Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Chủ Nhật, 22/01/2023, 20:40

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023)

Ngày này cách đây tròn 50 năm (ngày 27/01/1973), Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký kết tại Paris – thủ đô nước Pháp. Đây là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất, ghi nhận các quyền cơ bản của Nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Ngay từ cuối những năm 1940, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương bằng cách chi viện ngày càng nhiều cho thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954). Mỹ đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam; lần lượt tiến hành nhiều chiến lược như chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại và những khoản tiền khổng lồ, từ đầu những năm 1960, Mỹ không ngừng đưa quân vào miền Nam Việt Nam. Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ (tháng 8/1964), Mỹ đã leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam chủ yếu bằng không quân và hải quân, nhưng càng đánh, Mỹ càng sa lầy, tổn thất về người và của càng lớn.

Cuối năm 1964 đầu 1965, trước những đòn tiến công mãnh liệt của quân dân miền Nam, cả về quân sự và chính trị, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đã phá sản, nguỵ quân và nguỵ quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để hòng cứu vãn tình thế, Mỹ thay đổi chiến lược, từ “Chiến tranh đặc biệt” chuyển thành “Chiến tranh cục bộ”, thực chất là “Mỹ hoá” cuộc chiến tranh. Một mặt Mỹ đưa quân chiến đấu vào miền Nam, mặt khác tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống lại miền Bắc, đưa chiến tranh xâm lược ra toàn Việt Nam.

Giai đoạn 1965-1967, là thời gian Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh. Trên thực tế, Mỹ càng leo thang chiến tranh thì càng vấp phải những đòn giáng trả mạnh mẽ của quân ta. Về mặt ngoại giao, ta nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến đấu, bóc trần bộ mặt xâm lược và tính chất nguy hiểm của các hành động leo thang chiến tranh cùng thủ đoạn đàm phán hoà bình giả hiệu của địch. Ta kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt xâm lược, rút hết quân ra khỏi miền Nam, chấm dứt vô điều kiện mọi hành động chiến tranh chống miền Bắc.

Ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ diễn ra tại Paris, gần 6 tháng sau đi đến thoả thuận về việc Mỹ chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ ngày 31/10/1968, đồng thời thoả thuận về việc triệu tập tại Paris một hội nghị để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, gồm các bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Ngày 25/01/1969, Hội nghị Paris về Việt Nam họp phiên đầu tiên, mở ra giai đoạn “vừa đánh, vừa đàm”. Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán lâu nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX, cuộc chiến tranh diễn ra trên phạm vi một nước nhưng lại là tiêu điểm của những mâu thuẫn và xung đột mang tính thời đại: giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động; giữa hoà bình với chiến tranh…

Từ cuối năm 1971 đến những tháng cuối năm 1972, cả ta và Mỹ đều đưa ra những đề nghị mới, thông qua đàm phán công khai và đàm phán riêng, cuối cùng đi đến thoả thuận về một văn bản hiệp định. Hội nghị Paris về Việt Nam, nếu kể từ cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ (5/1968) cho đến khi ký được hiệp định đã kéo dài trong 4 năm 9 tháng, qua 202 phiên họp công khai và 24 phiên họp riêng.

Mặc dù ngoan cố đến phút cuối cùng, ngày 27/01/1973, Mỹ đã buộc phải ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”. Hiệp định Paris được sự công nhận và bảo đảm của một hội nghị quốc tế về Việt Nam, thông qua Định ước quốc tế ký ngày 02/03/1973 cũng tại Paris.

Nội dung cơ bản của Hiệp định Paris có 9 chương 23 điều, gồm các loại điều khoản chính về chính trị, quân sự, nội bộ miền Nam. Cụ thể: “Mỹ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Mỹ chống lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Rút hết quân Mỹ và đồng minh, huỷ bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam; Không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình; Hai bên trao trả hết tù binh và những người bị bắt trong chiến tranh; Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam;…”.

Việc ký kết Hiệp định là thắng lợi tổng hợp của cuộc chiến tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Hiệp đinh Paris về Việt Nam là một trong bốn thoả thuận ngoại giao quan trọng nhất mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký kết trong cuộc đấu tranh vì các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta. Đó là Hiệp đinh Sơ bộ 6/3/1946; Tạm ước 14/9/1946; Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 và Hiệp định Paris. Trong số những thoả thuận này, Hiệp định Paris thể hiện đầy đủ nhất ý chí và khát khao độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, tư tưởng độc lập, tự chủ trong ngoại giao, sự lãnh đạo kiên định và sáng suốt của Đảng ta. Hiệp định Paris có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc ta, là đỉnh cao và là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ, cuộc đấu trí, bản lĩnh hết sức gay go, quyết liệt nhưng cũng rất hào hùng của nhân dân ta, quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Với việc ký kết hiệp định, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, tạo ra so sánh lực lượng mới, thuận lợi cho việc thực hiện tiếp mục tiêu “đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đã 50 năm trôi qua, nhưng những giá trị và bài học của Hiệp định Paris ngày càng toả sáng. Ngày nay, trong thời kỳ toàn cầu hoá hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đẩy mạnh chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ với các nước trên thế giới, thì những bài học được rút ra từ Hội nghị Paris vẫn còn nguyên giá trị. Đó là tư tưởng độc lập, tự chủ và kiên trì mục tiêu và nguyên tắc; đó là trường phái “Ngoại giao cây tre” Việt Nam: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”…

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, nhằm tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận ngoại giao, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; phát huy cao độ những bài học kinh nghiệm từ cuộc đàm phán, ký Hiệp định Paris để xây dựng nền ngoại giao toàn diện, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng; khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay; khích lệ, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thi đua học tập, lao động, góp phần xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 6891 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày