Bỏ qua nội dung chính

Giới thiệu sách 2015

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Giới thiệu sách 2015 > Danh mục
Nghệ thuật nghi binh - Quan sát từ những trận đánh quyết định lịch sử

 

 

Vũ Cao Phan. Nghệ thuật nghi binh - Quan sát từ những trận đánh quyết định lịch sử / Vũ Cao Phan. – H. : Quân đội nhân dân, 2014. – 302 tr. ; 21 cm.

Lịch sử quân sự và chiến tranh Việt Nam trải qua các thời kỳ đầy khó khăn gian khổ của quân và dân ta, đã oanh liệt hy sinh trong những trận đánh, và giành được chiến công vẻ vang, với chiến thuật “Dương đông kích tây” từ lâu đã trở thành thành ngữ dân gian của người Việt chúng ta trong nghệ thuật quân sự.

Là một thủ đoạn tác chiến có sức sống, có tính thuyết phục cao mà các danh tướng Việt Nam ta chỉ huy trăm trận trăm thắng điển hình như: Trận Rú Nai (Hà Tỉnh); ở Đông Nam (Đức Cơ) trận Đức Vinh … Hay Chiến dịch Tây Sơn Tịnh và nhất là chiến dịch Pleime (ngày 10-11/1965) trên chiến trường Tây Nguyên, trong chiến dịch Sa Thày vào mùa Đông (1966)...v..v… Mặc khác, phương tiện và kỹ năng nghi binh cũng được áp dụng thực tiễn trong “Chiến tranh thế giới thứ II”. Hay “Bách khoa toàn thư” của quân đội Xô Viết cũng chỉ rõ: Con người biết tận dụng thời cơ, sáng tạo trong mưu lược để đạt đến bất ngờ cho đối phương đó cũng là một nghệ thuật chiến tranh nói cách khác là thuật ngữ “Nghi binh” đánh lừa kẻ địch.

Tác giả giới thiệu 50 trận đánh quyết định có sự góp mặt quan trọng của nghệ thuật nghi binh trong từng chương và được hệ thống có tính khoa học, với cách luận giải giàu triết lý, có độ tư duy quân sự cao, sáng tạo trong sách lược.

Sách gồm 3 Chương:

Chương 1: Nghệ thuật nghi binh - Quan sát cá biệt.

Chương 2: Nghệ thuật nghi binh – Quan sát tổng quát.

Chương 3: Nghệ thuật nghi binh – Quan sát đặc thù

Tác phẩm là tài liệu nghiên cứu rất bổ ích cho các nhà chỉ huy quân sự, là lý luận thực tiễn trong chiến lược - chiến thuật bảo vệ Tổ quốc và là một công trình nghiên cứu khoa học đóng góp không nhỏ cho quân sự Việt Nam.

Về đại thắng mùa Xuân 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn.

 

 

Về đại thắng mùa Xuân 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn. – H. : Chính trị Quốc gia, 2010. – 354 tr. ; 21 cm

Đtts ghi: Bộ Nội vụ. Cục văn thư và lưu trữ nhà nước. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II.

Sau ngày đại thắng lịch sử 30-4-1975, đã có rất nhiều trang viết về sự kiện trên ở nhiều góc độ khác nhau. Từ phía những người lính giải phóng, đó có thể là hồi ức, hồi ký của những nhân vật trong cuộc, từ vị trí cao nhất đến những người lính trực tiếp, gián tiếp tham gia cuộc chiến. Đó cũng có thể là những tác phẩm văn học của các nhà văn đã trải qua chiến tranh. Đó cũng có thể là những tài liệu tham khảo, nghiên cứu của các nhà sử học, nhà quân sự, muốn diễn giải và phân tích về những gì đã diễn ra vào thời điểm lịch sử đó.

Cuốn sách Về đại thắng mùa xuân năm 1975 - Qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn tập hợp những tài liệu của chính quyền Sài Gòn ghi chép những sự kiện lịch sử diễn ra trong giai đoạn từ khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973 đến khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Đây được xem là một tài liệu tham khảo đặc biệt, vì trong cuốn sách có những tấm ảnh sao chụp các tài liệu gốc quan trọng của chính quyền Sài Gòn. Mở đầu là bài phát biểu của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu về Hiệp định Paris (24-1-1973); kết thúc là bản diễn văn của Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu chuẩn bị đọc vào trưa 30-4 giới thiệu chính phủ mới. Ngoài ra, còn rất nhiều tài liệu từ quân sự, chính trị đến kinh tế, tình báo của phía bên kia trong giai đoạn này.

Nội dung sách được chia làm 3 chương: Chính quyền Sài Gòn với Hiệp định Paris 1973; từ thất thủ Phước Long đến phòng tuyến Phan Rang; từ cửa tử Xuân Lộc đến sự sụp đổ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn.

Những người thực hiện cuốn sách hầu như không đưa ý kiến chủ quan vào mà chỉ để nguyên tài liệu gốc, cùng các chú giải về mặt dữ liệu. Chính sự khách quan đó, bạn đọc có thể tự mình rút tỉa những nhận xét về thực tế tình hình chính quyền Sài Gòn trong giai đoạn cuối cùng thông qua chính những tài liệu của họ; trong đó có cả các tài liệu mật lần đầu tiên được công bố. Như với Hiệp định Paris, qua hai bài phát biểu quan trọng của Nguyễn Văn Thiệu (vào các ngày 24 và 28-1-1973), cho thấy sự hoảng hốt và phẫn nộ của chính quyền Sài Gòn khi bị Mỹ đặt vào thế yếu và sự lo sợ của chính quyền này khi bị cắt viện trợ.

Chiếm phần chủ yếu trong cuốn sách là các tài liệu về vấn đề quân sự, thông qua đó bạn đọc thấy rõ sự tráo trở của chính quyền Sài Gòn, trong khi các phát biểu chính thức (ngày 24 và 28-1-1973) thì tuyên bố ngừng bắn nhưng trên thực tế thì cùng lúc đó (đêm 27 rạng ngày 28-1-1973) lại ra mật lệnh thực hiện 15 cuộc hành quân cấp tiểu đoàn và 19 cuộc hành quân cấp tiểu khu và chi khu.

Trong sách còn có rất nhiều bản sao chụp các tài liệu đặc biệt như thư tay của linh mục Trần Đức Sâm gửi cho linh mục Cao Văn Luận ở Phước Long, cho biết thực tế tinh thần quân đội Sài Gòn đã hoàn toàn tan rã, sĩ quan chỉ huy và binh lính bỏ trốn… Từ sau trận Phước Long, các trang tài liệu phản ánh sự hoảng loạn của chính quyền Sài Gòn, thể hiện qua những phát biểu cay cú của Nguyễn Văn Thiệu, chất chứa đầy câu văn chửi bới, từ chửi kẻ địch đến chửi đồng minh không ủng hộ, trút tội thất bại lên đầu thuộc cấp…

Dựa trên sự tôn trọng lịch sử, tài liệu đã khắc họa phần nào cái nhìn chân thật từ phía bên kia, về một thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc, mở ra giai đoạn hòa bình và phát triển mới của đất nước.

Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong đại thắng mùa Xuân 1975

 

 

Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong đại thắng mùa Xuân 1975. – H. : Quân đội nhân dân, 2010. – 215 tr. ; 21 cm.

Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sáng suốt của Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy bằng một loạt các chiến dịch trên khắp miền Nam. Trong đó nổi bật nhất là các chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược, dành thắng lợi dồn dập tạo ra bước ngoặt lịch sử để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; mãi mãi là một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam đã đi vào lịch thế giới như một chiến công vĩ đại, một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt và tính thời đại sâu sắc của thế kỷ XX.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách: Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong đại thắng mùa xuân 1975 nhằm giúp chúng ta ôn lại những chiến công oanh liệt, tinh thần chiến đấu mưu trí dũng cảm, đức hy sinh cao cả của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam bảo vệ tổ Quốc.

Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ

 

 

Nguyễn Xuân Tú. Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1973 - 1975) / Nguyễn Xuân Tú. – H. : Quân đội nhân dân, 2010. – 197 tr. ; 21 cm.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta (1954 – 1975) là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử của dân tộc. Đây là thắng lợi trọn vẹn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thế kỷ XX, đã mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng nước ta, thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và dân tộc ta nhiều kinh nghiệm quý báu, trong đó có kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo dành thắng lợi từng bước tiến tới dành thắng lợi hoàn toàn trong cách mạng giải phóng dân tộc, đây là một nét độc đáo, một bài học kinh nghiệm quý báu của cách mạng nước ta. Bài học này không chỉ có giá trị lịch sử lớn lao mà còn có ý nghĩa hiện thực sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh hiện nay.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách: Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1973-1975) nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu sâu sắc nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Qua đó giới thiệu quá trình Đảng chỉ đạo kết thúc kháng chiến và các chủ trương của Đảng trong giai đoạn mới.

 

Năm 1975 những sự kiện lịch sử trọng đại

 

 

Năm 1975 những sự kiện lịch sử trọng đại / Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung biên soạn. – H. : Quân đội nhân dân, 2010. - 335 tr. ; 21 cm.

Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy long trời lở đất, quét sạch chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, hào hùng của dân tộc ta, nhân kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2013), thư viện xin giới thiệu đến bạn đọc quyển Năm 1975 những sự kiện lịch sử trọng đại . Sách gồm các phần như sau:

Phần thứ nhất: Một số sự kiện lịch sử trọng đại trước năm 1975 (giai đoạn 1973 – 1975). Trích nhật ký về Hiệp định Paris từ tháng 1 năm 1973 đến tháng 7 năm 1973 và đưa ra kế hoạch tác chiến chiến lược, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Phần thứ hai: Năm 1975, những sự kiện lịch sử trọng đại. Những trận đánh quyết liệt ở những căn cứ trọng điểm diễn ra dẫn tới chiến thắng, độc lập tự chủ hoàn toàn.

Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là tập hợp sức mạnh của toàn quân toàn dân ta kết hợp với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng. Với chiến công đó, nhân dân ta đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới chống áp bức và nô dịch dân tộc. Trong không khí tưng bừng, sôi sục của những ngày cuối tháng tư này, mời các bạn cùng hồi tưởng lại những tháng ngày chiến đấu oanh liệt, bất khuất của cha anh chúng ta.

Một thời gửi lại

 

Một thời gửi lại : Ký sự chiến tranh / Bùi Xuân Vinh thể hiện. – H. : Thanh niên, 2007. – 245 tr. ; 21 cm.

 

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, bộ đội Tăng – Thiết giáp đã trở thành lực lượng đột kích quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh xe tăng quân giải phóng tiến công như vũ bão, húc đổ cánh cổng sắt, tiến vào Dinh Độc lập, cắm lá cờ chiến thắng lên nóc dinh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền ngụy Sài Gòn. Hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc.

 Chiến tranh 40 năm đã lùi xa vào quá khứ, các tác giả có đủ thời gian bình tâm để nhận định, đánh giá một cách công bằng và chân thực, về những sự kiện, những con người ở chính ngay đơn vị mình, là đồng đội đang còn sống với nhau, cùng nhau nhớ tới những đồng đội đã hy sinh anh dũng. Trong bối cảnh ấy, chỉ cần sơ suất nhỏ, thiếu khách quan, cuốn ký sự sẽ mất đi tính chân thực của lịch sử như vốn nó đã có. Đọc Một thời gửi lại, tôi rất có cảm tình bởi tính hàm súc, chân thực, khách quan, cấu trúc chặt chẽ theo mạch thời gian rõ ràng, được tập trung vào một chủ đề chính là lực lượng Tăng – thiết giáp Nam Bộ. Cuốn ký sự đã biết tập trung khai thác sự kiện chính, mang tính tiêu biểu, làm nổi bật ý nghĩa lịch sử, những cách đánh tài tình, làm toát lên chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người lính xe tăng thiết giáp.

Nội dung tài liệu sẽ mang lại cho độc giả những suy nghĩ và tình cảm của người lính trên chiến trường miền Đông Nam Bộ năm xưa, tỏ lòng tri ân những người đã làm nên lịch sử. Những trang viết tâm huyết và chân thực sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

 

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

 

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. – H. : Chính trị Quốc gia, 2010. – 455 tr. ; 24 cm

 

 

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta diễn ra ngày càng ác liệt, phong trào cách mạng đạt được bước tiến lớn trong phát triển lực lượng, sục sôi khí thế tiến công, khi niềm ước vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân cả nước ngày càng cháy bỏng. Sự ra đời của Mặt trận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tích cực vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đánh đuổi tên đế quốc Mỹ sừng sỏ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối.

Năm 2015 là ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, một mốc son quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ hy sinh song vô cùng vẻ vang của dân tộc, ngày kỷ niệm cũng là dịp để thêm một lần nữa chúng ta khẳng định, tri ân vai trò quan trọng, những đóng góp to lớn của Mặt trận nói chung, của những cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc xương máu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc nói riêng.

Nội dung sách tập hợp, chọn lọc các bài nghiên cứu, các văn kiện tiêu biểu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín: Nguyễn Hữu Thọ, Vũ Kỳ, Lê Đình Sỹ, Vũ Quang Hiển,…về vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

 

Lịch sử miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ kháng chiến (1945-1975).

 

Lịch sử miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ kháng chiến (1945-1975). – H. : Chính trị Quốc gia, 2011. – 914 tr. ; 24 cm

Đtts ghi: Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7

 

 

Trong cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ có một vị trí đặc biệt quan trọng.

Với vị trí chiến lược, tiềm năng về tự nhiên và xã hội của miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ là những yếu tố quan trọng để biến nơi đây thành chiến trường tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, là địa điểm mở đầu và kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược 30 năm. Đối với địch, đây là trọng điểm tiến hành "bình định", vơ vét sức người, sức của, thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Với ta, địa bàn này có tầm quan trọng đặc biệt, là nơi ta tổ chức nhiều cuộc quyết chiến chiến lược trong chiến tranh giải phóng. Địa bàn Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trải rộng với ba vùng chiến lược hoàn chỉnh, đây là nơi ta có khả năng vận dụng đầy đủ đường lối quân sự, chính trị của Đảng về tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện.

Nhằm cung cấp một công trình nghiên cứu có hệ thống và toàn diện về cuộc chiến tranh giải phóng trên vùng đất miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách Lịch sử miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ kháng chiến (1945-1975).

Nội dung cuốn sách gồm có các phần sau:

Phần mở đầu: Miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm trong lịch sử

Phần thứ nhất: Kháng chiến chống thực dân Pháp

Miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (9-1945 – 12-1945); Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, phát triển chiến tranh du kích, góp phần đánh bại chính sách "bình định" (1947-1950); Đẩy mạnh kháng chiến toàn diện, phối hợp chiến trường cả nước giành thắng lợi quyết định (1951-1954)

Phần thứ hai: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Từ đấu tranh chính trị tiến tới đồng khởi toàn miền, làm chủ phần lớn nông thôn (1954-1960); Phát triển lực lượng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ (1961-1965); Góp phần đánh thắng "chiến tranh cục bộ" của Mỹ (1965-1968); Bước đầu đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" trên chiến trường Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (cuối 1968 – 27-1-1973); Tiến lên cùng cả nước giải phóng Sài Gòn – Gia Định và toàn miền Nam

Việc ghi dựng lại một cách hệ thống và đầy đủ lịch sử cuộc chiến tranh nhân dân chống hai đế quốc Pháp và Mỹ của quân và dân miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ là một đòi hỏi cấp thiết và mang nhiều ý nghĩa, nhằm kịp thời lưu giữ tư liệu, góp phần tôn vinh công lao của hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào từng chiến đấu hy sinh trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trong cuộc chiến tranh vừa qua, tìm ra những bài học lịch sử và cổ vũ những người đang sống, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhiệt tình và trách nhiệm kế tục truyền thống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và giảng dạy, học tập lịch sử về vùng đất anh hùng miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.

Một Thời Rừng Sác

 

Lê Bá Ước. Một Thời Rừng Sác / Lê Bá Ước. – Thành phố Hồ Chí Minh : Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2012. – 2t. (625 tr.) ; 19 cm

 

 

   

 

Theo đại tá Lê Bá Uớc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 10 Rừng Sác, Biệt khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) là một căn cứ cách mạng trọng yếu của quân ta. Thời chống Pháp, Rừng Sác là một căn cứ nổi tiếng, nơi giao liên và tiếp nhận binh vận và vũ khí. Thời chiến tranh chống Mỹ, một tổ chức quân sự của ta được thành lập gọi là "Biệt khu Rừng Sác". Năm 1962 -1963, nơi đây trở thành trạm tiếp nhận hàng quân sự từ Bắc vào Nam.

Trước kia, nhắc đến "Rừng Sác" Cần Giờ là nói tới cuốn "rừng thiên nước độc", một cõi mang hoang ít người lui tới. Thế nhưng, chính mảnh đất sình lầy, ngập mặn này đã chở che, bảo bọc cho biết bao chiến sĩ Đặc công Trung đoàn 10 Rừng Sác anh hùng.

Một thời Rừng Sác là tập hồi ký dài 2 tập của Đại tá Lê Bá Ước, bản hùng ca về những chiến công hiển hách mà Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã lập nên như: nổ kho bom Thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè, đánh chìm tàu giặc trên sông Lòng Tàu... Một thời Rừng Sác còn là nơi lưu dấu muôn đời về nghĩa tình đồng đội, về những nông dân chân lấm tay bùn nhưng với lòng yêu nước sắt son vô bờ bến, họ đã sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cách mạng, bảo toàn lực lượng của Đoàn 10 Rừng Sác, như ba Năm Hổ - người có ba đứa con trai đều hy sinh trên chiến trường, như má Hai Trầu giao liên công khai bị giặc bắt tra khảo, tù đày...

Qua những trang viết Một thời Rừng Sác, tác phẩm như những thước phim chân thực, sống động và không kém hào hùng của người chiến sĩ đặc công, càng hiểu thêm giá trị hy sinh của hai ngàn liệt sĩ, trong đó có đến 860 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác trên mảnh đất anh dũng này. Không những vậy, đến với tác phẩm ta càng thấm thía hơn nghĩa tình đồng đội, tình quân dân cá nước của người dân – người lính trong thời chiến. Những gì đọng lại trong hai tập hồi ký này hứa hẹn là một bản anh hùng ca với những vĩ thanh trữ tình sâu lắng.

 

Huyền thoại chiến khu Đ anh hùng

 

Huyền thoại chiến khu Đ anh hùng / Nguyễn Đức Cường, Phạm Lan Hương, Nguyễn Thị Nguyên biên soạn. – H. : Văn hóa – Thông tin, 2012. – 498 tr. ; 27 cm

 

 

 

Chiến khu Đ là căn cứ địa quan trọng của Miền Đông Nam Bộ, trải rộng từ triền rừng bạt ngàn nối từ cao nguyên miền Trung và biên giới Campuchia xuống giáp cận thành phố Sài Gòn và những đô thị lớn thuộc tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai), Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương), với địa hình rừng núi hiểm trở; Chiến khu Đ trở thành mật khu căn cứ, nơi cất giấu lực lượng, kho tàng dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển mọi hoạt động của cách mạng. Chiến khu Đ còn giữ vị trí chiến lược nối liền các chiến trường ở Nam Bộ và là “trạm trung chuyển” quan trọng từ Bắc vào Nam. Chiến khu Đ còn giữ vị trí như một “bàn đạp” tấn công vào các mục tiêu của địch ở Sài Gòn và các tỉnh Miền Đông Nam Bộ.

Trước một Chiến khu Đ kiên cường bất khuất, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã phải khiếp sợ thú nhận “Chiến khu Đ còn Sài Gòn mất”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vị trí chiến lược và ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân ta ở Chiến khu Đ, nơi chỉ cách Sài Gòn, một thời là thủ đô của ngụy quyền tay sai 30km theo đường chim bay. Chiến khu Đ, nơi một thời hội tụ những người con đất Việt chung một tấm lòng chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng non sông đất nước, nơi xuất phát những chiến công tiêu biểu của quân và dân Miền Đông để làm nên truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”: La Ngà, cầu Bà Kiên, chiến dịch Bến Cát, Phước Thành, Tua Hai, sân bay Biên Hòa, Bình Giã, Đồng Xoài, Lộc Linh, Phước Long, Xuân Lộc và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” mãi khắc ghi trong tâm hồn mỗi người con đât Việt. Chúng tôi xin giới thiệu quý bạn đọc tác phẩm “Huyền thoại chiến khu Đ anh hùng”. Nội dung sách gồm 4 phần chính:

Phần I: Giới thiệu chung về Chiến khu Đ.

Phần II: Tập hợp những bài viết của các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ viết về Chiến khu Đ.

Phần III: Tập hợp những bài viết, bài trích hồi ký, ký sự về Chiến khu Đ.

Phần IV: Tuyển chọn những bài thơ về Chiến khu Đ.