
Gia đình Nguyễn Thị Chiên rất nghèo. Hết mồ côi cha rồi đến mẹ, đồng chí phải đi ở cho địa chủ, khổ cực ngay từ nhỏ. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí thoát khỏi cuộc đời đi ở. Được cán bộ cách mạng giáo dục, dìu dắt, Nguyễn Thị Chiên dần dần hiểu biết và tích cực tham gia hoạt động. Đồng chí đã làm công tác phụ nữ, tổ chức du kích, xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, chiến đấu chống giặc bảo vệ xóm làng..., công tác nào cũng nêu cao tinh thần tận tụy, gương mẫu, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 1946, Nguyễn Thị Chiên làm giao thông cho đoàn thể phụ nữ và du kích thôn. Năm 1947, được cử làm tiểu đội trưởng nữ du kích. Năm 1948, làm trung đội phó. Ở cương vị nào đồng chí cũng tích cực làm tốt mọi việc, được chị em rất tín nhiệm. Trong hoàn cảnh thiếu thốn của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã vận động chị em cày ruộng, vỡ hoang cấy lúa, tự túc lương thực và mua sắm trang bị.
Tháng 12 năm 1949, địch âm mưu cướp phá kho lương thực ở các địa phương, Nguyễn Thị Chiên đã chỉ huy đội nữ du kích đánh trả quyết liệt bảo vệ được kho muối.
Tháng 4 năm 1950, địch càn phá, khủng bố ác liệt, cán bộ bị bật hết ra ngoài, một đêm Nguyễn Thị Chiên đang dẫn đường đưa đồng chí bí thư chi bộ về hoạt động thì bị bọn giặc phục kích. Nguyễn Thị Chiên đã ra hiệu để đồng chí cán bộ chạy thoát còn mình thì bị địch bắt. Địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ tra tấn dã man, nhưng đồng chí đã nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù kiên quyết không khai một lời. Sau ba tháng rưỡi, chúng không khai thác được tài liệu gì, buộc phải thả đồng chí. Điều trị vừa hồi sức, đồng chí lại tiếp tục hoạt động.
Tháng 5 năm 1951, đội nữ du kích do đồng chí chỉ huy hoạt động mạnh, phá đường, quấy rối, phá tề... gây nhiều khó khăn cho địch. Một lần xin trên được bảy quả mìn, đồng chí đã chỉ huy chị em gài mìn phục kích giặc, diệt 5 tên, làm bị thương 7 tên, gây phấn khởi, tin tưởng trong toàn đội và được tín nhiệm với nhân dân trong vùng tạm chiếm.
Tháng 7 năm 1951, bọn giặc điên cuồng đánh phá cơ sở cách mạng của ta, lùng bắt cán bộ, đảng viên, đàn áp nhân dân. Tình thế rất gay go, nhưng được cấp ủy chỉ đạo trực tiếp, đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân, xây dựng lại được cơ sở ở 5 thôn, làm chỗ đứng chân cho cách mạng.
Tháng 10 năm 1951, đồng chí chỉ huy đội du kích phối hợp với bộ đội phục kích địch trên đường 39. Khi nổ súng, địch chạy tán loạn, đồng chí đã dũng cảm cùng bộ đội truy kích địch. Riêng đồng chí bắt, trói được 6 tên, bắn bị thương 1 tên, thu 4 súng.
Tháng 12 năm 1951, đội nữ du kích phối hợp với bộ đội phục kích đánh địch chống càn. Lợi dụng địch chủ quan sơ hở, không đề phòng, Nguyễn Thị Chiên đã cùng đồng đội bất ngờ xông ra bắt sống 4 tên, có tên quan Hai chỉ huy đang đi sục vào làng. Khi giặc tiến công vào, đồng chí đã cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu. Riêng đồng chí đã bắn chết 3 tên, bắt sống 4 tên, giật được 1 súng.
Tháng 1 năm 1952, phối họp với bộ đội đánh bốt An Bồi, đồng chí đã dũng cảm cùng đồng đội bò vào cắt hàng rào, đánh bộc phá ném lựu đạn và cùng anh em xông vào bốt bắt sống 6 tên ngoan cố đang lẩn trốn, trong đó có tên đồn trưởng. Trận này đồng chí còn cõng được 6 thương binh ra ngoài an toàn.
Trong mọi mặt công tác, đồng chí đều gương mẫu đi đầu, tích cực học tập, rèn luyện, đoàn kết giúp đỡ chị em trong đội, xây dựng trung đội nữ du kích trưởng thành về mọi mặt.
Nguyễn Thị Chiên đã được tỉnh, huyện, xã khen 8 lần. Trong Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tháng 5 năm 1952, đồng chí được Hồ Chủ tịch tặng khẩu súng ngắn của Người, được Chính phủ và Hồ Chủ tịch tặng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Ngày 19 tháng 5 năm 1952, Nguyễn Thị Chiên được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguyễn Thái An
Hà Tiến Thăng