Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật Thứ Năm, 26/11/2015, 14:15

KỶ NIỆM 250 NĂM NGÀY SINH DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI – ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU (1765 – 2015)

Nguyễn Du sinh năm 1765 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình đại quí tộc và có truyền thống khoa cử lâu đời. Nguyễn Du hiệu là Tố Như, Thanh Hiên, con Nguyễn Nghiêm (1708 – 1775) làm tới chức Tể tướng, văn chương vượt hẳn bạn bè, nhưng học vị chỉ là Tam trường (Tú tài). Nguyễn Du gặp nhiều khó khăn hồi còn thanh niên vì sớm mồ côi cha và mẹ nên ăn nhờ ở đậu. Nguyễn Du trải quan 10 năm gió bụi, năm 1802 ra làm quan với triều Nguyễn đương thăng thưởng rất nhanh, từ tri huyện lên đến tham tri (1815), được cử sang làm chánh sứ sang Tàu (1813). Ông mất vì bệnh thời khí (dịch tả), không trối trăng gì, đúng vào lúc sắp sửa làm chánh sứ sang nhà Thanh lần thứ hai.

Về mặt nghệ thuật, Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ  ngôn luật,  thất ngôn luật, ca, hành...nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt hơn cả là tài làm thơ bằng chữ Nôm của ông, mà bằng chứng là ở Truyện Kiều, đã cho thấy thể thơ lục bát có khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình. Truyện Kiều là sự thể hiện tập trung nhất, xúc động nhất và cũng thành công nhất “Nỗi đau nhân tình” của cả cuộc đời nhà thơ bàng bạc khắp trong thơ ông từ thơ chữ Hán đến Văn chiêu hồn.

Truyện Kiều không chỉ dừng lại ở câu chuyện về một con người, một cuộc đời một số phận mà nó trải rộng ra với một tấm lòng, một cốt cách, một tinh thần Việt Nam. Truyện Kiều tạo ra cách nhìn dân tộc, làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam, làm say đắm lòng người độc giả mỗi thời đại.

Nguyễn Du thuộc một trong số những người hiếm hoi mà dân tộc ta nói riêng, nhân loại nói chung đã may mắn sinh ra để vừa tôn vinh cho dân tộc vừa làm đẹp cho nhân loại. So với những thiên tài khác thì số lượng tác phẩm mà Nguyễn Du để lại không nhiều. Song chỉ với Truyện Kiều, từ một cốt truyện vay mượn, bằng sáng tạo thiên tài của mình, Nguyễn Du đã xếp mình vào hàng ngũ các danh nhân thế giới, đã đưa văn học Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam  nói chung vào kho tàng vô giá về văn hóa, văn học của nhân loại.

Nguyễn Du với “con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân) đã tạo ra một Truyện Kiều bất hủ. Tính chất phi thường của tác phẩm không chỉ thể hiện qua quan niệm độc đáo, qua nghệ thuật tài hoa mà còn ở chỗ nó mang một tầm vóc văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang tính lịch sử và truyền thống văn hóa thời đại.

Qua đó, có thể coi Nguyễn Du là một trong những đại diện văn hóa đầu tiên của Việt Nam được giới thiệu với thế giới phương Tây và tác phẩm của ông đã giúp cho thế giới phương Tây hiểu rõ hơn bộ mặt tinh thần của dân tộc ta. Nguyễn Du trở thành nhà ngoại giao giúp cho thế giới phương Tây có được cái nhìn sâu sắc về bộ mặt tinh thần của đất nước, giúp họ hiểu con người và tâm hồn Việt Nam. Không có một cuộc điều tra xã hội học nào để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề này, song điều chắc chắn là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng để lại ấn tượng sắc nét trong tâm tư, tình cảm của những độc giả phương Tây chân chính, những người biết tôn trọng những giá trị văn hóa của các dân tộc khác.

Đến năm 1965, khi UNESCO công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới, thì nhận xét trên đây càng khẳng định: Nguyễn Du và Truyện Kiều của ông đã làm rạng danh dân tộc, điểm tô cho diện mạo văn hiến của đất nước.

Đặc biệt trong năm 2015 này, lễ vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du được diễn ra trên pham vi toàn thế giới nhân dịp kỷ niệm 250 ngày sinh của đại thi hào, Thư viện tỉnh Đồng Nai tổ chức trưng bày giới thiệu sách, báo và các ấn phẩm tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cống hiến to lớn của ông và cũng thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Như vậy, di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại. Di sản văn hóa của Nguyễn Du thuộc về hiện tại và tương lai. Di sản ấy đang góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của dân tộc, của mỗi người dân hôm nay.

 

 _Quỳnh Giang_

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2943 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày