Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Hai, 22/11/2021, 19:55

Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam qua cuộc cải cách của Hồ Quý Ly

Kỷ niệm 685 năm: năm sinh của Hồ Quý Ly (1336-2021)

 

            Vào cuối thế kỷ XIV, các cuộc đấu tranh của nông dân đã làm cho nhà Trần suy yếu, làng xã tiêu điều, dân đinh giảm sút. Nhà Trần không còn đủ sức giữ vai trò của mình, nên sự sụp đổ là điều tất yếu. Giữa lúc đó xuất hiện một nhân vật mới là Hồ Quý Ly. Ông sinh năm 1336, trước có tên là Lê Quý Ly, tên tự là Lý Nguyên, quê ở Hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Quý Ly là cháu bốn đời của Hồ Liêm (Hồ Liêm từ quê Nghệ An ra Thanh Hóa, được một viên quan đại thần họ Lê nhận làm con nuôi). Ông là người có tài năng, lại có hai người cô là phi tần của vua Trần Minh Tông và sinh được ba vị vua cho nhà Trần, nhờ vậy ông được vua Trần trọng dụng. Ông đã nắm giữ chức vụ cao nhất trong triều đình. Sau vụ một số quý tộc nhà Trần mưu giết Hồ Quý Ly không thành (1399), năm 1400, ông phế truất vua Trần và lên làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Ngu, lập ra nhà Hồ.

            Ngay từ khi còn là một đại thần, đặc biệt sau khi lên ngôi vua, Hồ Quý Ly đã thực hiện những cải cách trên nhiều lĩnh vực để củng cố vương triều vững mạnh, chống quân xâm lược.

           Về kinh tế tài chính, tháng 4/1396, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Hồ Quý Ly tiến hành cải cách tiền tệ bằng biện pháp phát hành tiền giấy thay thế tiền đồng gọi là “Thông bảo hội sao”, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy 2 quan tiền giấy. Gồm có 7 loại: tờ 10 đồng vẽ rong biển, tờ 30 đồng vẽ sóng biển, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa (quy), tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng (long). Với mục đích phòng tránh tình trạng làm tiền giả, theo cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” có viết: ông đề ra những biện pháp nghiêm ngặt để thực thi, “kẻ nào làm tiền giả thì bị tội chết, ruộng đất tài sản bị tịch thu; cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa tiền, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ; kẻ nào vi phạm cũng bị tội như kẻ làm tiền giả”.

            Năm 1397, ông ban hành chính sách hạn điền. Từ đây, theo quy định mới, chỉ các đại vương, chị hoặc em ruột nhà vua được quyền sở hữu ruộng không hạn chế, còn dân đen không được sở hữu quá 10 mẫu. Những người có ruộng quá hạn định phải hiến cho nhà nước. Ngoài ra nếu ai có tội hoặc mất chức thì được phép lấy ruộng chuộc tội, chuộc lại chức. Quan lộ, phủ châu, huyện phải đo đạc lập thành sổ sách chu đáo, nếu ruộng nào không có giấy khai báo thì lấy làm ruộng công. Hạn điền đánh vào nền tảng kinh tế, quyền uy chính trị của phong kiến quý tộc thời bấy giờ. Đến năm 1402, nhà Hồ định lại biểu thuế đinh, chỉ đánh vào người có ruộng; người không có ruộng, trẻ mồ côi, đàn bà góa không phải nộp. Thuế ruộng đất đánh theo phép lũy tiến, có nhiều ruộng đóng nhiều, không có ruộng thì không phải đóng.

            Về chính trị, ông cải tổ hàng ngũ võ quan, thay thế dần các võ quan cao cấp do quý tộc tôn thất nhà Trần nắm giữ bằng những người không phải họ Trần nhưng có tài năng và thân cận với mình. Ông đổi tên một số đơn vị hành chính cấp trấn và quy định cụ thể, rõ ràng cách làm việc của bộ máy chính quyền các cấp. Năm 1397, Hồ Quý Ly đổi trấn Thanh Hóa làm trấn Thanh Đô, Trấn Quốc Oai làm trấn Quảng Oai, Lạng Sơn phủ thành Lạng Sơn trấn … và quy định: lộ coi phủ, phủ coi châu, châu coi huyện. Các việc hộ tịch, tiền thóc, kiện tụng đều làm chung thành sổ sách của một lộ, đến cuối năm báo lên sảnh để làm bằng cứ mà khảo xét. Ông đặt lệ cử các quan ở triều đình về các lộ thăm hỏi đời sống nhân dân và tìm hiểu tình hình làm việc của quan lại để thăng hay giáng chức. Trách nhiệm các cấp liên đới nhau từ trên xuống dưới, việc quản lý của triều đình nhờ đó mà dễ dàng hơn.

            Về xã hội, ông ban hành chính sách hạn chế nô tì được nuôi của các vương triều, quý tộc, quan lại. Năm 1401, nhà Hồ lập phép hạn chế gia nô: chiếu theo phẩm cấp, các quan lại quý tộc chỉ được nuôi một số gia nô nhất định. Số thừa ra sung công. Mỗi gia nô thừa ra được nhà nước đền bù 5 quan tiền. Mục tiêu cũng đánh vào cả thế và lực của phong kiến quý tộc nhưng cũng là cải cách nửa vời. Bởi vì về bản chất, chính sách hạn nô chưa nhằm vào mục tiêu giải phóng nông nô, nô tì, mà được thực hiện là do nhu cầu cần thiết có tính chất thời đại, mới chỉ là sự thay đổi trên danh nghĩa, là sự chuyển đổi từ các nô tì riêng của cá nhân (t­ư nô) thành các nô tì công của nhà nước (quan nô). Bên cạnh chính sách hạn nô, ông còn thực hiện một số chính sách xã hội khác mang tính chất cải cách. Cụ thể như: những năm có nạn đói, nhà Hồ lệnh cho các quan đi khám xét, bắt nhà giàu thừa thóc phải bán cho dân đói và tổ chức nơi chữa bệnh cho dân.

            Về văn hóa, giáo dục, ông cũng đã có nhiều cải cách lớn. Triều Hồ quy định việc mở trường học, đặt thể lệ thi cử và tổ chức kỳ thi. Tháng 8/1400, Hồ Quý Ly đã tổ chức kỳ thi Thái học sinh ở thành An Tôn (thành nhà Hồ), đã có 20 người thi đỗ. Trong đó có những danh nho như Nguyễn Trãi, Lưu Thúc Kiệm, Lý Tử Vấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiếu, Nguyễn Mộng Tuân. Ông đã thi hành một loạt cách tân: định lại phép thi cử, bỏ thi ám tả cổ văn; đặt đề thi kinh nghĩa; thi thơ đường luật; thi chiếu chế biểu và văn sách, kinh nghĩa. Đặc biệt ông đã dùng chữ Nôm dịch các sách kinh, truyện để dạy cho vua; làm sách “Minh Đạo” và bàn sách luận ngữ; nêu ra bốn điều nghi vấn về sách của Khổng Tử.

            Về quân sự, ông tăng cường củng cố quân sự, quốc phòng nhằm bảo vệ đất nước từ rất sớm. Ông cho thành lập 4 xưởng chế tạo vũ khí, thăm dò, nghiên cứu các vùng biển hiểm yếu, củng cố lực lượng quân sự. Ông ra lệnh mở xưởng rèn đúc vũ khí, số tiền đồng thu được khi phát hành tiền giấy dùng để đúc vũ khí phục vụ cho nền an ninh quốc phòng. Một đóng góp quan trọng của thời nhà Hồ là chế tạo ra một loại súng mới là súng thần cơ và làm ra một loại thuyền chiến mới gọi là lâu thuyền. Để tăng quân số, ông tiến hành cho làm lại sổ đinh, các nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên đều ghi tên vào sổ bộ để nhà nước quản lý và nắm được thực số, cấm ẩn lậu nhân đinh. Nhờ tiến hành biện pháp này, khi sổ bộ làm xong thì số người từ 15 đến 60 tuổi tăng hơn trước nhiều lần. vì vậy nhà nước tuyển thêm được rất nhiều binh lính. Trước họa xâm lăng của địch, Hồ Quý Ly đã chủ trương xây dựng hệ thống phòng bị kiên cố. Xây dựng thành Tây Đô (thành nhà Hồ), thành Đa Bang (Ba Vì - Hà Nội) và cả một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400km, kéo từ núi Tản Viên men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc, đến cửa sông Thái Bình. Có thể nói, đây là thời kỳ xây dựng được một công trình phòng ngự có quy mô lớn nhất. Điều này cho thấy tiềm năng nhân lực, vật lực được huy động cho công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta rất lớn.

            Như vậy, trước tình trạng suy yếu của Nhà Trần và cuộc khủng hoảng xã hội cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly đã thực hiện cuộc cải cách khá toàn diện, có những cải cách tiến bộ, có giá trị thực tiễn như cải cách về văn hóa, giáo dục. Điều đó chứng tỏ ông là một nhà cải cách có tài và là người yêu nước tha thiết. Những cải cách của ông ít nhiều góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc và lĩnh vực quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, một số chính sách chưa triệt để (gia nô, nô tì chưa được giải phóng thân phận, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Tiếc rằng, công việc mới khởi đầu, giặc minh đã tiến công xâm lược. Giữa năm 1407, cuộc kháng chiến của triều Hồ hoàn toàn bị giặc Minh dập tắt. Hồ Quý Ly bị thua và bị bắt đúng như lời tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nói với Hồ Quý Ly : “không sợ đánh giặc, chỉ sợ không được lòng dân”.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 349 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày