Ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...”
Để kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc chùm 3 tác phẩm về Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
1.Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam; người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và dân tộc Việt Nam một “di sản tư tưởng, lý luận vô cùng to lớn và quý giá”; trong đó, tư tưởng của Người về quân sự, quốc phòng là cơ sở nền tảng để xây dựng đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng trong thời kỳ mới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, là người chỉ huy quân đội làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng” xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, nội dung tài liệu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân Việt Nam qua một số bài nói - bài viết của Người và Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân Việt Nam qua một số công trình nghiên cứu, hồi ức của các tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ được trình bày súc tích ở 2 phần đầu; 2 phần cuối tác phẩm nói về Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Quân đội nhân dân Việt Nam qua một số bài nói - bài viết của ông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quân đội nhân Việt Nam qua một số công trình nghiên cứu, hồi ức của các tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ.
Tài liệu được thiết kế và trình bày hiện đại, đẹp mắt với nội dung tiêu biểu chính xác cả về nội dung, bối cảnh, thời gian, không chỉ hướng đến giá trị thống kê, cung cấp tư liệu đầy đủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quân sự, quốc phòng, về quân đội nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng, tài liệu còn là công trình chung của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội, được lựa chọn công phu, đề cập toàn diện, có giá trị khoa học và ý nghĩa sử dụng thiết thực cho nhiều đối tượng. Đặc biệt, sách giúp nhiều cho các chiến sĩ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sinh viên các trường, khoa về khoa học xã hội và nhân văn, trong và ngoài quân đội tham khảo và nghiên cứu.
2. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Qua khói lửa chiến tranh cũng như trong hòa bình các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã xây đắp nên những truyền thống quý báu – truyền thống Bộ đội cụ Hồ, đó là: Trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Truyền thống vẻ vang ấy đã và đang được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ giữ gìn, bảo vệ và phát huy lên tầm cao mới.
Để ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang, những chiến công oanh liệt của quân đội ta, qua đó, khơi dậy niềm tự hào, nâng cao lòng yêu nước, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Chúng tôi xin mời các bạn hãy đến với tác phẩm “Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam 1944 - 1975”, sách gồm 814 trang do nhà xuất bản Quân đội nhân phát hành.
Đến với phần 1 của tác phẩm chúng ta được giới thiệu về thời kỳ hình thành của các lực lượng vũ trang cách mạng từ 1930 đến 1945. Phần này gồm 3 chương nêu những quan điểm quân sự đầu tiên của Đảng, Đội Tự vệ công nông – mầm mống của lực lượng vũ trang cách mạng 1930-1939, các căn cứ du kích, các đội quân đầu tiên chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang, cao trào chống Nhật cứu nước, Lực lượng vũ trang Cách mạng tháng Tám 1945.
Phần 2 giới thiệu đến quý bạn đọc thời kỳ trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thức dân Pháp và can thiệp Mỹ từ 1945 đến 1954, năm chương được trình bày khái quát nhưng rõ nét về Lực lượng vũ trang cách mạng trong những năm đầu của chính quyền nhân dân, kháng chiến toàn quốc, Vệ quốc quân cùng toàn dân đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp đến cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân, chiến dịch Điện Biên Phủ đến kết thúc thắng lợi kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1954.
Phần 3 gồm 6 chương trình bày về thời kỳ trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975. Quân đội Việt Nam ngày càng tiến lên chính quy, hiện đại, phát triển bộ đội ở miền Nam, đánh bại “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và cuối cùng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sách trình bày chi tiết và có nhiều hình ảnh minh họa ở cuối mỗi chương sách giúp bạn đọc dễ theo dõi và tăng thêm phần sinh động. Đây là tài liệu tuyên truyền rất quan trọng, có giá trị thực tiễn to lớn, góp phần giáo dục lòng tự hào dân tộc, củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân ta, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hăng hái tiến lên vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
3. 75 năm dần qua đi, nhưng khi đọc những trang nhật ký “Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua những trang hồi ức” do nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành, bạn đọc sẽ cảm nhận được hơi thở nóng hổi của chiến trường viết cách đây mấy chục năm, thế hệ những người làm nên lịch sử năm nào như gặp lại chính mình những năm tháng gian lao đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc của những người anh hùng thầm lặng.
Trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, sức mạnh Việt Nam là sức mạnh của truyền thống yêu nước, bất khuất, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ trong lửa đạn chiến tranh của những hồi ức trong tác phẩm, đã xuất hiện nhiều tướng lĩnh tài giỏi góp phần làm nên những chiến thắng: Phai Khắt - Nà Ngần, Việt Bắc, Biên Giới, Hòa Bình, Điện Biên Phủ ... trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Bình Giã, Ba Gia, Plây Me, Đường 9 - Khe Sanh, Tết Mậu Thân, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị, trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, Hải Phòng, Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống mỹ.
Trong quyển hồi ký, mỗi trang hồi ức của các tướng lĩnh là thiên tiểu thuyết về cuộc đời một con người, đã phải trải qua biết bao các cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ chống quân xâm lược, phải chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, biết bao chiến công hiển hách của quân và dân cả nước đã đi vào huyền thoại gắn với những tên đất, tên người. Vai trò của những người chỉ huy, tướng lĩnh với sự quyết đoán, mưu lược trong những trận đánh, những chiến dịch có tính chất quyết định làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo ra sự đột biến về chiến lược tiến tới toàn thắng cho cách mạng. Và, mỗi hồi ức ấy cũng là một phần lịch sử có ý nghĩa với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Chủ nhân của những trang hồi ức được trích dẫn trong tác phẩm này là những vị chỉ huy dũng cảm, sáng tạo, mưu lược và quyết đoán. Đó là các Ðại tướng Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Quyết, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái…; các Thượng tướng Trần Văn Trà, Song Hào, Hoàng Minh Thảo, Ðặng Vũ Hiệp…; các Trung tướng Ðồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ðệ; các Thiếu tướng Nguyễn Thị Ðịnh, Võ Bẩm…. Thông qua những hồi ức, bạn đọc sẽ còn hiểu rõ thêm về thân thế, sự nghiệp cũng như tâm tư, tình cảm chân thật và sống động của các tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ôn lại lịch sử của dân tộc thông qua những tác phẩm được giới thiệu, chúng ta càng thêm tự hào dân tộc, tự hào về một quá khứ hào hùng mà ông cha ta đã đổ bao xương máu mới giành lại được, đem tự do hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam. Vì thế mỗi người trẻ tuổi chúng ta hãy tưởng nhớ về những chiến sĩ cách mạng đã hi sinh quên mình xả thân vì nước, tôn vinh ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, ra sức phấn đấu học tập, trở thành một người con ưu tú góp phần giữ gìn đất nước trong thời bình và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Phan Hương