Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 01/07/2021, 08:30

Kỷ niệm 905 năm: năm sinh vua Lý Thần Tông (1116 - 2021) nhìn lại tư tưởng nhân văn quân sự của ông

Lý Thần Tông, tên thật là Lý Dương Hoán, sinh tháng 6 năm 1116. Ông là cháu vua Lý Thánh Tông. Lịch sử ghi chép rằng, vua Lý Nhân Tông đã nhiều tuổi nhưng chưa có con trai nên đã chọn các con của tông thất để nối dõi. Sau đó lập con của em trai là Sùng Hiền Hầu Dương Hoán lên làm Thái tử, kế vị Hoàng đế là vua Lý Thần Tông. Năm 1127, vua Lý Nhân Tông băng hà, Lý Dương Hoán lên làm vua khi mới 12 tuổi, lấy niên hiệu là Đại Thuận (Thiên Thuận). Vua Lý Thần Tông khuyến khích phát triển nông nghiệp, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, cho binh lính đổi phiên, cứ lần lượt 6 tháng một được về làm ruộng, do vậy nhân dân no đủ, an cư lạc nghiệp.

Theo thông lệ khi lên ngôi, các vua đều thưởng quan tước và xóa thuế cho dân chúng là việc làm đầu tiên. Theo đó khi lên ngôi, vua Thần Tông xuống chiếu cho các hương ấp yên nghiệp như cũ, không chứa giặc cướp trốn tránh, kẻ đánh nhau, giếp người, tiến hành đại xá thiên hạ… Những hành động đó nhằm ổn định nội bộ triều chính, thể hiện ân huệ của vua mới đối với nhân dân. Vua Lý Thần Tông có ba người con trai và hai người con gái. Tuy ông ở ngôi chỉ 11 năm, nhưng ông đã kế thừa những di sản tư tưởng nhân văn quân sự quý báu của các vị vua tiền bối, thực hiện nhiều hoạt động mang tính nhân văn tiến bộ. Trong thời gian làm vua, Lý Thần Tông được nhiều quan lại trong triều giúp đỡ như Lê Bá Ngọc, Lưu Khánh Đàm. Các nước láng giềng đều có quan hệ tốt. Ông cũng rất tin đạo phật, Lý Thần Tông thể hiện sự quan tâm bằng việc mở rộng xây chùa, tô tượng, khánh thành bảo tháp được tiến hành thường xuyên. Đối với dòng thiền Tì ni đa lưu chi, Lý Thần Tông có thái độ rất coi trọng. Hầu hết những cố vấn của vua đều thuộc dòng tu này. Sự tham gia, cố vấn cho Lý Thần Tông của các nhà sư, một mặt phản ánh xu hướng nhập thế tích cực của Phật giáo, mặt khác cũng phản ánh vị trí xã hội của bộ phận tăng lữ trong đời sống xã hội thời bấy giờ.

Bản thân ông là người có tư cách đứng đắn, giữ gìn kỷ cương.Trong thời gian trị vì, ông luôn có tư tưởng chăm lo ổn định triều chính, an lòng dân, bảo vệ độc lập, tự chủ của dân tộc. Ngay khi lên ngôi vua, Lý Thần Tông sớm nhận thức những nguy cơ xảy ra trong nội tình đất nước, đe dọa đến sự ổn định phát triển của Vương triều: sự ghen ghét, đố kỵ, tranh giành quyền lực, nhất là sự cạnh tranh giữa các thế lực trong hoàng gia. Để ngăn trừ mối đe dọa, giữ vững ngôi vị, Lý Thần Tông cùng các bậc quan đã ban hành và thực thi nhiều chính sách an tộc, an dân, nhất là chính sách phong thưởng, phong chức, phong hàm, ân xá tội phạm, đề cao phật giáo. Việc phong thưởng rộng rãi cho các quan lại thân tín cùng người trong gia đình là một việc làm có tính chất phổ biến của các tân vương nhằm bảo vệ lợi ích cho những người có công phò tá, đồng thời hạn chế việc tranh quyền đoạt lợi giữa các thế lực trong triều đình, củng cố ngôi vị. Để ghi nhận sự trung thành của quan lại, đảm bảo không xảy ra các âm mưu cướp ngôi hoặc nổi dậy chống đối, ngay trong lễ lên ngôi, vua Thần Tông đã dụ bảo quan lại nên “bền mãi một lòng, giúp đỡ nhà vua, không những không phụ lòng tiên đế chú ý trông mong mà còn để con cháu các khanh đời đời hưởng lộc vị”. Lý Thần Tông đã khéo léo ràng buộc lòng trung thành của quan lại, hết lòng giúp đỡ tân vương để không phụ lòng vua Nhân Tông. Đồng thời, sự trung thành đó còn được đảm bảo bằng việc con cháu của họ sẽ tiếp tục được hưởng những ân sủng của triều đình.

Cùng với các chính sách trên, Lý Thần Tông còn coi trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức quân sự, làm cho mọi hoạt động quân sự hướng vào mục tiêu giữ gìn sự ổn định, đoàn kết cao nhất trong triều đình để bảo vệ xã tắc. Đồng thời ngăn chặn, làm thất bại sự chiếm đoạt, quấy phá vùng biên ải và xâm lược của ngoại bang. Năm 1128, Chân Lạp đưa hơn 2 vạn quân tấn công châu Nghệ An. Vua Thần Tông sai Thái phó Lý Công Bình chỉ huy quân chính quy liên kết với dân Nghệ An chống trả. Quân Đại Việt đã đánh tan quân Chân Lạp, bắt được chủ tướng cùng 169 binh sĩ. Vua Thần Tông đến các cung Thái Thanh, Cảnh Linh và các chùa quán ở Thăng Long để làm lễ tạ ơn Thần, Phật phù hộ cho người Việt giữ nước. Đến tháng 8 năm 1132, quân Chân Lạp hợp sức với Chiêm Thành cướp phá Nghệ An. Vua sai quan Thái úy Dương Anh Nhị đánh thắng được quân hai nước. Những cuộc đánh dẹp đó không những giữ yên biên giới, mà con thể hiện sức mạnh của Nhà nước Đại Việt lúc đó với các quốc gia ở phía Nam.

Ở phía Bắc, Lý Thần Tông đã triệt để tận dụng những công trình quân sự đã được xây dựng từ các vương triều trước để củng cố vững chắc hơn, nhất là trên những hướng dự kiến quân địch có thể đi qua khi xâm lược nước ta. Đồng thời với chỉ huy xây dựng sức mạnh quân sự để phòng thủ đất nước, Lý Thần Tông còn kết hợp với biện pháp ngoại giao thân thiện với nước Tống nhằm giữ vững chủ quyền của đất nước và không để chiến tranh xảy ra. Mặt khác, để nuôi dưỡng sức dân, sức quân, kết hợp phát triển kinh tế của đất nước và có thể huy động nhanh lực lượng phục vụ cho chiến tranh khi đất nước lâm nguy, vua Thần Tông đã thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Tư tưởng nhân văn quân sự của Lý Thần Tông đã góp phần giữ gìn sự ổn định triều chính, nhân dân ổn định làm ăn, bảo vệ độc lập dân tộc.

Kế thừa tư tưởng nhân văn quân sự của các bậc quân minh, Lý Thần Tông là người có tấm lòng yêu thương, quý trọng con người. Ông định ra kế sách hợp lòng dân, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng để tiết kiệm công sức, tiền bạc của nhân dân. Về bản chất hoạt động quân sự của Lý Thần Tông là mong muốn nhân dân Đại Việt không phải lâm cảnh binh đao, chết chóc để được sống trong độc lập, tự do, ổn định lạc nghiệp. Chính vì vậy, vua Thần Tông đã thực thi nhiều chính sách giảm thiểu tiền của, công sức của nhân dân, điển hình là chính sách ngụ binh ư nông. Trong các triều đại trước ngụ binh ư nông đã được nghiên cứu như một ý tưởng và thực hiện ở một vài nơi, nhưng chưa thành chính sách cụ thể của quốc gia. Từ thực tiễn của đất nước và mối quan hệ giữa nhà binh với nhà nông, vua Lý Thần Tông đã quyết định thực hiện chính sách ngụ binh ư nông trong phạm vi cả nước, coi đó là chính sách của quốc gia trong việc kết hợp kinh tế với củng cố quốc phòng. Đó là chính sách đặc biệt, vừa tránh phải nuôi dưỡng một lực lượng quân sự đông đảo, vừa đảm bảo lực lượng cho sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, mọi đinh tráng đều có thể tham gia chiến trận mỗi khi nhà nước điều động. Chính sách này được thực thi xuyên suốt các triều đại sau đó. Có thể nhận định rằng, chính sách “ngụ binh ư nông” được triển khai từ các giai đoạn trước, đến thời Lý Thần Tông đã làm cụ thể hóa chính sách này. Nó đem lại lợi ích đó là tiện lợi trong việc dùng binh, lại không tổn hại trong việc nuôi binh…. Binh lính thay phiên nhau về làm ruộng để chia sự vất vả và nhàn rỗi. Đây là chính sách hay khi Lý Thần Tông lên ngôi.

Lý Thần Tông làm vua trong 11 năm, hưởng dương có 23 tuổi, đổi niên hiệu 2 lần: Thiên Thuận (1128-1132), Thiên Chương bảo tự (1133-1137). Kế tục thời kỳ thịnh trị trước đó của vua Nhân Tông, Lý Thần Tông cố gắng duy trì, điều hành đất nước, đảm bảo không xảy ra những biến động lớn. Ông đã biết kế thừa di sản tư tưởng nhân văn quân sự trước đó của các bậc tiên đế nhà Lý, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước, để lại tư tưởng nhân văn quân sự có giá trị, nhất là tư tưởng giữ gìn sự ổng định gia tộc và triều chính. Những cống hiến và tư tưởng nhân văn quân sự của Lý Thần Tông là nấc thang tiếp nối, phát triển tư tưởng nhân văn quân sự của các vị tiền vương trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 436 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày