Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử 2023 Thứ Tư, 25/01/2023, 20:35

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hội nghị Paris về Việt Nam

Trước thất bại nặng nề trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp với Bộ Chính trị chủ trương có thể tiếp xúc, nhưng trước hết cần ép Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc rồi mới bàn các vấn đề khác. Ngày 17-5-1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức phiên họp đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên Đại lộ Kleber, Paris, chính thức mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.

Sau khi bàn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cử ông Lê Đức Thọ làm cố vấn và cử ông Xuân Thủy làm Bộ trưởng Chính phủ làm Trưởng đoàn đàm phán. Trước khi đi, ngày 5-5-1968, Bác căn dặn đồng chí Xuân Thủy, đàm phán với Mỹ phải thận trọng, kiên trì, vững vàng nhưng khôn khéo, phải theo dõi sát tình hình trong nước, nhất là tình hình chiến sự, tranh thủ dư luận của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ, đặc biệt là nhân dân Pháp và Việt kiều.

Ở trong nước, Bác thường xuyên họp với Bộ Chính trị để nghe báo cáo về tình hình chiến sự ở miền Nam và diễn biến của cuộc đấu tranh ngoại giao. Hàng ngày, theo dõi tình hình diễn biến của Hội nghị, Bác nhắc phải vạch trần luận điệu bịp bợm của Johson, đập mạnh tuyên bố của Nguyễn Cao Kỳ và Phạm Đăng Lâm, phải tuyên truyền nhiều cho Đoàn của Mặt trận. Bác tiếp các đoàn khách quốc tế, trả lời phỏng vấn, viết thư, viết báo, ra lời kêu gọi đồng bào trong nước và nhân dân thế giới ủng hộ hòa bình của dân tộc Việt Nam. Trong những lần họp với Bộ Chính trị để bàn về phương hướng chung và các phương án cụ thể của đấu tranh với Mỹ trên bàn đàm phán Paris, Bác thường chỉ đạo rất cụ thể, từ việc phải cân nhắc vấn đề đối nội và đối ngoại của Chính phủ do Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam sẽ lập ra và phải đẩy mạnh phong trào quần chúng ở miền Nam hơn nữa; phải tranh thủ thời cơ này để tấn công ngoại giao, nhưng phải chuẩn bị thật tốt về quân sự, đến việc phải nói rõ chủ trương cho anh em ở miền Nam và ở Paris rõ. Bác dặn rằng, dù Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, nhưng chiến tranh vẫn diễn ra ở miền Nam, Mỹ vẫn có thể ném bom trở lại miền Bắc, nên ta phải chuẩn bị sẵn sàng; và phải đẩy mạnh tuyên truyền ở Paris. Ngày 29/10/1968, Bộ Chính trị đã họp bàn về nhân sự của Đoàn Mặt trận đi dự Hội nghị Paris, Bác nhắc phải tuyên truyền tốt cho Đoàn của Mặt trận.

Sau hơn năm tháng rưỡi đấu tranh kiên trì của ta ở Hội nghị Paris, cuối cùng ngày 1-10-1968, Mỹ đã phải chấm dứt ném bom và bắn phá miền Bắc. Để đánh giá đúng mức thắng lợi có ý nghĩa chiến lược này, và để tránh chủ quan và ảo tưởng, cùng ngày, Bác họp Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris. Ngày 3-1-1968, Bác đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

Thực hiện chủ trương vừa đánh vừa đàm và lấy chiến trường là cơ bản, ngày 16-3-1969, Bác lại gửi điện cho đồng bào miền Nam: “Giặc Mỹ đã thua nặng, nhưng chúng vẫn chưa chịu rút quân ra khỏi nước ta. Vậy ta phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh cho đến khi Mỹ ngụy thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 16, Bác phát biểu: “Mỹ ở thế thua, ta ở thế mạnh, thế thắng, Mỹ còn ngoan cố, ta không được chủ quan khinh địch, lơ là cảnh giác”,… và còn rất nhiều lời căn dặn với chiến sĩ, đồng bào ta.

Đầu tháng 8/1969, Bác đã mệt nhiều, nhưng ngày 12-8-1969, Bác vẫn lên nhà nghỉ Hồ Tây thăm đồng chí Lê Đức Thọ ở Paris mới về. Nghe đồng chí Thọ báo cáo tình hình, Bác đã căn rặn nhiều điều bổ ích. Ngày 22/8/1969, Bác gửi điện cho cuộc gặp gỡ quốc tế thanh niên và sinh viên họp ở Helsinki, Phần Lan, khẳng định muốn có hòa bình thìMỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút khỏi miền Nam Việt Nam”.

Một tuần lễ trước khi Bác mất, ngày 25/8/1969, gửi thư trả lời bức thư ngày 15/7/1969 của Tổng thống Mỹ Nixon, Bác nói con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự là tìm ra một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam. Khi nằm trên giường bệnh, Bác còn nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình miền Nam và hỏi tin về Hội nghị Paris. Và đến 9h47 ngày 2/9/1969 thì Bác ra đi trong muôn vàn tiếc thương của nhân loại.

Thực hiện lời dạy của Bác, sau gần 5 năm đàm phán kiên trì, chúng ta đã buộc Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện ném bom và bắn phá miền Bắc, buộc Mỹ ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, Mỹ phải rút hết quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi và có ý nghĩa chiến lược để tiến lên giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin sơ lược lại những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng của Hội nghị Paris nói riêng và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung. Qua đó, giúp bạn đọc ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc ta, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước và gắng sức xây dựng đất nước ngày càng văn minh và giàu đẹp.

Đào Thanh

 

Tài liệu tham khảo

1. Hiệp định Paris về Việt Nam – Cuộc chiến đấu chiến lược: 30 năm hiệp định Paris /  Nguyễn Thị Bình, Đinh Nho Liêm, Lưu Văn Lợi, Trịnh Ngọc Thái. - H. : Lao động , 2005.

2. Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn /  Nguyễn Xuân Hoài (ch.b.), Phạm Thị Huệ, Hà Kim Phương. - H. : Chính trị Quốc gia , 2012.

3. Cuộc đàm phán lịch sử : Kỷ niệm 35 năm hiệp định Paris 1973 - 2008 / PGS.TS. Vũ Dương Huân (ch.b.), Huỳnh Anh Dũng, Nguyễn Thị Mây, Phạm Hải Liên. - H. : Chính trị Quốc gia , 2009.

 

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3181 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày