Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 17/12/2021, 19:30

Kỷ niệm 160 năm ngày Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh hy sinh (26/12/1861 – 26/12/2021)

Thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa

Ngày 24 tháng 2 năm 1861, đại đồn Chí Hòa, thành lũy cuối cùng của tỉnh Gia Định rơi vào tay giặc. Tán lý Định Biên Nguyễn Duy hy sinh. Kinh lược đại thần Nguyễn Tri Phương bị thương phải rút về Biên Hòa. Để ngăn chặn bước tiến của địch, triều đình Huế đã cử Khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi cùng viện binh vào Biên Hòa chống giặc. Tuy nhiên, lo ngại thế giặc mạnh nên Nguyễn Bá Nghi đã cử người nghị hòa với Pháp. Song chủ trương nghị hòa bất thành. Trong khi đó quân dân Biên Hòa quyết tâm, đồng lòng chống giặc và đã đánh lui nhiều đợt tấn công của địch.

Tháng 10 năm 1861, phó Đô đốc Bonard sau khi thay tướng Leonard Charner đã lên kế hoạch đánh chiếm Biên Hòa. Theo đó quân Pháp sẽ dùng chiến thuật gọng kìm tấn công bằng đường bộ và đường thủy để hạ thành Biên Hòa.

Ngày 13 tháng 12 năm 1961, Bonard đã gửi tối hậu thư cho Khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi đòi quân triều đình triệt thoái các pháo đài và các vật cản trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên, sáng ngày 14 tháng 12, khi chưa nhận được câu trả lời, ông ta đã ra lệnh tấn công Biên Hòa theo bốn cánh quân đó là:

Cánh quân thứ nhất do trung tá Comte chỉ huy 2 đại đội kỵ binh, 100 lính Tây Ban Nha, 50 kỵ binh, 4 khẩu pháo sẽ hạ đồn Gò Công trau trảu rồi tiến về phía lũy Mỹ Hòa.

Cánh quân thứ hai do đại tá Domenech Diego chỉ huy 100 lính Tây Ban Nha, 1 đại đội lính thủy đánh bộ đi thẳng từ Sài Gòn lên Mỹ Hòa.

Cánh quân thứ ba do đại tá thủy quân Le Bris chỉ huy 2 đại đội lính thủy theo sông Đồng Nai bắn phá các đồn và vật cản chướng ngại rồi đổ bộ lên Mỹ Hòa.

Cánh quân thứ tư do đại tá Harel chỉ huy tàu Renommée, theo sau có các xuồng sẽ đi ngược Rạch Chiếc ở phía nam Gò Công trau trảu, phá vật cản trên rạch Gò Công rồi hội quân ở Mỹ Hòa.

Quân đội triều đình đã chống trả quyết liệt và bắn nhiều phát súng thần công vào tàu giặc, làm gãy cột buồm tàu Alarme. Tuy nhiên, trước sức tấn công của các lực lượng thủy quân và bộ binh có sự trang bị vũ khí hiện đại, với đạn pháo, tàu chiến, quân ta phải bỏ lũy Mỹ Hòa rút chạy.

Sáng ngày 17 tháng 12, Đô đốc Bonard đích thân chỉ huy hành quân, theo sông Đồng Nai đến trước thành Biên Hòa trên tàu hộ tống Ondine; Đại úy thủy quân Jonnaid chỉ huy pháo hạm hộ tống soái hạm; Các cánh quân bộ và tàu địch dàn trận bắn đại bác vào thành Biên Hòa, mở đường cho bộ binh ào ạt xung phong. Quân ta chống cự kiên cường, dũng cảm nhưng trước thế giặc mạnh nên đến đêm ngày 17, Nguyễn Bá Nghi phải ra lệnh quân rút khỏi thành Biên Hòa. Ngày 18 tháng 12, thành Biên Hòa hoàn toàn rơi vào tay giặc.

Trận quyết chiến của quân đội triều đình tại Lũy Ký Giang

Sau khi rút quân khỏi thành Biên Hòa, quân triều đình chạy theo hướng Bà Rịa. Để ngăn chặn sự truy đuổi của kẻ thù, triều đình Huế đã cử Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng vào Biên Hòa chỉ huy quân chống giặc. Tại Long Thành, Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng đã thu nạp tàn quân từ đại đồn Chí Hòa và chiêu mộ quân dân địa phương, xây dựng tuyến phòng ngự tại lũy Bà Ký - sông Ký Giang nhằm ngăn cản bước tiến của địch.

Sáng ngày 26 tháng 12 năm 1861, đại tá Domenech Diego chỉ huy một cánh quân tiến đánh huyện Long Thành. Tại ngã ba Nha Mát, ấp Bà Ký, quân Pháp đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân triều đình và quân dân địa phương do Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng chỉ huy. Quân ta với vũ khí thô sơ gồm giáo, mác, súng trường khai hậu đã anh dũng chiến đấu và đánh bật nhiều đợt tấn công của địch, giết và làm bị thương nhiều lính Pháp. Tuy nhiên, do sự chênh lệch về lực lượng và vũ khí nên sau hơn một ngày giao tranh quyết liệt, quân ta bị tổn thất nặng nề, Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng bị thương nặng và hy sinh anh dũng cùng 27 nghĩa binh. Ngày 28 tháng 12 năm 1861, huyện Long Thành hoàn tòa rơi vào tay giặc.

Di tích lịch sử: Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh

Sau khi Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh hy sinh trong trận đánh tại Lũy Ký Giang, người dân địa phương bí mật chôn Ông cùng các nghĩa binh trong một ngôi mộ lớn ở vùng rừng Long Thuận nhằm tránh sự truy lùng của địch.

Di tích Mộ Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh hiện nay tọa lạc tại ấp Đất Mới, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Từ ngã ba Vũng Tàu theo quốc lộ 51 nối thành phố Biên Hòa với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ta sẽ thấy di tích nằm bên trái, cách quốc lộ 51 khoảng 250m, cách trung tâm huyện Long Thành khoảng 7 km và cách thành phố Biên Hòa khoảng 30 km về hướng Nam.

Ngôi mộ ban đầu được người dân địa phương đắp bằng đất. Năm 1936 có một người phụ nữ nói giọng Huế, từ Sài Gòn xuống Long Thành tìm mộ (dân trong vùng gọi người phụ nữ này là bà Năm Sài Gòn) tự xưng là con cháu Nguyễn Đức Ứng. Sau đó bà lập đàn cúng tế rồi thuê người xây dựng lại toàn bộ ngôi mộ theo hình kim tự tháp. Năm 1996, ngôi mộ được Bảo tàng Đồng Nai tiến hành trùng tu, tôn tạo khang trang, xung quanh có tường rào bao bọc, quanh sân lót gạch tàu, có nhà bia và lư hương lớn dùng cho việc tế lễ. Trên mộ có tấm bia ghi dòng chữ “Ice ropose Nguyễn Đức Ứng. Lanh binh de L Armeriale Tự Đức Desceede le 26 Decembre 1861” (tạm dịch: Đây là ngôi mộ Nguyễn Đức Ứng –Lãnh binh của triều Tự Đức, hy sinh ngày 26 tháng 12 năm 1861).

Ngày 15 tháng 10 năm 1994, di tích mộ Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh đã được Bộ Văn hóa - thông tin đã xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Để tưởng nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và các nghĩa binh, hàng năm cứ đến ngày 25-26 tháng 11 âm lịch, chính quyền địa phương và nhân dân xã Long Phước, huyện Long Thành đều tổ chức lễ giỗ Ông và các nghĩa binh với nghi thức trang trọng, có sự tham gia của Bảo tàng Đồng Nai, các cơ quan, đoàn thể, Ban quý tế các đình, miếu trong xã Long Phước và các địa phương lân cận. Lễ cúng giỗ không chỉ là nơi để người dân bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sự tôn kính đối với vị Lãnh binh của triều đình, vị thần của làng xã, mà còn là nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.

160 mươi năm đã trôi qua, nhưng ký ức về trận chiến đấu kiên cường, anh dũng của Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và các nghĩa binh để bảo vệ quê hương, đất nước vẫn mãi được người dân Long Thành nói riêng, và người dân Biên Hòa - Đồng Nai nhắc đến như một trang lịch sử hào hùng của mảnh đất Đồng Nai.

 

Trần Thủy

Tài liệu tham khảo: Địa chí Đồng Nai

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 321 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày