nhiêu sống gió trong gia đình. Với chữ nhẫn, ông bà, cha mẹ, con cái, họ hàng có thể tự kiềm chế mình, và có thể cải tạo mọi người xung quanh.

Theo từ nguyên, nhẫn có nghĩa là mũi nhọn, những cái mũi nhọn này không đâm vào ai, mà lại có thể xuyên suốt được mọi thứ. Nhất là trong gia đình, nhẫn không phải là một thứ lý thuyết giáo điều, càng không phải một sự né tránh, rút lui tiêu cực mà là ngấm ngầm tiến bước, là biểu hiện có năng lực, có rộng lượng có tu dưỡng với thái độ tích cực, chủ động. Trong đấu tranh xã hội, người ta dễ thấy cái hay của chữ nhẫn, vì nó đưa đến những kết quả lớn lao. Nhưng trong gia đình, thắng lợi không đến ngay, mà con người trong gia đình, xưa nay vẫn thường là con người tiểu khí. Vợ to tiếng mà chồng im lặng thì dễ bị hiểu là anh chàng sợ vợ, nên cứ phải tỏ ra bà đã lớn mật thì ông to gan. Mẹ bắt con vâng lời thì con thấy khó chịu. thế là không ai nhẫn được nữa. Đều xông lên cả nhưng nào có giải quyết được việc gì đâu. Trong họ hàng cũng thường xảy ra như vậy. Nhất là những tai hại cũng lời nói. Chỉ cần người này nói ra một câu; một chữ nào đó, người kia hạch sách, bắt bẻ nhau, chuyện bé xé ra to. Im đi thì bị cho là thiệt, dù không biết thiệt cái gì.

Cho nên, nhẫn trong cuộc sống vợ chồng, không phải là do mình sợ hay mình yếu thế, mà là sự hòa dồng một cách thông minh trong tình yêu, không nên quá khắt khe. Phụ nữ phải khéo léo nhún nhường một cách thích hợp, biết nói lời xin lỗi khi cần thiết. nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, niềm hạnh phúc trọn vẹn của gia đình chỉ cần người đàn ông gánh vác một phần trách nhiệm, thì tất cả sẽ trở nên hòa thuận theo lẽ tự nhiên. Vậy thì đứng trước hạnh phúc người đàn ông không lẽ gì mà không nhường nhịn. Nhẫn trong quan hệ giữa con cái với cha mẹ, kiên nhẫn thực hiện chữ hiếu là quan trọng nhất. Cha mẹ là người mà cả đời chúng ta phải biết ơn, bởi vì là người sinh ra và nuôi dưỡng ta khôn lớn, nên người. cha mẹ là người dẫn đường không thể thiếu trên con đường đời của chúng ta. Bất luận xã hội phát triển như thế nào, thời đại có thay đổi ra sao, kính hiếu cha mẹ mãi là chuẩn mực đạo đức mà chúng ta phải tôn theo. Chỉ có quan hệ hài hòa của cha mẹ với con cái, chỉ có gia đình hòa thuận, thì toàn bộ xã hội của chúng ta mới có thể đi theo hướng hài hòa, ổn định, đất nước đi theo hướng phồn vinh.

Người biết nhẫn là biết tha thứ, sẵn sàng khoan dung, bỏ qua những điều vặt vãnh, để chèo lái con thuyền gia đình cập bến thuận hòa. Người biết nhẫn có thể tìm được cách đem niềm vui dù là nhỏ nhặt đến cho gia đình! Đơn giản thôi: một món quà, một sự nhường nhịn, một sự vén mở chân lý rất nhẹ nhàng, và nhất là một nụ cười. Đó là bí quyết xây dựng và phát huy văn hóa gia đình.

 

 

                                                                                                            Yên Yên

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.