Bỏ qua nội dung chính

Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam > Bài đăng > ĐẠI TƯỚNG PHẠM VĂN TRÀ
ĐẠI TƯỚNG PHẠM VĂN TRÀ

 

 

1.TIỂU SỬ

              Đại tướng Phạm Văn Trà (sinh ngày 19 tháng 8 năm 1935), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2006, ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông quê ở xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

              Ông nhập ngũ năm 1953. Năm 1973, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh giữ chức vụ Đại tá.

Từ tháng 12 năm 1975 đến năm 1977, ông lần lượt giữ chức Tham mưu trưởng Sư đoàn 4, rồi Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 330, Quân khu 9.

Từ tháng 9 năm 1978, ông về học tại Học viện Quân sự cấp cao. Đến tháng 8 năm 1980, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, tham chiến tại Campuchia. Tháng 3 năm 1983, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận 979.

Từ năm 1985 đến năm 1988, ông giữ chức vụ Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 9. Tháng 6 năm 1988, ông được điều về giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 3.

Từ năm 1989 đến năm 1993, ông giữ chức Tư lệnh Quân khu 3. Đến tháng 12 năm 1993, ông được cử làm Phó Tổng Tham mưu trưởng; từ tháng 12 năm 1995, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng. Đến tháng 12 năm 1997, ông được phân công giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay tướng Đoàn Khuê nghỉ hưu.

Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII (1991-1996).

Ông là ủy viên Bộ Chính trị, Ban chấp Trung ương Đảng khóa VIII (1996-2001) , khóa IX (2001-2006), Đại biểu Quốc hội liên tiếp 3 khóa 9, 10, 11.

Ngày 28 tháng 6 năm 2006 ông được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ông được phong hàm Thượng tướng năm 1999, Đại tướng năm 2003.

2. ĐẠI TƯỚNG PHẠM VĂN TRÀ VÀ “HAI TRẬN TUYẾN”

Đang cùng du kích chống càn, cậu bé Trà chạy về nhà, đau đớn bế ngưòi cha vừa bị địch bắn chết, còn ấm nóng trên tay…

Sinh ngày 19/8/1935 ở làng gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh), Đại tướng Phạm Văn Trà (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) từng có một “tuổi thơ dữ dội”.

Trong một trận càn năm 1952, cha ông bị Tây bắn gãy chân, chú ông bị bắn chết. Một năm sau, trong trận càn tiếp theo, giặc xông vào nhà, cha ông bị gẫy chân không chạy được, bị chúng xả súng bắn chết tại chỗ. Đang cùng du kích chống càn, ông chạy về đau đớn bế người cha còn ấm nóng trên tay, nuốt nước mắt hứa với cha sẽ vào bộ đội, trả thù nhà, nợ nước.

 

Dạn dày trận mạc

Chính vì thế, mới 17 tuổi, lại “thấp bé nhẹ cân”, ông vẫn khai thêm tuổi, bỏ đá vào quần để xin nhập ngũ. Cấp trên ngại, chưa muốn Phạm Văn Trà ra trận nhưng ông mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng xuống đại đội chủ công, chuyên đánh đồn, ông thường xuyên được giao đảm nhiệm vị trí nguy hiểm nhất là ôm bộc phá đánh hàng rào và lô cốt đầu cầu.

Cuối năm 1963, đang học dự khoá tại Trường Quân chính quân khu, Phạm Văn Trà bất ngờ nhận lệnh về Quân khu nhận nhiệm vụ mới: Đi học ở nước ngoài. Cấp trên còn cho ông về tranh thủ vài ngày động viên người vợ mới cưới. Nhưng khi chia tay gia đình lên Hà Nội, cấp trên mới “bật mí” một nhiệm vụ hoàn toàn khác: ở trên quyết định chọn một số anh em có kinh nghiệm để đưa vào Nam chiến đấu, làm hạt nhân đánh Mỹ ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Sau mấy tháng rèn luyện gian khổ, Phạm Văn Trà có mặt trong đội hình hơn 160 người lính tinh nhuệ, hành quân bộ “xẻ dọc Trường Sơn” vào miền Tây Nam bộ. Từ đây, ông đã có 12 năm là bộ đội của Trung đoàn 1 U Minh, bám trụ chiến đấu khắp miền Tây Nam bộ. Tiếp đó, ông lại có gần 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp.

Những năm tháng đánh Mỹ, hình ảnh người chỉ huy Ba Trà gan góc, thông minh với những trận đánh bất ngờ, táo bạo đã làm kẻ thù khiếp sợ mỗi khi nghe danh “Ba Trà”, “bộ đội Ba Trà”. Trung đoàn 1 U Minh - nơi ông gắn bó từ những ngày đầu thành lập và sau là Trung đoàn trưởng nhiều năm - là một trong 2 đơn vị hiếm có của quân đội, được 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bản thân ông cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này vào năm 1976 - điều mà ông cảm thấy bất ngờ vì trước đó, việc lập hồ sơ đề nghị hoàn toàn do đồng đội thực hiện.

Năm 1975, chỉ ít ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông lại lên đường ra vùng biển Phú Quốc, Hòn Ông, Hòn Bà - Tây Nam của Tổ quốc để chỉ huy những trận đánh đập tan tập đoàn Pôn Pốt xâm lược. Mấy năm sau, ông lại cùng đồng đội lăn lộn khắp vùng biên giới An Giang, lúc “tiên phát chế nhân”, lúc đánh những đòn quyết định để hất bọn diệt chủng về bên kia biên giới.

Vị tướng mê làm kinh tế

Lúc ông làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 4 (Quân khu 9) vào cuối năm 1975, sư đoàn được giao nhiệm vụ xây dựng kinh tế, củng cố thế trận phòng thủ ở An Giang, Kiên Giang. Phải đi khai hoang, làm kinh tế giữa chốn sình lầy, rất nhiều anh em hoang mang, chán nản. Hiện tượng vi phạm kỷ luật, nằm ỳ, kêu ca đòi phục viên, chuyển vùng trở thành “đại dịch” trong sư đoàn.

Ông nhớ lại: “Nhiều anh em quê miền Bắc sau bao năm chiến trận, cả chục năm biền biệt xa nhà. Hỏi làm sao không nảy sinh tư tưởng?”. Ông bàn với lãnh đạo sư đoàn, tất cả vào cuộc, mỗi người một việc lo cho anh em, cán bộ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bộ đội, động viên anh em hiểu làm kinh tế cũng cần kíp như đánh giặc. Những vướng mắc dần được tháo gỡ, những dòng kênh xả phèn chạy dài hun hút, những cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay đã mọc lên thay cỏ dại lút đầu hôm nào.

Trở về Quân khu 3 công tác, một trong những điểm “đột phá” mà ông tâm huyết là khát vọng “mở mang bờ cõi” qua các dự án lấn biển, làm đường, viết tiếp truyền thống “lưng tựa Cồn Thoi, mắt nhìn biển cả” của người chiến sĩ Quân khu 3.

Từ năm 1989, ông và lãnh đạo Quân khu đã ra nhiều nghị quyết lãnh đạo, đổi mới nhiệm vụ tham gia làm kinh tế, đặc biệt là việc kiện toàn các cơ quan kinh tế theo mô hình tổng công ty, công ty, xí nghiệp thành viên. Nhiều doanh nghiệp của Quân khu như: Công ty may 369, Nicotex, Nhà máy đóng tàu 189, xí nghiệp Bạch Đằng, Chiến Thắng dưới thời “cầm quân” của ông đều vượt khó, làm ăn có lãi.

       Nguyên Minh

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.