Bỏ qua nội dung chính

Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam > Bài đăng > VỊ ĐẠI TƯỚNG ''NHÂN DÂN'' TUỔI DẦN
VỊ ĐẠI TƯỚNG ''NHÂN DÂN'' TUỔI DẦN

 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 - tuổi Giáp Dần. Thuở nhỏ rất chăm chỉ học hành, năm 14 tuổi thân phụ sớm qua đời, ông đi làm tá điền kiếm sống và nuôi gia đình.

Sớm giác ngộ Cách mạng, năm 1934, ông đã tham gia trong phong trào Mặt trận Bình dân. Đến năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, vừa tròn 23 tuổi ông đã giữ các chức vụ: Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Từ năm 1938 đến năm 1943, Nguyễn Chí Thanh bị thực dân Pháp bắt, trải qua tù đày nhiều lần ở nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột... Đại hội Đảng ở Tân Trào, ông được Bác Hồ đặt tên mới là Nguyễn Chí Thanh và được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.

Cuối năm 1950, Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), được cử vào Bộ Chính trị, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, kể từ buổi ban đầu đến khi giữ những cương vị lãnh đạo cao nhất, lúc nào ông cũng sâu sát, gần gũi với cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ.

Để ổn định, phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp miền Bắc, cuối năm 1960, Nguyễn Chí Thanh được cử giữ chức Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Là người rất giỏi về tổ chức và vận động quần chúng, luôn nhận rõ và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, ông phát huy ý chí cách mạng, tinh thần sáng tạo của quần chúng. Được nhân dân yêu quý, trìu mến gọi là vị “ Đại tướng Nhân dân”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc. Năm 1965, ông vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân giải phóng. Sâu sát thực tế, nắm bắt nhanh nhạy vấn đề, ông phân tích và khái quát rất sâu sắc cục diện cuộc chiến. Qua thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, ông tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động cách mạng. Ông là người đề ra chiến thuật đánh áp sát với phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Từ đó trở thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường.

Lúc sinh thời, vị Đại tướng Nhân dân rất mực yêu quý dân nghèo, trọng dụng nhân tài, mưu trí tuyệt vời, dũng cảm gan dạ. Ngày Nguyễn Chí Thanh mất (6/7/1967), nhà thơ Tố Hữu làm thơ khóc ông: “Sáng trong như ngọc một con người”. Nhiều vị lãnh tụ của Đảng đã viết rằng: “Sau Bác Hồ vĩ đại, ông là một trong những người cộng sản lãnh đạo có đức tài, tâm huyết, khí phách, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ với quần chúng”. Bác Hồ đã tặng Nguyễn Chí Thanh danh hiệu: “Vị tướng du kích”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mãi mãi nêu cao tinh thần yêu nước, thương dân, lòng tự hào của dân tộc. Ông để lại cho đời câu nói bất hủ: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả”.

Để tưởng nhớ Đại tướng, trên quê hương Niêm Phò, khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được xây dựng năm 1990 và xếp hạng di tích quốc gia. Từ năm 1989, trường Đảng tỉnh Thừa Thiên Huế được mang tên vị Đại tướng anh hùng. Và huyện Quảng Điền cũng có 1 ngôi trường PTTH mang tên Nguyễn Chí Thanh.

Mùa xuân đất nước thanh bình, vọng tưởng đến chí khí của Đại tướng - một con người yêu nước, thương dân, lòng thấy ngưỡng vọng, bồi hồi.

(VOV).

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.