Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Nhân vật 2022 Thứ Hai, 01/08/2022, 21:55

Kỷ niệm 270 năm Ngày sinh Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu (1752 - 2022)

Được liệt trong năm danh tướng - “Ngũ hổ tướng”, Trương Tấn Bửu là vị quan có nhiều công trạng dưới triều chúa Nguyễn Phúc Ánh, ông được phong tước Long Vân Hầu, Tổng trấn, phó tổng trấn Gia Định thành…

Trương Tấn Bửu có tên khác là Trương Tấn Long, ông sinh năm 1752 tại làng Hưng Lễ, tổng Bảo Phước, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Xuất thân từ gia đình phú nông, có bảy anh em, Trương Tấn Bửu là con thứ ba của ông Trương Tấn Khương và bà Trần Thị Nghĩa. Thời trai trẻ Trương Tấn Bửu đã nổi tiếng là người tuấn tú, rất giỏi võ nghệ, gan dạ, hào hiệp dám đương đầu với cọp…

Ngược dòng lịch sử, vào năm Đinh Mùi (1987), lúc chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn quân Tây Sơn có ghé nhà cha Trương Tấn Bửu tạm trú một đêm. Nhưng vừa ra khỏi nhà, gặp ngay trận chiến ác liệt, nhờ sự thông minh và lòng dũng cảm, Trương Tấn Bửu đã cứu thoát được chúa Nguyễn.

Chiến sự tạm lắng, quan làng ở đây chiêu mộ rất nhiều trai tráng theo phò Chúa.  Dịp này, ông được cha xin cho theo phò tá chúa Nguyễn. Thế đã mạnh, Nguyễn Ánh bèn sai Trần Đức Xuyên sang Gò Công để chiêu dụ Võ Tánh. Sau đó Nguyễn Ánh cùng bầy tôi xuống vàm Nao (nơi giao nhau giữa Tiền giang và Hậu giang) để hợp quan phục nghiệp. Ở đây Trương Tấn Bửu được phong chức Khâm sai đốc chiến cai cơ, theo đuổi việc binh dưới trướng của Hậu quân Tôn Thất Hội. Giai đoạn này, Nguyễn Ánh ban tên cho Trương Tấn Bửu là Long và sau đó phong tước là Vân Hầu, gọi là Long Vân Hầu.

 Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), Long Vân Hầu được làm Hậu quân, Hậu chánh trưởng chi, rồi lại đổi qua Tiền quân. Ông đánh nhau với nhà Tây Sơn ở Quy Nhơn, lập được nhiều chiến công. Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1797), ông được phong làm Tiền quân Phó tướng. Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802, Gia Long nguyên niên), Long Vân Hầu được phong Chưởng dinh, nhưng vẫn giữ chức Tiền quân Phó tướng, cai quản đội quân thú tại Bắc thành. Thời gian này ông từng chỉ huy đánh bọn cướp biển Trung Hoa “Tề ngụy hải phỉ” - “giặc Tàu Ô” và diệt rất nhiều giặc cùng 70 tên đảng tặc.

Đầu năm Bính Dần (1806), bọn cướp biển lại đem ba mươi thuyền tới đảo Huê Phong của ta để cướp của, đốt nhà và phá đồn Phượng Hoàng. Long Vân Hầu lại đem quân đánh đuổi bọn cướp. Dẹp giặc xong, ông được dời về Đế đô nhậm chức Trung quân Phó tướng. Không lâu sau ông trở ra Bắc thành để trừ bọn cướp ở Quảng Yên.

Tháng 11 năm Canh Ngũ (1810), Long Vân Hầu được triệu về giữ chức Tổng trấn thành Gia Định. Hai năm sau vua Gia Long sai Tả quân Quân công Lê Văn Duyệt vào Gia Định giữ chức Tổng trấn, còn Trung quân kiêm Tả quân Phó tướng Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu làm Phó Tổng trấn. Lúc này Lê Văn Duyệt cùng Long Vân Hầu đưa ba ngàn quân Thanh Nghệ và Bắc thành vào đất Đồng Nai, hai ông cai quản cả vùng đất thành Gia Định (có nhiều trấn) và trông coi cả trấn Bình Thuận. Hai lần Lê Văn Duyệt bận việc quân, đi vắng, Long Vân Hầu lãnh cả quyền hành Tổng trấn… Hai vị tổng và phó tổng trấn luôn coi trọng quốc pháp cũng như một lòng tận tụy chăn dân nên cụm từ “Chánh tướng Duyệt, Phó tướng Luông” (nói trại vì kỵ úy từ chữ Long) luôn được người dân bấy giờ nhắc đến bằng tấm lòng kính phục như hai vị thánh sống. Thời bấy giờ, người dân liệt ông vào hàng năm danh tướng kiệt xuất của Gia Định – “Ngũ hổ tướng” (gồm có Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhân, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu).

Năm Nhâm Ngọ (1822), ông được thăng Chánh nhất phẩm, thân phụ ông cũng được vua Minh Mạng ban sắc truy phong là Nghiêm oai tướng quân, Trung quân Thống chế và mẹ ông cũng được truy phong vào hàng mệnh phụ phu nhân.

Năm Quý Mùi (1823), tuy tuổi đã ngoài bảy mươi, nhưng khi Lê Văn Duyệt coi việc vét kinh Vĩnh Tế ngã bệnh, thì Long Vân Hầu lại nhận việc đốc suất và ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao. Long Vân Hầu được vua Minh Mạng ban thưởng rất nhiều lụa là, tiền bạc.

Chẳng bao lâu sau, do tuổi cao sức yếu, ông xin về nghỉ hưu (ngày 17/11 năm Ất Dậu 1825). Ngày 2 tháng 8 năm 1827 (nhằm ngày 10 tháng 6 năm Đinh Hợi) ông qua đời, hưởng thọ 75 tuổi. Chánh tướng Lê Văn Duyệt được trao quyền trông coi việc chôn cất cho Phó tướng Trương Tấn Bửu tại ấp Phú Thành, xã Phú Nhuận, tỉnh Gia Định (hay còn được gọi là lăng Phú Thành, ngụ tại số 41, Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh).

Đối với Trương Tấn Bửu, suốt một đời làm quan kể từ khi Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long (năm 1802), Trương Tấn Bửu là một trong những “khai quốc công thần” được vua tin dùng sai vào Nam ra Bắc. Với những công sức trong việc phò chúa, dẹp cướp biển, đồng thời được giữ nhiều trọng trách trong triều đình nhà Nguyễn, đến cuối đời Trương Tấn Bửu được vua Minh Mạng ban cho hai ngàn quan tiền, năm cây gấm tống cẩm để giúp làm việc tang lễ và cử đích thân Tả quân Lê Văn Duyệt coi lo việc an táng và xin cấp tự điền (ruộng đất để thờ tự) và người giữ mộ. Đến thời Tự Đức năm thứ 5 (1852), ông được thờ vào miếu Trung hưng công thần và đền Hiền Lương.

Lăng mộ Trương Tấn Bửu bao gồm ngôi mộ và đền thờ trong khuôn viên rộng hơn 2.300 m2, đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật được trang trí hình kỳ lân, búp sen, phù điêu hình cây tùng và chim hạc, các cặp liễn đối. Năm 1943, với sự đóng góp của Hội Thượng công quý tế lăng Lê Văn Duyệt, Hội Phú Thành đã trùng tu đền thờ. Trước Cách mạng tháng Tám và trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, nơi đây đã là cơ sở của đội Cảm tử quân Phú Nhuận…

Cuộc đời và sự nghiệp làm quan của ông thật vinh hiển, không chỉ có công lớn trong việc đánh giặc giữ nước mà ông còn từng trực tiếp chỉ huy năm ngàn phu xây thành Châu Đốc, vét kinh Vĩnh Tế. Tiếng tăm của ông luôn được người đời ca tụng. Không những Trương Tấn Bửu lập nên nghĩa cả mà các con ông vẫn gánh lấy trọng trách phụng sự đất nước, như Trương Tấn Cường làm quan đến chức Gia Định thành võ vệ, Phó vệ úy, trật tùng tứ phẩm, tước uy hầu; Trương Tấn Thuận, từng giữ chức Gia Định thành Gia võ vệ, quyền trí cai quản quan, rồi Trương Tấn Đạo, nguyên nhiệm tự bổ thọ Vĩnh Long tỉnh, Chánh đội trưởng...

Với công đức to lớn của Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, năm 2005 Bộ Văn hóa - Thông tin đã xét cấp Bằng công nhận khu lăng miếu của ông ở quận Phú Nhuận, Tp. HCM là khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 15 tháng 12 năm 2004, Lăng Trương Tấn Bửu được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT. Đây là công trình tiêu biểu của kiến trúc lăng mộ đầu thế kỉ XIX ở Gia Định dành cho lăng mộ giới tướng lĩnh, quan lại đầu triều Nguyễn.

Nhân kỷ niệm 270 năm Ngày sinh Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, xin được kính cẩn tri ân vị tiền bối của dân tộc, Người đã dốc hết tâm sức của mình để bảo vệ triều đình nhà Nguyễn thời bấy giờ, tấm lòng trung quân ái quốc của ông mãi luôn được thế hệ mai sau noi gương, học tập và kế thừa trong hành trình bảo vệ và xây dựng nước nhà ngày càng thịnh vượng./.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2332 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày