Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sự kiện Thứ Tư, 11/04/2018, 08:35

Kỷ niệm 1050 năm thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018)

Đất nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã dùng nhiều tên gọi hoặc quốc hiệu khác nhau: Văn Lang,Âu Lạc, Lĩnh Nam, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Việt Nam, Đại Nam, Đế quốc Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam vàCộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho đến tận ngày nay. Trong đó, Đại Cồ Việt là quốc hiệu do vua Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) đặt ra, tồn tại dưới thời nhà Đinhnhà Tiền Lê đến đầu thời Nhà Lý, với kinh đô ban đầu đặt tại Hoa Lư và từ tháng 7 âm lịch năm 1010 dời về tại Thăng Long.

"Đại" theo nghĩa chữ Hán là lớn, "Cồ" là âm Việt cổ của từ Cự hay Cừ cũng là lớn. Về sau, Cồ viết theo chữ Nôm gồm 2 chữ Hán là Đại ở trên và Cù ở dưới. Đinh Tiên Hoàng muốn ghép hai chữ để khẳng định nước Việt là nước lớn. "Đại Cồ Việt có nghĩa là nước Việt rộng lớn trông suốt cả bốn cõi hay tám cõi theo lối hiểu ngày xưa, ấy là cái cao vọng của người không những muốn thống trị mà còn muốn bành trướng thế lực ra tám cõi nữa".

Đại Cồ Việt là quốc hiệu được dùng trong 8 đời vua của 3 triều Đinh, Tiền Lê, Lý, với quãng thời gian dài 86 năm (968 - 1054). Đến năm Giáp Ngọ, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 1 (1054), vua Lý Thánh Tông mới đặt lại quốc hiệu là Đại Việt.

Sử sách ghi chép rằng: Ở thời ấy, nhà Tống (Trung Hoa) đã thành lập, thống nhất lãnh thổ và đang ra sức lập nên một đế chế như nhà Đường trước kia. Tình hình đó đặt nước ta trước nguy cơ xâm lược mới, đòi hỏi tầng lớp thống trị trong nước phải nhanh chóng thống nhất lực lượng để đối phó với nạn ngoại xâm.

Với tài năng sáng suốt, dũng cảm mưu lược hơn người, nắm trong tay một lực lượng quân sự mạnh, Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đấy, tự xưng là Vạn thắng Vương. Cùng với các tướng đánh chiếm các vùng xung quanh Hoa Lư, rồi đánh ra Đằng Châu… quét sạch các hùng trưởng cát cứ (Mười hai sứ quân), tiếp nối quốc thống của Triệu Vũ Đế.

Năm Mậu Thìn, năm thứ I (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi tự xưng hoàng đế, lập nên nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi, tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế... thể hiện ý chí độc lập của dân tộc ta mà bộ máy quân chủ nhà Đinh là đại biểu. Đầu năm 970, Đinh Bộ Lĩnh tiến thẳng một bước, bỏ hẳn việc dùng niên hiệu của hoàng đế Trung Hoa, đặt niên hiệu là Thái Bình rồi sai sứ sang giao hảo với nhà Tống.

Năm 979, nhân tình hình nước ta không ổn định (Đinh Bộ Lĩnh và con trai đầu bị tên quan nhỏ giết chết, con trai nhỏ 6 tuổi Đinh Toàn lên ngôi không quán xuyến được triều chính, Lê Hoàn – thập đạo tướng quân làm phó vương nắm quyền chỉ huy quân sự, được thái hậu giao cho quyền chấp chính thay vua, các tướng nhà Đinh do nghi kỵ (sợ Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh) mà khởi binh chống lại đã bị Lê Hoàn tiêu diệt) nhà Tống đem quân sang xâm lược. Lê Hoàn được thái hậu giao cho tuyển tướng, luyện quân chuẩn bị cuộc kháng chiến, sau đó ông được các tướng suy tôn làm vua Lê Đại Hành (nhà Tiền Lê) đến đầu năm 1005.

Mùa thu năm 980 các vương triều Trung Hoa mang quân sang xâm lược, nhưng bị chống trả quyết liệt. Tiêu biểu là chiến thắng vang dội của Lê Hoàn đã đánh thắng quân nhà Tống xâm lược (981), giết chết tướng Hầu Nhân Bảo. Năm sau (982), Lê Đại Hành mang quân đánh Chiêm Thành vì Chiêm Thành đã bắt giữ sứ giả của Đại Cồ Việt…

Thắng lợi của Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống thật to lớn và nhanh chóng làm nức lòng nhân dân cả nước, củng cố vững chắc niềm tin vào khả năng bảo vệ độc lập của dân tộc.

Sau khi Lê Hoàn chết (1006), con trai Lê Long Đĩnh lên ngôi vua, nhưng không được lòng dân. Lý Công Uẩn (chỉ huy cấm quân) lên làm vua đặt niên hiệu là Thuận Thiên dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Sự việc này thể hiện một bước trưởng thành mới của ý thức dân tộc, mở ra một  giai đoạn phát triển quan trọng của chế độ quân chủ trung ương tập quyền Việt Nam. Sự thay đổi ngôi vua từ nhà Lê sang nhà Lý phù hợp với tình hình lúc bấy giờ, muôn dân muốn có một triều vua mới đủ uy tín để ổn định đất nước, phát triển xã hội.

Trong thế kỷ XI, nhà Lý trải qua các triều vua Thái Tổ (1010-1028), Thái Tông (1028-1054), Thánh Tông (1054-1071), Nhân Tông (1072-1127). Các vua đầu nhà Lý tổ chức lại việc cai trị, đặt quan lại, luật pháp, xây dựng quân đội, củng cố khối đoàn kết dân tộc…

Dưới thời Đinh Bộ Lĩnh, ruộng đất trong nước tập trung vào tay chính quyền trung ương. Để đảm bảo quyền sở hữu đó, nhà vua thực hiện việc phong lại các trang ấp vốn đã tồn tại của các thổ hào không chống đối,… để giữ vững quyền lực của chính quyền trung ương, các vua thời Đinh, Lê còn cử các con đi trấn trị các địa phương trọng yếu và được phép hưởng một số thuế thu được. Khác với thời Khúc, Ngô, nhà nước thời Đinh – Lê đã có một số ruộng đất riêng để vừa tự cấp, vừa phục vụ việc tế lễ (tự điền). Cơ sở kinh tế chủ yếu của xã hội vẫn là ruộng đất ở làng xã, đem chia cho nhân dân theo tập tục của làng xã hàng năm nộp tô thuế cho Nhà nước.

Đầu thời Đinh – Lê, việc trị an chưa ổn định nên nhà nước còn ít chú ý đến sản xuất. Từ thời Lê Hoàn nhà nước Trung ương đã tương đối vững chắc, nên đã chăm lo đến sản xuất nông nghiệp.

Về mặt công thương nghiệp: nhà nước xây dựng một số quan xưởng thủ công, chế tạo các nhu dụng cho vua, quan. Thợ thủ công lành nghề được chọn vào xưởng của nhà nước, đúc tiền, chế tạo áo mũ, vũ khí và xây dựng cung điện, đền đài. Trong nhân dân, các nghề thủ công cổ truyền tiếp tục phát triển (dệt lụa, kéo tơ, làm giấy…).

Thời Đinh – Lê, việc buôn bán khá phồn thịnh, nhà nước chú ý đào sông khơi ngòi, vừa phục vụ nhu cầu về quân sự vừa có tác dụng đối với việc lưu thông trong nước. Trên nền tảng nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, nhà Đinh và nhà Lê từng bước xây dựng một bộ máy quân chủ tập quyền và củng cố quyền thống trị trên toàn bộ đất nước.

Về bộ máy nhà nước thời Đinh – Lê: Nhà Đinh chia cả nước làm 10 đạo. Về sau, năm 1002, Lê Hoàn đổi 10 đạo làm lộ phủ, châu. Quan lại trong triều có các chức thái sư, quân sư, đại tổng quản. Dưới tổng quản có thái úy, đô hộ phủ sĩ sư, thập đạo tướng quân… thời Lê Hoàn, ở một số vùng trọng yếu, nhà vua cử các con đến trấn trị, có quân độ để kịp thời trấn áp các cuộc nổi dậy, chống đối.Về quân đội, ở kinh thành có hai loại quân: cấm quân (quân thân vệ) và quân tứ sương (canh giữ trong và ngoài kinh thành)…Luật pháp thời Đinh – Lê chưa đi vào quy củ, còn sử dụng nhiều luật lệ khắc nghiệt. Đinh Bộ Lĩnh đặt vạc dầu, nuôi hổ dùng vào việc xét xử. Sang thời Lê Hoàn cũng vẫn còn dùng các hình phạt đó.

Ở thế kỷ 10, khi đất nước Ðại Cồ Việt bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài, cũng là lúc nảy sinh những mầm mống của một nền văn học dân tộc dưới hình thức chữ Hán và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Các danh nhân như Khuông ViệtPháp Thuận và Vạn Hạnh là những người được triều đình trọng dụng và có tầm ảnh hưởng lớn đến văn hóa dân tộc. Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên lập chức tăng thống đưa phật giáo trở thành quốc đạo. Ông truyền cho đúc tiền đồng, là tiền tệ xưa nhất ở Việt Nam, gọi là tiền đồng Thái Bình, đặt nền móng cho nền tài chính - tiền tệ của nhà nước phong kiến Việt Nam.Từ năm 976, thuyền buôn của các nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ, kết mối giao thương với Đại Cồ Việt.

Bên cạnh đó, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Nhân kỷ niệm 1050 năm thành lập nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018), xin được nhắc lại lịch sử nhằm khẳng định, tôn vinh vai trò, vị thế, ý nghĩa lịch sử to lớn, quan trọng của sự kiện ra đời Nhà nước Đại Cồ Việt; vai trò của vua Đinh Tiên Hoàng, Kinh đô Hoa Lư trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, tồn tại và phát triển đã khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau nghìn năm Bắc thuộc. Nhà nước Đại Cồ Việt đã mở ra những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước – kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài xuyên suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần và Hậu Lê. Nhà nước Đại Cồ Việt đã có công lao trong việc giữ gìn, củng cố nền độc lập dân tộc trong một thời gian gần một thế kỷ. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách và những thành tựu, kết quả của Nhà nước Đại Cồ Việt đã đặt nền móng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đối ngoại, giao thông… của nhà nước phong kiến Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1384 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày