Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Năm, 17/10/2019, 09:10

Kỷ niệm lần thứ 55 ngày anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (15/10/1964 – 15/10/2019)

Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 01-02-1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con thứ ba trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1956, Nguyễn Văn Trỗi một mình vào Sài Gòn sinh sống. Ở đây, anh vừa làm thuê để kiếm sống, vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán.

Giữa năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi gia nhập trở thành một chiến sỹ biệt động Sài Gòn và được bố trí ra căn cứ Rừng Thơm vào đầu năm 1964, Bước vào đời hoạt động cách mạng, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Lần đầu tiên đồng chí Trỗi ra căn cứ được hướng dẫn sử dụng lựu đạn da vàng của Mỹ, tập cầm mỏ vịt, tập giật kích, tập ném lựu đạn và được hướng dẫn cách rút lui sau khi đánh địch. Trước khi anh trở về, anh được giữ một trái lựu đạn. Với trái lựu đạn đó, Nguyễn Văn Trỗi đã diệt 4 tên Mỹ, làm bị thương 8 tên và rút lui an toàn.

Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5-1964, lực lượng của ta liền vạch kế hoạch tiêu diệt Mắc Namara. Với tình yêu quê hương và lòng căm thù quân xâm lược sâu sắc nên mặc dù mới cưới vợ, Nguyễn Văn Trỗi không để hạnh phúc riêng ảnh hưởng đến nhiệm vụ cách mạng, nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) để ám sát phái đoàn chính trị cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ do bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Đây là trận đánh đầu tiên của ông nên chuẩn bị rất khẩn trương và chu đáo. Cần tiền để mua dây điện, pin… đồng chí Nguyễn Văn Trỗi bán cả nhẫn cưới vợ mới trao. Công việc bại lộ ông bị bắt lúc 22 giờ ngày 9 tháng 5 năm 1964, khi đang cùng đồng đội kéo dây điện tới nối vào quả mìn ở gần đầu cầu, ông đã nhận mọi trách nhiệm về mình để tránh liên lụy cho đơn vị và cơ sở đã nuôi nấng anh. Địch vừa đánh đập, vừa dụ dỗ xoay quanh người vợ trẻ, với tuần trăng mật chưa trọn vẹn để mua chuộc anh, nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại.

Ở trong tù, Nguyễn Văn Trỗi đã phải chịu bao nhiêu cực hình tra tấn dã man của địch. Nhưng ông vẫn kiên cường, giữ trọn tình yêu với dân tộc, bảo vệ cơ sở cách mạng và tìm cách vượt ngục để tiếp tục chiến đấu. Nhiều lần ông nói thẳng vào mặt kẻ địch: “Còn giặc Mỹ không ai có hạnh phúc nổi”. Hạnh phúc đối với Nguyễn Văn Trỗi chỉ tìm thấy trong đấu tranh cách mạng. Những lần cuối cùng gặp vợ trong khám tử hình, ông vẫn động viên vợ hãy cứng rắn, đi tiếp con đường anh bỏ lỡ, con đường mà Đảng đã vạch ra cho các thế hệ thanh niên. Nguyễn Văn Trỗi còn thể hiện ý chí và niềm tin sắt đá đến giây phút bị xử tử. Trước tòa án, anh đã là người buộc tội đế quốc Mỹ và tay sai: “Chính bọn Mỹ mới là kẻ có tội, là thủ phạm gây ra cảnh xóm làng tan nát, cảnh chết chóc lầm than, con mất cha, vợ mất chồng!”

Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại sân sau nhà lao Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài. Những phút cuối cùng, ông tỏ ra rất can đảm, không đồng ý bịt mắt và xưng tội, ông hô lên những lời cuối cùng được các phóng viên ghi lại:

            “Đả đảo đế quốc Mỹ!

                     Hồ Chí Minh muôn năm!

                            Việt Nam muôn năm!”


          Sau khi ông chết, ông đuợc truy nhận Đảng viên Nhân dân Cách mạng miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, truy tặng Huân chương Thành đồng hạng nhất. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bí mật cho chôn xác ông tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng  Ông Tố (nay thuộc phường Bình trưng Đông, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau nhiều ngày tìm kiếm, cha đẻ và vợ ông mới tìm thấy mộ.

Năm mươi lăm năm đã qua, lịch sử đất nước đã sang trang. Nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn mãi mãi là một người anh hùng “sống vĩ đại, chết vẻ vang” một bài học lớn về tinh thần xả thân vì nước, xứng đáng với lời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về anh: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng, chí khí lẫm liệt vẻ vang”.

Để ghi nhớ sự hy sinh và công lao này Thư viện tỉnh tổ chức trưng bày, tuyên truyền giới thiệu sách báo trên Website của thư viện và bảng chuyên đề, trang thông tin nội bộ. Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là một tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh thiếu niên học tập và noi theo.

 

                                                                             Mai Hoa

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 698 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày