Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sự kiện Thứ Sáu, 03/04/2020, 10:45

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC DỰNG NƯỚC GIỮ NƯỚC

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Tất cả dân tộc Việt Nam từ Bắc chí Nam, ở trong nước cũng như ở nước ngoài đều hướng về một ông Tổ, một nguồn gốc sinh thành. Đó là các vua Hùng. Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, lễ Giỗ Tổ được tổ chức tại Đền Hùng để tưởng nhớ Vua Hùng – vị tổ chung của cả dân tộc.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tổ tiên ta chẳng những đã để lại cho chúng ta một dải non sông tươi đẹp mà còn cả một quá khứ lịch sử vẻ vang, với truyền thống anh hùng và bao tấm gương sáng chói. Những truyền thống tốt đẹp ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trân trọng gìn giữ, phát huy và lấy đó làm một trong những nguồn sức mạnh cổ vũ nhân dân ta hăng hái tiến bước trên con đường đấu tranh cách mạng. Giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc ta là việc Đảng ta rất coi trọng, đồng thời cũng là yêu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quákhứ lịch sử anh hùng từ ngàn xưa đã sống dậy mãnh liệt và đẹp đẽ hơn bao giờ hết trong sự nghiệp cách mạng nói chung cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Như trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã viết:

“Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Cõi bờ sông núi đã riêng, Phong tục Bắc - Nam cũng khác.

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau…

Thế đó, tổ tiên ta bắt tay dựng nước là phải lo ngay đến việc giữ nước. Điều đó đã chứng minh dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, bất khuất. Trải qua hàng trăm ngàn năm chinh phục thiên nhiên rất khắc nghiệt, mưa, lũ, bão, hạn hán…những con người trên đất Việt cổ xưa đã rèn cho mình những đức tính vô cùng qúy báu: cần cù và sáng tạo trong lao động, khôn ngoan và dũng cảm trong đoàn kết đấu tranh chống thiên tai. Nếu trong việc chinh phục thiên nhiên, những con người xưa kia sống trên mảnh đất này, đã chung lưng đấu cật, khắc phục mọi hiểm nghèo, tạo nên những điều kiện thuận lợi để làm ăn, sinh sống, thì trong đấu tranh chống ngoại xâm, những con người ấy cũng không chịu bó tay khuất phục trước bất cứ thế lực nào. Ngay từ buổi đầu dựng nước, tổ tiên ta một mặt vẫn phải gian khổ đấu tranh với rừng rậm, đầm lầy, thú dữ, dông bão, lụt lội… để làm ăn sinh sống, mặt khác lại phải đương đầu với nhiều thứ “giặc” thường xuyên đe dọa: giặc “Man”, giặc “Mũi đỏ”, giặc “Ân”,…Những thứ giặc trong truyền thuyết đó có thể là những bộ lạc, những liên minh bộ lạc hay những quốc gia lân cận. Cuộc chiến đấu chống giặc ngoài buộc tổ tiên ta phải tập hợp lại trong những cộng đồng chặt chẽ là làngnước (công xã và quốc gia) để cùng nhau bảo vệ quê hương, giữ lấy giống nòi.

Như vậy, giữ làng giữ nước sớm trở thành một yêu cầu, một truyền thống lâu đời gắn bó tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn với tình yêu đất nước rộng lớn. Lòng yêu nước ý thức quốc gia dân tộc sớm nảy nở và ngày một rõ nét, lớn mạnh lên trong cuộc chiến đấu liên tục với những kẻ thù xâm lược. Sau những biến thiên của chiều dài lịch sử đấu tranh của nước ta cho đến Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại cuộc mít tinh lớn gần một ngàn đồng bào tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với nhân dân cả nước và cả thế giới có một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuy nhiên vào thời điểm đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng, nước ta vừa tuyên bố độc lập chủ quyền thì ngay lập tức trở thành đối tượng chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc. Các đế quốc lớn Mỹ, Anh, Pháp, Trung Hoa dân quốc hoặc đưa quân vào hoặc đứng đằng sau gây ảnh hưởng, chúng đều có chung mục tiêu là tiêu diệt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Đây là cuộc chiến dai dẳng và không cân sức giữa thế lực với đầy đủ trang thiết bị và vũ khí hiện đại của thực dân, đế quốc bè lũ tay sai với một bên là chính quyền cách mạng non yếu của ta.

Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, Đảng, Chính phủ ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt đánh giá tình hình, xác định mục tiêu chiến lược và tìm ra các chủ trương, chính sách đúng đắn kịp thời cả về đối nội và đối ngoại để vừa chống thù trong, giặc ngoài giữ vững nền độc lập, giữ vững chính quyền cách mạng vừa xây dựng chế độ mới đáp ứng những mục tiêu theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải thực hiện ngay:

1.      Làm cho dân có ăn

2.      Làm cho dân có mặc

3.      Làm cho dân có chỗ ở

4.      Làm cho dân có học hành...

Cái mục đích của chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Dưới sự thống nhất từ trong Đảng Cộng sản Việt Nam và nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minhđã tổ chức điều hành chung nhiệm vụ cách mạng của cả nước của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Tham gia chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng ở miền Nam của Mặt trận giải phóng dân tộc và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược, chiến tranh của đế quốc Mỹ:

“Chiến tranh đơn phương” 1954-1960

Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” 1961-1965

Chiến lược “chiến tranh cục bộ” 1965-1968

Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” 1968-1975

Cho đến mùa xuân 30/4/1975 quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất, quét sạch chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Thắng lợi đó kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước kéo dài 30 năm kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị 117 năm của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta.

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, nước ta có khi mạnh, khi yếu, lúc biến, lúc thường, nhưng bao trùm lịch sử vẫn là một nước, một dân tộc có nền văn hiến cao, có ý chí đoàn kết phấn đấu xây dựng đất nước vươn lên sánh cùng các cường quốc năm châu và có tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập, tự chủ của dân tộc. Lịch sử hào hùng đó đã để lại cho thế hệ hôm nay non sông Việt Nam tươi đẹp, dân tộc Việt Nam anh hùng. Tiếp nối truyền thống ông cha, nhân dân ta quyết tâm và tin tưởng vững chắc vào công cuộc xây dựng nước Việt Nam thành một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Hồng Hạnh

 

 

 


Số lượt người xem: 458 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày