Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 14/02/2020, 10:20

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Cố Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm (13/2/1910-13/2/2020)

NGƯỜI BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO GIAI ĐOẠN ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Trong chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam, đặc biệt là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dưới ngọn cờ lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam,mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta không thể quên được sự đóng góp của các bậc tiền nhân, những anh hùng, những người con của Đảng đã ngã xuống cho sự nghiệp thắng lợi hôm nay. Năm nay nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam 3/2/1930-3/2/2020 và cũng là kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Cố Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm, xin được nhắc lại chiến công cũng như tiểu sử cuộc đời sự nghiệp của một nhà cách mạng tiền bối trong một giai đoạn đầu của Cách mạng Việt Nam – Cố Bộ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm.

 

Vài nét tiểu sử

Ung Văn Khiêm (còn có tên là Nhường, Huân) sinh ngày 13/2/1910 tại làng Tấn Đức, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Sinh ra từ một gia đình có truyền thống. Cha của ông Ung Văn Khiêm đã từng tham gia nghĩa quân Trương Định chống Pháp. Tháng 8/1964, Trương Định tuẫn tiết, cuộc khởi nghĩa Trương Định thất bại và bị đàn áp. Có lẻ vì lánh nạn, tránh sự đàn áp của thực dân Pháp, ông Ung Văn Tre, ông nội của Ung Văn Khiêm, phải rời bỏ quê hương Cái Bè, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), đến sinh sống, lập nghiệp ở làng Tấn Đức, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, góp công khai phá vùng đất, được dân làng kính trọng, gọi ông là Chủ Tre.

Cha của Ung Văn Khiêm là Ung Văn Quản (1883 - 1923), có học thức rộng, hiểu sâu, ưu thời, mẫn thế, được dân làng kính mến. Nhờ có chữ nghĩa, ông Quản được tiến cử giữ chức Hương bộ trong Hương chức hội tề làng, nên được gọi là Hương bộ Quản. Tuy nhiên, bất bình trước sự bóc lột, hà khắc, ức hiếp dân của hội tề làng, ông đã nhân danh chức Hương bộ để chỉ trích nhiều người trong ban hội tề. Chúng ỷ đông, thách thức ông. Hương bộ Quản buồn bực, bế tắc bỏ cơm, uống rượu suông rồi chết sớm, khi vừa 41 tuổi.

Còn mẹ của Ung Văn Khiêm, theo lời kể của nhà văn Nguyên Hùng, là người phụ nữ rất mực đảm đang, bất khuất và chung thủy. Chồng mất khi Bà vừa 38 tuổi, Bà đã chung thủy thờ chồng và nuôi 5 người con, quyết chí cho con học hành. Và khi hiểu được sự  lựa chọn con đường cách mạng của Ung Văn Khiêm, Bà đã ủng hội con và âm thầm chịu đựng, hy sinh.

Sau hàng chục năm ra đi sang phương Tây để tìm kiếm con đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường và bắt đầu truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam bằng các tờ báo Le Paria, Việt Nam Hồn, tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Tháng 12/1924, Nguyễn Ái Quốc về hoạt động tại Quảng Châu - Trung Quốc. Tháng 6/1925, Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã ra đời tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tất cả những điều đó đã làm lay động trái tim và khối óc, giác ngộ lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản trong một bộ phận thanh niên trẻ, chủ yếu là học sinh trung học và trí thức trẻ, trong đó có Ung Văn Khiêm. Với những người trẻ tuổi, đầy hăng hái và nhiệt huyết, chỉ trong 5 năm, Hội Thanh niên đã phát triển mạnh mẽ, khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, rồi lột xác để trở thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.

Đầu năm 1929, Ung Văn Khiêm được kỳ bộ đưa đi dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc). Cùng lớp đó về nước có Ngô Gia Tự, Lý Tự Trọng. Ung Văn Khiêm được phân công trở về Cần Thơ tiếp tục hoạt động. Tháng 8/1929, đồng chí tham gia thành lập An Nam Cộng sản Đảng và được chỉ định làm Bí thư Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng toàn miền Hậu Giang gồm 9 tỉnh (1929 - 1930).

Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương (Từ cuối 5/1930), thay Ngô Gia Tự bị bắt. Lúc đó, Ung Văn Khiêm vừa tròn 20 tuổi.

- Bị thực dân Pháp bắt và bị tù ở Khám lớn Sài Gòn và Côn Đảo (1931 - 1936).

- Hoạt động công khai, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Chợ Mới, Long Xuyên (1936 - 1939).

- Bị bắt giam tại Long Xuyên (1939 - 1941); Sau 18 tháng bị giam tại Long Xuyên, Pháp định đưa Ung Văn Khiêm lên giam ở Tà Lài, lợi dụng sự sơ hở của chúng, Khiêm vượt thoát.

- Từ năm 1941 - 1945: Rút vào hoạt động bí mật, khôi phục tổ chức, tái lập Xứ ủy. Được triệu tập dự Hội nghị Quốc dân tại Tân Trào.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Ung Văn Khiêm được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách, như:

+ Xứ ủy viên, rồi Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ; Ủy viên Nội vụ Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Nam Bộ; Đại biểu Quốc hội (tỉnh An Giang) khóa I.

+ Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (Từ 2/1951); Ủy viên Trung ương Cục miền Nam (Từ 6/1951); được tăng cường là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến tỉnh Bạc Liêu (1951 - 1953).

+ Tập kết ra Bắc, Ung Văn Khiêm là Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban đối ngoại Trung ương (Từ 1955); Ủy viên Trung ương Đảng khóa III; Đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III.

+ Tháng 2/1961: Là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

+ Tháng 4/1963: Là Bộ trường Bộ Nội vụ đến năm 1967.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Ung Văn Khiêm trở về miền Nam, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày 20/3/1991, sau nhiều năm bệnh tật, Ung Văn Khiêm từ trần, thọ 81 tuổi.

 

Những bài học rút ra từ cuộc đời hoạt động của Ung Văn Khiêm:

Cuộc đời 40 năm hoạt động cách mạng liên tục của Nhà Cách mạng tiền bối Ung Văn Khiêm để lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Bài học thứ nhất là tinh thần kiên định, tấm lòng trung kiên đối với sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng. Giác ngộ cách mạng rất sớm, khi cách mạng còn trong giai đoạn cứu nước, con đường cách mạng sẽ rất lâu dài, gian khổ, khó khăn, có thể trải qua tù đày, mất mạng. Song Ung Văn Khiêm vẫn vững tin, kiên định, không lùi bước, kể cả những năm bị tù đày ở Côn Đảo. Dù bị đối xử thế nào, Ông vẫn ung dung, “tinh thần yêu nước, yêu Đảng luôn ở trong anh”.

Bài học thứ hai là tinh thần ham học và ý chí tự học của Ông. Giác ngộ cách mạng rất sớm, khi còn là học sinh phổ thông, rồi bị đuổi học, không còn cơ hội học tập trường lớp sau khi có những hành động phản kháng. Lúc đầu, Ung Văn Khiêm đã thể hiện tinh thần ham học và ý chí tự học bằng cách ở lại Cần Thơ, mượn bài vở của bạn chép lại và hoàn toàn tự học để thi lấy văn bằng Cao đẳng tiểu học, rồi bằng Tú tài. Song công tác cách mạng không cho phép Ông tự học tập như vậy. Ung Văn Khiêm phải học tập trong trường đời, trong thực tiễn hoạt động cách mạng cực kỳ khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, học mọi lúc, mọi nơi. Điều đó chứng tỏ Ung Văn Khiêm phải luôn ham học, có ý chí tự học mạnh mẽ và một sức học phi thường. Đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao, nơi mà Ông giữ trọng trách lâu nhất (hơn 8 năm), Bộ Ngoại giao đã đánh giá: Ông “là nhà ngoại giao xuất sắc”, “Bộ trưởng Ung Văn Khiêm đã có những đóng góp nổi bật vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Ngành trong những năm đầu thập kỷ 1960…”.

Chúng ta những lớp người đi sau nối gót theo thế hệ cha anh, xin bày tỏ lòng thành kính, khâm phục cả đức độ, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ và tấm lòng đối với Nhà Cách mạng lão thành Ung Văn Khiêm, người đảng viên Cộng sản đầu tiên của tỉnh An Giang, Nhà lãnh đạo tiền bối, trung kiên./.

 

Hồng Hạnh

 

 

 


Số lượt người xem: 807 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày