Bỏ qua nội dung chính

Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam > Bài đăng > ĐẠI TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG
ĐẠI TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG

 

Tiểu sử

Tướng Văn Tiến Dũng, còn có bí danh là Lê Hoài, sinh ngày 2 tháng 5 năm 1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nhà nghèo, không ruộng đất, mẹ mất sớm, cậu bé họ Văn theo cha ra Hà Nội. Sau khi cha đột ngột qua đời năm cậu 15 tuổi, Văn Tiến Dũng đành phải bỏ học, ở nhà trợ giúp cho anh làm nghề thợ may. 17 tuổi, Văn Tiến Dũng lại ra Hà Nội làm công cho các xưởng dệt Thanh Văn (Hàng Đào), sau chuyển sang xưởng Đức Xương Long, Cự Chung (Hàng Bông).

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11 năm 1937. Từ năm 1939 đến 1944, ông bị thực dân Pháp bắt giam 3 lần, vượt ngục 2 lần. Tháng 11 năm 1939, ông bị Pháp đày đi nhà tù Sơn La. Hai năm sau, trên đường bị địch áp giải từ Sơn La về Hà Nội, Ông đã trốn thoát.

Từ tháng 12 năm 1942 đến tháng 3 năm 1943, ông đã hoạt động dưới danh nghĩa nhà sư tại Chùa Bột Xuyên (nay thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội) Ông từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ năm 1944.

Chính trong thời kỳ này, ông đã làm quen với "cô nương" Nguyễn Thị Kỳ (tên khai sinh là Cái Thị Tám) cùng hoạt động cách mạng và sau đó họ đã trở thành vợ chồng.

Tháng 1 năm 1945, ông bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Tháng 4 năm 1945, ông được cử làm ủy viên Thường vụ ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ (Bộ Tư lệnh Quân sự miền Bắc Đông Dương), được phân công phụ trách tổ chức Chiến khu Quang Trung, kiêm Bí thư Khu ủy Chiến khu Quang Trung. Tháng 8 năm 1945, ông chỉ đạo vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình và Thanh Hoá.   

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được giao nhiệm vụ lập chiến khu II (gồm 8 tỉnh phía tây bắc và tây nam Bắc Bộ), làm Chính ủy Chiến khu, tham gia Quân uỷ Trung ương. Tháng 12 năm 1946, ông là Cục trưỏng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam (nay là Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam), Phó bí thư Quân ủy Trung ương. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông từng là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320.

Từ tháng 11 năm 1953 đến tháng 5 năm 1978, ông giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, chỉ gián đoạn một thời gian ngắn vào năm 1954, khi ông làm Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong ủy Ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Genève.

Ông được giao trọng trách chỉ đạo trực tiếp nhiều chiến dịch lớn: từ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị - Thiên (1972), Chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên (1975). Tháng 4 năm 1975, ông giữ chức Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh).

Từ tháng 5 năm 1978 đến năm 1986, ông được giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư thứ nhất, rồi Bí thư Quân ủy Trung ương. Từ tháng 12 năm 1980 đến 1986, ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Năm 1986, tại Đại hội Đảng bộ toàn quân, ông không được bầu làm Đại biểu Chính thức đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, do đó không vào được Bộ Chính trị và phải rời cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông được phong hàm Thiếu tướng năm 1948, Thượng tướng năm 1959 và Đại tướng năm 1974.

Ông từ trần hồi 17h30" ngày 17/3/2002, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), thọ 85 tuổi.

Bốn kỉ vật của đại tướng Văn Tiến Dũng

Sinh ngày 2/5/1917, ở xã cổ Nhuế (Hà Nội), ngoài cái tên Văn Tiến Dũng, ông còn có bí danh Lê Hoài. Hoạt động cách mạng từ thời còn đang là anh công nhân của Xưởng dệt Hà Nội. Sau này, có lần ông tâm sự:

“Chuyện tôi theo cách mạng cũng là chuyện tình cờ. Thời ấy, Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) sôi nổi lắm, phong trào công nhân đấu tranh đòi tự do, dân chủ càng mạnh, nó cứ hút mình vào...”. Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi vừa tròn 20 tuổi. Nhìn cái vẻ thư sinh của chàng trai gốc Hà Nội, không ai nghĩ, cậu thanh niên Văn Tiến Dũng lại là một người Cộng sản gan lì có tiếng. Trong đời hoạt động của ông, hơn ba lần bị giặc Pháp bắt giam, từng bị chúng kết án tử hình vắng mặt...

Đầu những năm 1990, một số nhân viên Bảo tàng Quân đội đến nhà ông xin số ảnh ông chụp chung với Bác Hồ để trưng bày. Gạ mãi, ông dẫn chúng tôi đi thăm phòng lưu giữ những kỷ vật suốt thời kỳ hoạt động cách mạng: từ những kỷ vật thời kỳ ông làm ủy viên Thường vụ ủy Ban Quân sự Cách mạng Bắc kỳ (Bộ Tư lệnh Quân sự miền Bắc Đông Dương), thời kỳ chỉ đạo vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa tháng 8/1945... đến những kỷ vật của thời kỳ ông là Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Phó bí thư Quân ủy Trung ương. Và nhất là những kỷ vật thời kỳ đầu năm 1948, khi ông được phong quân hàm thiếu tướng, lúc mới 31 tuổi.

Mỗi kỷ vật của ông, đều gắn với một câu chuyện đời thường nhưng đầy ý nghĩa. Chỉ tay vào hai chiếc nồi, ông kể: “Cuối năm 1974, đầu năm 1975, ăn tết xong, tôi trực tiếp đi thị sát chiến trường Tây Nguyên, để chuẩn bị cho chuyến đi, người cần vụ mang theo hai chiếc xoong (một xoong có cán, một không). Vào đến Quảng Bình thì ngưòi dân tặng tôi một con gà mái làm thịt, chú cần vụ định giết thịt luôn, nhưng tôi bảo “Chú đừng thịt mà cứ mang theo”. Chú cần vụ cho gà vào lồng xách. Trên đường vào chiến trường, lúc đi xe, khi đi bộ. Dừng chân ở đâu thì cần vụ lại cho gà ăn, để nó đẻ trứng. Trong khẩu phần ăn chiến trường hồi đó, dù mình Đại tướng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng cũng chỉ toàn lương khô và thịt hộp. Nên gà đẻ trứng nào thì cần vụ lại hấp trứng với cơm, coi như đó là một bữa ăn tươi”. Con gà mái đẻ ấy là nguồn sản sinh trứng bồi dưỡng cho Đại tướng trong suốt chiến dịch Tây Nguyên.

“Tướng mũ mềm”

Những người ở gần ông thường thấy tướng Dũng gắn bó rất chặt chẽ với chiếc mũ lưỡi trai mềm: kể cả khi đi họp, lúc ở chiến trường... thì ông đều đội. Bởi thế, có người vẫn thân thiện gọi ông là “Tướng mũ mềm”. Khi ông đã nghỉ, nhân viên bảo tàng đến hỏi xin chiếc mũ mềm mà ông vẫn thường đội về trưng bày, ông bảo “đó là vật bất li thân, làm sao cho được”.

Rồi ông kể: “Năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, ông đi thăm các đơn vị bộ đội pháo cao xạ ở Khu 4. Nắng Khu 4 chảy bỏng, nhưng bộ đội trực chiến phải ngồi trên mâm pháo, dưới cát nóng, trên trời nắng cháy nhưng chiến sĩ lại phải đội trên đầu mũ sắt. Hỏi “anh em đội mũ sắt có nóng không?”, anh em bảo cũng nóng, lại hỏi “thế có chịu được không?”, trả lời “chịu được!”. Sau chuyến đi ấy, hình ảnh những người lính pháo binh phải đứng giữa trời chống chọi với cái nóng cứ ám ảnh ông mãi. “Tôi cứ day dứt, phải nghĩ ra cái gì đó bọc chiếc mũ sắt cho anh em đỡ nóng”, ông tâm sự. Ông liên tưởng đến chiếc mũ mềm, có lưỡi trai cứng bên ngoài của quân đội Pháp. Rồi quân đội của một số nước cũng có chiếc mũ lưỡi trai kiểu như vậy. Nghĩ vậy, ông gọi Cục quân trang lên hỏi: “Các anh xem có thể cải tiến được cái mũ không?”, rồi ông gợi ý những kiểu mũ có lưỡi trai của quân đội các nước. Cục quân trang về may một chiếc mũ cho ông đội thử, ông khen: “Thế này là tốt, chỉ cần chỉnh sửa chút ít và gắn sao vàng phía trước là đẹp”. Đội bình thường cái lưỡi trai có thể che nắng phía trước đỡ chói mắt, còn khi cần chỉ cần quay lưỡi trai ra phía sau thì sẽ che nắng được sau gáỵ. Từ đó, khắp các chiến dịch Tây Nguyên, Hồ Chí Minh, đi đâu ông cũng đội mũ mềm. Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam 1966- 1967, chiếc mũ mềm bắt đầu được sản xuất hàng loạt cho bộ đội. Chiếc mũ  được giữ trong quân đội đến năm 1992, thì được thay bằng mũ kêpi.

Và đôi giày vạn dặm

Chị Trần Thanh Hằng, nhân viên Bảo tàng Quân đội kể rằng, trong một lần đến xin Tướng Dũng những đôi giày mà ông đã đi trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh về làm vật trưng bày, mới nghe được câu chuyện khá thú vị: trong suốt những chiến dịch ấy, Đại tướng chỉ sử dụng đúng một đôi giày, do chính ông đặt một người thợ ở Hà Nội đóng. Hỏi vì sao? Ông nói: “Vì kiểu chân tôi hơi khác loại, nên không đi được giày theo cỡ chung mà phải đặt đóng”. Cũng chính thế, ông rất quý đôi giày đó. Trong suốt các chiến dịch mà ông trực tiếp chỉ huy, đôi giày đã được ông thay đế đến 5 lần. Cứ mòn đế ông lại đóng lại. “Chúng tôi phải năn nỉ mãi, Đại tướng mới “rút ruột” mang đôi giày tặng bảo tàng”, chị Hằng nói.

Trước khi mất, tướng Dũng còn tự tay mang tặng Bảo tàng Quân đội khẩu súng ngắn K59, do Liên Xô viện trợ giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, được Bộ Tổng tham mưu trang bị khi ông làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khẩu súng ấy được ông dùng từ năm 1970 để tự vệ trên đường đi công tác tại các chiến trường. Ông bảo: “Tuy khẩu súng được ông mang theo trong suốt các chiến dịch, nhưng chưa khi nào ông phải dùng nó”. Một lần, nhân ngày 30-4, ông đến Bảo tàng mang theo bộ quân phục, còn nguyên cả quân hàm Đại tướng tặng Bảo tàng. Sau đó một năm thì ông mất...

Bá Kiên - Trần Đương

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.