Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Chào Mừng ĐHĐB Đảng Bộ Đồng Nai Lần Thứ X Thứ Sáu, 21/08/2015, 08:00

ĐẢNG BỘ HUYỆN TÂN PHÚ TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN TRƯỜNG KỲ

Tân Phú là huyện miền núi nằm ở phía bắc tỉnh Đồng Nai. Địa lý hành chính của huyện có nhiều thay đổi theo biến thiên của lịch sử. Năm 1976, huyện Tân Phú được thành lập trên cơ sở của tỉnh Tân Phú do chính quyền cách mạng thành lập vào tháng 10 năm 1973. Lúc bấy giờ, huyện Tân Phú gồm ba huyện: Tân Phú, Phú Giáo và Tân Uyên ( hai huyện này sau năm 1975 được cắt chuyển về tỉnh Sông Bé – nay là Bình Dương). Huyện Tân Phú tồn tại cho đến tháng 1 năm 1991 thì tách thành hai huyện: Tân Phú và Định Quán. Từ năm 1945 đến 1951, Tân Phú thuộc huyện Xuân Lộc của tỉnh Biên Hòa, năm 1951 Tân Phú thuộc huyện Xuân Lộc của tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp Tân Phú thuộc quận Xuân Lộc. Trong thời kỳ chống Mỹ, Tân Phú lần lượt trực thuộc các tỉnh: Biên Hòa, Thủ Biên, Long Khánh, Bà Biên, Long Bà Biên (Long Khánh, Bà Rịa, Biên Hòa sáp nhập lại). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây là căn cứ địa của cách mạng, là một bộ phận của chiến khu Đ kiên cường và anh dũng. Nhân dân Tân Phú, đặc biệt đồng bào các dân tộc Châu Ro, Stiêng, Châu Mạ từ ngày có Đảng gieo mầm cách mạng đã một lòng một dạ theo đường lối của Đảng. Cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số, công nhân cao su ở Tân Phú cũng là một lực lượng nòng cốt của cách mạng.

            Trước cách mạng tháng tám 1945, thực dân tư bản Pháp không chỉ quan tâm đến việc khai thác rừng và cao su ở Tân Phú. Sau nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940), thực dân Pháp đã xây dựng khu rừng núi Tà Lài thành một nhà tù lớn (căng Tà Lài) để giam cầm những Đảng viên cộng sản, người yêu nước. Tháng 3 năm 1941, đồng bào dân tộc Châu Ro ở Tà Lài đã giúp đỡ, tạo điều kiện phương tiện giúp các đồng chí Trần Văn Giàu, Tô Ký… vượt ngục Tà Lài trở về sài gòn hoạt động xây dựng cơ sở, khôi phục phong trào cách mạng chuẩn bị cho cách mạng tháng tám thành công.

            Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), huyện Tân Phú dân còn thưa, rừng dày đặc. Nhưng chính nơi đây, nhân dân chủ yếu là đồng bào dân tộc gắn bó với địa phương từ bao đời, là công nhân cao su bị bóc lột thậm tệ dưới chế độ thực dân, đã nhất tề đứng lên chống giặc “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ huyện Tân Phú, đầu năm 1946 trên khắp địa bàn Tân Phú, các tổ chức chính quyền, mặt trận và đoàn thể cứu quốc ấp xã đã được xây dựng. Quần chúng được chuẩn bị một bước quan trọng để quyết tâm kháng chiến. Đội ngũ tự vệ chiến đấu ra đời, mặc dù còn non yếu nhưng nhanh chóng trở thành một lực lượng vũ trang đáng kể. Vừa làm nhiệm vụ tuần tra canh gác giữ gìn an ninh trật tự và trấn áp bọn phản động, các đội viên khẩn trương luyện tập quân sự, tự tìm và trang bị vũ khí, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu sắp tới. Nhân dân Tân Phú vừa ra sức xây dựng căn cứ, ủng hộ đóng góp nuôi quân, làm trinh sát giao liên, giúp lực lượng kháng chiến vượt qua khó khăn, giành nhiều thắng lợi. Bước sang năm 1947, cuộc chiến đã lan rộng ra toàn quốc. Tại Xuân Lộc tháng 3-1947, hội nghị dân quân chính họp quyết nghị tiếp tục xây dựng lực lượng, đặc biệt chú trọng các đồn điền cao su và các dân tộc thiểu số. Tổ chức Đảng được xây dựng có hệ thống từ huyện tới các xã và đơn vị vũ trang. Thắng lợi của hai trận đánh bót cầu La Ngà cuối năm 1947 đã khắc ghi một dấu son sáng chói trong truyền thống đánh giặc của quân và dân Tân Phú trong những năm đầu kháng chiến. Thắng lợi của trận La Ngà (1-3-1948) là niềm tự hào to lớn của quân dân, và Đảng viên địa phương Tân Phú, ở đó họ đã góp mồ hôi, xương máu và công sức cho trận đánh đã diễn ra và thắng lợi ngay trên mảnh đất quê hương. Thắng lợi đó đã tạo nên một luồng sinh khí mới, cổ vũ phong trào kháng chiến ở địa phương trong chặng đường còn đầy rẫy những khó khăn sau đó. Hơn thế nữa, thắng lợi đó đã thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Tân Phú là đúng đắn, kịp thời, nhạy bén trong mọi tình huống.

             Trong hai năm 1949-1950, trong điều kiện bị địch ráo riết đánh phá và bao vây kinh tế ngặt nghèo, nhân dân và lực lượng vũ trang Tân Phú vẫn vững tin ở sự lãnh đạo của Đảng, từng bước củng cố xây dựng các tổ chức kháng chiến, đấu tranh chống càn quét khủng bố và bao vây kinh tế, xây dựng nền kinh tế kháng chiến tại địa phương, góp phần giữ vũng thế giằng co chung trong chiến trường toàn tỉnh. Năm 1951, thực dân Pháp đẩy mạnh chủ trương 3 điểm phối hợp tiến công bằng cả kinh tế, chính trị, quân sự nhằm đánh vào lực lượng du kích và chiến lược du kích của ta, cướp vét nhân tài vật lực “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” “dùng người Việt hại người Việt”. Cũng từ năm 1951, chiến khu Đ được xây dựng thành căn cứ của Nam Bộ. Bước sang năm 1953, thắng lợi liên tiếp của ta trên chiến trường Bắc bộ, Thượng Lào, Trung và Nam bộ. Ngày 6-3-1951, hội nghị ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thủ Biên đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh du kích chiến tranh, đẩy mạnh công tác địch ngụy vận và mở rộng vùng giải phóng. Ngày 20-7-1954, hiệp định Giơnevơ kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Trong suốt chặng hành trình 9 năm ròng rã, hàng trăm quân dân Tân Phú đã ngã xuống mãi mãi.

            Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tân Phú với thế rừng núi hiểm trở, với đồng bào dân tộc trung thành, một lòng một dạ cùng cách mạng, đã trở thành căn cứ bảo tồn lực lượng, nơi hình thành lại lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Đông Nam Bộ. Hai năm đầu chống Mỹ-Diệm, trước nhiệm vụ mới mẻ và nặng nề, trong điều kiện kẻ thù chưa đủ mạnh ở vùng nông thôn, đồn điền cao su và vùng giải phóng của ta, các chi bộ Đảng và nhân dân Tân Phú đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, bố trí lại lực lượng giữ gìn thế và lực lượng cách mạng, từng bước phát triển cuộc đấu tranh chính trị trong khuôn khổ quy định của hiệp định Giơnevơ đồng thời tạo ra những tiền đề cho cuộc đấu tranh mới.

             1954-1960 là giai đoạn lịch sử đặc biệt đánh dấu một chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của nhân dân Tân Phú. Phong trào cách mạng chịu những tổn thất nặng nề. Tuy vậy, đây cũng là giai đoạn lịch sử đánh dấu những nỗ lực to lớn của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Tân Phú trong chặng đường xây dựng lực lượng mọi mặt góp phần vào cuộc đấu tranh chung trên địa bàn tỉnh, đặc biệt góp phần vào quá trình xây dựng và bảo vệ các cơ quan lãnh đạo và lực lượng vũ trang trong buổi đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trong kháng chiến chống Mỹ, địch tổ chức tại Tân Phú 2 chi khu, 1 yếu khu quân sự cùng một bộ máy tề ngụy, cảnh sát, bình định… tương đối mạnh kết hợp với nhiều thủ đoạn chiến thuật đánh phá phong trào, ngăn chặn và tìm diệt lực lượng trên hướng phía đông Sài Gòn. Ngày 16-4-1975, toàn bộ chi khu, yếu khu, đồn, bót, các chốt quân sự của địch ở Tân Phú gồm 3.600 tên địch cùng toàn bộ tề, xã, ấp ở địa phương bị quét sạch. Tân Phú hoàn toàn được giải phóng.

             Tinh thần yêu nước và đoàn kết nhất trí là tư tưởng chi phối toàn bộ hành động của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân Tân Phú trong suốt hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ này. Trong chiến đấu, Đảng Bộ Tân Phú luôn nêu cao ý chí cách mạng, tính tổ chức kỷ luật, quan điểm vận động quần chúng của ta, là hạt nhân tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong huyện vì mục tiêu cao. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng Bộ và quân dân Tân Phú không chỉ chia nhau bát gạo, củ khoai mà cả sự hi sinh và mất mát. Tất cả nói lên tinh thần đoàn kết, sự thống nhất về ý chí và hành động của toàn Đảng Bộ, toàn quân, toàn dân Tân Phú, tạo nên sức mạnh tổng hợp biến lực lượng cách mạng từ ít thành nhiều, từ yếu thành mạnh, để cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn.

 

 

                                                                                                                                    Nguyễn Thị Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1748 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày