Phần thưởng được Đảng và Nhà nước trao tặng:
- Huân chương Độc lập hạng Nhất
- Huân chương Quân công hạng Ba
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Năm phong quân hàm cấp tướng:
Thiếu tướng năm 1948, Thượng tướng năm 1959.
Ông có bí danh là Tân Hồng, người dân tộc Nùng, quê xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Năm 1934, ông tham gia xây dựng phong trào cách mạng và chỉ đạo chiến tranh du kích ở Tràng Xá, Võ Nhai, Bắc Sơn. Năm 1936, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 2 năm 1941, ông là Xứ ủy viên Bắc kỳ, tham gia thành lập và chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn (sau đó là Đội Cứu quốc quân 1). Tháng 9 năm 1941, ông là Trung đội trưởng Cứu quốc quân 2. Năm 1944, ông chỉ huy Cứu quốc quân 2 và Chiến khu Hoàng Hoa Thám.
Tháng 8 năm 1945, ông tham gia Ban lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ lâm thời từ cuối tháng 8 năm 1945 đến ngày 2 tháng 3 năm 1946. Sau đó ông được cử là phái viên của chính phủ đi kiểm tra Khu 4.
Năm 1948, ông làm Khu trưởng Khu 4 rồi Chiến khu 1, Bí thư khu ủy. Cùng năm này, ông được phong quân hàm Thiếu tướng cùng với 10 tướng lĩnh khác trong đợt phong hàm đầu tiên.
Từ năm 1949 đến năm 1954, ông làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Từ năm 1954 đến năm 1957, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư quân khu ủy Liên khu Việt Bắc. Từ năm 1957 đến năm 1976, ông làm Chính ủy, Bí thư khu ủy Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Năm 1959, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng và là một trong hai Thượng tướng lúc bấy giờ.
Năm 1976, ông được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.
Thượng tướng Chu Văn Tấn mất năm 1984.
(Sưu tầm)