Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 20/04/2021, 13:40

Giỗ tổ Hùng Vương ''Một trong những Lễ hội truyền thống của Việt Nam''

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, những người có công lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ nhân dân, chống ngoại xâm đều được nhân dân ta nhớ ơn. Một trong những ngày lễ kỷ niệm mà mọi người dân yêu nước từ Nam chí Bắc đều biết và đã có từ ngàn xưa đến nay đó là ngày Giỗ Tổ Hùng vương. Trong nhiều truyền thống tốt đẹp, dân tộc Việt Nam ta luôn luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng đó là tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.

Ngày nay, nhân dân ta nô nức, vui mừng kéo đến dự lễ hội ở đền thờ Vua Hùng, Thần Tản Viên, Thánh Gióng... không chỉ để chiêm ngưỡng hình bóng trong các truyền thuyết xa xưa, mà là đến với một giá trị văn hóa mang vẻ đẹp và sức mạnh trường tồn bằng tấm lòng thành kính và ý thức tri ân, tự hào về tổ tiên mình.

Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương, là một lễ hội truyền thống mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc và đây cũng chính là dịp để mọi người giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm, mỹ tục và khát vọng cao đẹp; và còn là cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, củng cố tinh thần cố kết cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước và tự hào về gốc rễ của mình.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

          Giỗ Tổ Hùng Vương - từ rất lâu đã trở thành ngày trọng đại của cả dân tộc; đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Cội nguồn - xã Hy Cương - Lâm Thao - Phú Thọ. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

         Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

         Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù ở muôn nơi, ở mọi nẻo đường vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng: Đền Hùng, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cử hành vào ngày mồng mười tháng ba.

             Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim. Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, và có một đặc thù riêng là: Phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc.

Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Kháng chiến thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ (7-5-1954), ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975: Sau 30 năm gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang sơn thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

 Trải qua mấy nghìn năm, trước bao nhiêu những biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc. Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà tìm vào những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển từng đến thăm viếng Đền Hùng.

Chính vì vậy mà lễ hội truyền thống bao giờ cũng có sức thu hút, mời gọi kỳ lạ đối với nhiều người và mọi lứa tuổi khác nhau:

Bà ẳm cháu, mẹ bồng con

Không đi hội Trám cũng buồn cả năm

Người đến với lễ hội là đến chốn linh thiêng cao cả, với tâm thức chân thành và thanh thản, với khát vọng, ước mong tốt lành và cả niềm tin rằng trong không khí của “thời điểm mạnh” náo nức âm thanh trầm hùng của tiếng trống và khói hương trầm, thần thánh, tổ tiên cũng có mặt trong ngày vui lớn cùng con cháu và người âm phù hộ cho người dương thế trong những ngày tới.

            Cái không gian trầm lặng và tôn nghiêm của ngôi đình mái cong, ngôi chùa rêu phong, hay ngôi đến cổ kính dưới những tàn cổ thụ, bỗng sáng lên, tưng bừng, rộn rịp bởi những sắc màu của cờ, hoa, quạt, kiệu, tàn, lọng, và đồ khí thứ khác, bởi những âm thanh của các loạt nhạc khí; bởi những nhịp điệu uyển chuyển mềm mại của đội múa rồng, múa lân….Nhưng cái yếu tố làm nên sự sống động của lễ hội chính là sự hiện diện của hàng ngàn, hàng vạn con cháu từ các nơi cùng về hội tụ. Cái không gian lộng lẫy và uy nghi ở diễn trường đã tạo nên chất hoành tráng và thiêng liêng của lễ hội, có sức khơi dậy cái thiện và cái mỹ trong tâm thức của mỗi con người, thôi thúc họ vươn tới ý tưởng sống cao đẹp, giàu ý nghĩa hơn.

Hội đền vui lắm ai ơi,

Kẻ thời giỗ Tổ, người thời đu tiên.

Tổ tôm đánh ở bên trên,

Có người bên dưới, đôi bên sum vầy.

Lại thêm phường rối leo dây,

Múa dao, tung quả có hay chăng là.

Lại thêm có đám xướng ca,

Để cho trai gái gần xa vui vầy…

Hội đền Hùng hay giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội truyền thống của dân tộc, là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng, nhắc nhở mọi người dân Việt Nam cùng nhau chung sức xây dựng đất nước ngày một phồn vinh.

Thông qua Lễ hội Giỗ Tổ Hùng vương, các thế hệ con cháu có thể hiểu được một cách tường tận về cuộc sống của tổ tiên ta từ bao đời nay để từ đó tạo thêm niềm tự hào và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nhằm biết ơn các bậc tiền nhân, phát huy sức mạnh đoàn kết từ cội nguồn, sức mạnh của lòng yêu nước, ra sức thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh./.

 

Mai Mai

 

 

 

 


Số lượt người xem: 300 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày