Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sự kiện 2022 Thứ Sáu, 21/01/2022, 14:05

Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa (02/1937-02/2022)

Từ cuối năm 1931 đến giữa năm 1933, Xứ ủy Nam kỳ được lập đi lập lại nhiều lần, nhưng tồn tại không được bao lâu, chưa móc nối hoạt động với các địa phương thì đã bị tan vỡ. Đến tháng 5-1933, đồng chí Trương Văn Bang (Ba Bang) được cử làm Bí thư Xứ ủy và cử cán bộ về các tỉnh móc nối với các đồng chí đảng viên và cơ sở Đảng còn lại để khôi phục phong trào.

Ở Biên Hoà, sau một thời gian tạm lánh đi nơi khác để tránh địch lùng bắt, năm 1933, đồng chí Lưu Văn Viết (Tư Chà) trở lại quê hương tiếp tục xây dựng cơ sở, vận động cách mạng. Tại nhà thương điên (Bệnh viện Tâm thần Biên Hoà), đồng chí đã giác ngộ và kết nạp người em trai của mình là Lưu Văn Văn (Chín Văn) vào Đảng. Qua đồng chí Chín Văn, một số nhân viên khác ở bệnh viện Tâm thần cũng được tổ chức, xây dựng trở thành những cơ sở cảm tình của Đảng. Tại Bến Cá (quận Châu Thành), đồng chí cũng đã tuyên truyền vận động tổ chức được một số cơ sở cách mạng trong thanh niên học sinh, trong đó có đồng chí Huỳnh Văn Phan (Tư Phan) đã được kết nạp vào Đảng.

Đầu năm 1935, đồng chí Hoàng Minh Châu được Liên Tỉnh uỷ miền Đông cử về hoạt động ở Biên Hoà. Đồng chí đã xin vào làm thợ ở nhà máy cơ khí Trường Tiền (thị xã Biên Hoà). Từ đây đồng chí đã bước đầu xây dựng được một số cơ sở trong nhà máy, đồng thời thăm dò liên lạc với nhóm cơ sở Đảng do đồng chí Lưu Văn Viết đã tổ chức xây dựng trước đó. Sau khi đã móc nối và thống nhất lại với nhau, đồng chí Hoàng Minh Châu đã vận động thành lập chi bộ Đảng lấy tên là chi bộ Bình Phước – Tân Triều vào tháng 2-1935. Chi bộ do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Bí thư, đồng chí Huỳnh Văn Phan làm Phó bí thư và các đảng viên là: Lưu Văn Viết, Lưu Văn Văn, Quách Tỷ, Quách Sanh, Trần Minh Triết. Địa bàn hoạt động chủ yếu là khu vực thị xã và một số nơi thuộc quận Châu Thành (huyện Vĩnh Cửu ngày nay).

Ngày 13-8-1936, Ủy ban trù bị Đông Dương Đại hội được thành lập tại Sài Gòn và các Ủy ban hoạt động cũng lần lượt được tổ chức khắp các tỉnh Nam kỳ. Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban trù bị Đông Dương Đại hội cử các đồng chí Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Nghĩa về Biên Hoà trực tiếp tổ chức và chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Trở về Biên Hoà, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã móc nối liên lạc ngay với các đồng chí trong chi bộ Bình Phước – Tân Triều và một số đồng chí thân quen như: Huỳnh Văn Lũy, Nguyễn Văn Ký, Phạm Văn Khoai, Phạm Văn Thuận, Hồ Văn Đại, Hai Đặng, Chín Văn,… để tổ chức phát động phong trào đấu tranh cách mạng trong toàn tỉnh, trọng điểm là thị xã Biên Hoà và quận Châu Thành. Ủy ban hành động tỉnh Biên Hoà được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa làm Chủ tịch. Trụ sở đặt tại khách sạn Thanh Phong (nay thuộc phường Hoà Bình, thành phố Biên Hoà). Ủy ban hành động quận Châu Thành và một số cơ sở nhà máy, làng xã như nhà máy cưa BIF, làng Tân Phong, xã Bình Trước cũng được thành lập và hoạt động công khai.

Từ tháng 9 năm 1936, phong trào cách mạng dấy lên đều khắp các nơi trong tỉnh, mạnh mẽ nhất là ở thị xã Biên Hoà (xã Bình Trước) và một số xã lân cận thuộc quận Châu Thành như Bình Ý, Bình Thạnh… Các Ủy ban hành động của nhà máy cưa BIF, giới xe lô, giới giáo chức,… có nhiều hoạt động sôi nổi. Hàng ngàn truyền đơn, lời hiệu triệu, cương lĩnh hành động được in ấn để tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Cơ sở Đảng ở nhà máy cưa BIF đã bí mật tổ chức in hàng trăm truyền đơn với nội dung tố cáo tội ác và hành động bóc lột của chủ hãng, đòi lập nghiệp đoàn, đòi tăng lương, giảm giờ làm, kêu gọi công nhân đoàn kết đấu tranh. Nhiều cuộc mít tinh được tổ chức do đồng chí Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nghĩa trực tiếp diễn thuyết. Tại rạp hát Trần Điển (thị xã Biên Hoà) trước hàng trăm quần chúng nhân dân. Đa phần là nhân dân và thanh niên học sinh, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã trình bày mục đích, ý nghĩa của phong trào Đông Dương Đại hội, đồng thời phát động quần chúng tham gia các hoạt động đấu tranh, gia nhập các hội đoàn, soạn thảo các bản “dân nguyện”, nêu lên những kiến nghị, những yêu cầu bức xúc về các quyền lợi dân sinh dân chủ của mỗi ngành, mỗi giới để tập hợp gởi cho phái đoàn thanh tra của Chính phủ Pháp.

Đồng thời với các hoạt động mít tinh, tuyên truyền, hàng chục hội đoàn phổ biến là các Hội hữu ái, Hội tương tế, Hội nhà vàng, Hội chùa, Hội miễu, Hội đá bóng, Hội lân, Hội cày, Hội cấy,… được tổ chức nhiều nơi ở quận Châu Thành, thu hút hàng ngàn người tham gia. Ở làng Tân Phong, các ông Nguyễn Văn Do (Năm Võ), Tư Mọi, Ba Niên, Tám Lộc, Ba Sen và một số thanh niên tích cực như: Trần Văn Nghĩa, Ba Bò, Tư Hoá, Năm Hoạch, Sáu Xang,… đã đứng ra tập hợp quần chúng nhân dân vào tổ chức hội hương tế như Hội cúng miễu, Hội chùa, Hội vần công cày cấy, vận động cả làng ký tên vào bản kiến nghị gởi chánh tham biện tỉnh Biên Hoà, yêu cầu giảm một số thuế và bỏ hẳn những thứ thuế vô lý. Cùng với làng Tân Phong, một số xã thuộc quận Châu Thành như: Bến Gỗ, Bình Hoà, Bình Ý,… cũng nhất loạt làm đơn đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế. Do vậy, ít lâu sau, nhà cầm quyền thực dân cũng nhượng bộ bãi bỏ bớt thuế nhà, thuế trâu bò, thuế xe bò,.. là những thứ thuế bất hợp lý. Chúng vẫn giữ nguyên mức thuế thân và thuế điền thổ.

Ở trung tâm thị xã Biên Hoà, nhiều hội đoàn của các tầng lớp lao động cũng nhanh chóng được thành lập như Hội ái hữu, các ngành như: thợ mộc, thợ hồ, thợ hớt tóc, chị em tiểu thương,… Đặc biệt, hoạt động mạnh mẽ nhất là Hội ái hữu giáo chức do ông Hồ Văn Thể làm hội trưởng, Hội ái hữu công nhân hãng BIF, Hội ái hữu công nhân ga xe lửa Biên Hoà thu hút được hàng trăm hội viên tham gia. Thông qua những tổ chức công khai hợp pháp này, Đảng đã tập hợp được hàng ngàn quần chúng ở thị xã, xây dựng được một đội quân chính trị khá đông đảo. Mặt khác, từ các hoạt động của phong trào đấu tranh, Đảng cũng đã bồi dưỡng phát triển được nhiều cơ sở cốt cán, nhất là trong tầng lớp công nhân lao động và thanh niên học sinh. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, khôi phục, củng cố cơ sở tổ chức Đảng ở các tỉnh, các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cao su, cuối năm 1936, Liên Tỉnh uỷ miền Đông cử đồng chí Trương Văn Bang (Ba Bang), nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (1933-1935) và đồng chí Cao Hồng Lãnh về Biên Hoà hoạt động, trực tiếp vận động thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Biên Hoà và xây dựng tổ chức một số chi bộ Đảng ở các địa phương trong tỉnh.

Tháng 2/1937, Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Biên Hoà được thành lập do đồng chí Trương Văn Bang trực tiếp làm Bí thư. Các đồng chí Tỉnh uỷ viên gồm Trần Minh Triết, Huỳnh Văn Phan, Trần Văn Tôn, Huỳnh Văn Liễn, Nguyễn Hồng Kỳ,…

Từ đây, nhiều đồng chí đảng viên khác ở các nơi cũng lần lượt về Biên Hoà móc nối liên lạc hoạt động, tổ chức các chi bộ Đảng cơ sở. Tại nhà máy cưa BIF, 2 chi bộ Đảng được xây dựng. Mỗi chi bộ có 3 đảng viên. Chi bộ khối thợ máy do đồng chí Trần Hồng Đạo làm Bí thư và chi bộ lao động giản đơn do đồng chí Tư Ngàn làm Bí thư. Ở xã Bửu Long cũng hình thành được một chi bộ do đồng chí Tư Xí làm Bí thư. Chi bộ liên xã Tân Phong và Bình Ý cũng được thành lập. Phong trào cách mạng ở thị xã Biên Hoà, quận Châu Thành phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các mặt hoạt động bí mật, công khai hợp pháp và bán hợp pháp có sự gắn kết khá đồng bộ.

Cúc Nguyễn

(Trích lược từ Lịch sử Đảng bộ thành phố Biên Hòa)

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1436 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày