Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
70 Năm Quốc Hội Việt Nam Thứ Bảy, 02/01/2016, 08:50

Hồ Chí Minh với việc ra Sắc lệnh về cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam

          Cách đây 70 năm (6/1/1946 - 6/1/2016), trong không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt già trẻ gái trai đã nô nức đi bỏ phiếu, lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đối với nhiều người dân Việt Nam, ngày mùng 6 tháng 1 năm 1946 là một ngày vui trọng đại, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

          Cách mạng Tháng Tám thành công, đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân độc lập, tự do làm chủ nước nhà. Tuy nhiên, do tình hình lịch sử lúc bấy giờ: Tài chính đất nước thì kiệt quệ, dân trí thì lạc hậu (90% nhân dân mù chữ), nạn đói hoành hành, thù trong giặc ngoài đang nhăm nhe lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ…

            Để giữ vững và xây dựng được chính quyền cách mạng vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cần phải tìm người có đức có tài để giúp dân, giúp nước. Do đó, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14/SL/8-9-1945 về cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội. Bản Sắc lệnh (7 Điều) đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó.

Tuy còn một số khó khăn về điều kiện trình độ, năng lực tổ chức, kinh nghiệm của nhân dân còn non yếu… cộng thêm tình hình chiến sự, phản động ở cả hai miền vẫn chưa ổn định, nhưng với lòng tin tuyệt đối vào nhân dân, Bác vẫn quyết định: “Phải bầu ngay Quốc hội càng sớm, càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng thêm vào chế độ của mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận”. Ngày 16/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Tiếp đó, ban hành các Sắc lệnh để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho việc Tổng tuyển cử …

 Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử gồm 12 khoản, 70 điều. Trong đó, quy định cuộc Tổng tuyển cử phải được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu bầu cử trực tiếp và bí mật, đồng thời ấn định thời gian Tổng tuyển cử vào ngày 23/12/1945; Sắc lệnh số 71 và Sắc lệnh số 72 để sửa đổi, bổ sung Sắc lệnh 51 về thủ tục ứng cử; bổ sung số đại biểu được bầu cho một số tỉnh để nâng tổng số đại biểu Quốc hội lên 330 đại biểu. Để tạo điều kiện cho những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử có đủ thời gian ứng cử và vận động tuyển cử.

Với niềm tin vào Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã một lòng ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách các cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức. Tại các địa phương, nhân dân ta nô nức kéo về trụ sở chính quyền các tỉnh thành, huyện lỵ mít tinh hoan nghênh Tổng tuyển cử và ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Không chỉ ở các tỉnh thành mà ở cả các bản làng xa xôi hẻo lánh cũng nô nức rộn ràng tiếng cồng chiêng cổ động cho Tổng tuyển cử. Hay ở các đất nước như Pháp, Thái Lan, Lào… đồng bào xa xứ của ta cùng mít tinh, hội họp, gửi điện tín, ủng hộ Tổng tuyển cử.

Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Toàn văn như sau:

"Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946.

Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

Ngày mai, Quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:

Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,

Kiên quyết chống bọn thực dân,

Kiên quyết tranh quyền độc lập.

Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.

Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng.

Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.

Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.

Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do".

 

 

          Ngày 6-1-1946, ngay từ 6 giờ sáng, Hồ Chủ tịch đã xuất hành làm nhiệm vụ công dân của mình ở thùng phiếu số 10 phố Hàng Vôi. Người trình thẻ cử tri, nhận phiếu bầu, ra bàn ngồi ghi rồi gấp phiếu lại ngay ngắn, cẩn thận bỏ vào thùng phiếu. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu, Ô Đông Mác. Buổi trưa, Người ghé thăm các cháu thiếu nhi đang đi cổ động cho Tổng tuyển cử ở phố Lò Đúc. Quốc hội khóa I đã bầu ra được tổng số đại biểu là 403, gồm 333 đại biểu được bầu chính thức. Bắc bộ có 152 đại biểu, Trung bộ có 108 đại biểu, Nam bộ có 73 đại biểu và đặc thù có 70 đại biểu không thông qua bầu cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh được 98,4% số phiếu bầu. Kết quả này là một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn thể nhân dân Việt Nam. Về thành phần xã hội có trí thức, nông dân, công kỹ nghệ gia, thợ thuyền, buôn bán, về tuổi tác từ 18 - 70 tuổi…

            Thắng lợi của Tổng Tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tinh thần yêu nước của nhân dân ta, là dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. 

          Đã 70 năm trôi qua, nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa của ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn, những thành quả đó đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân các thế hệ trân trọng kế thừa và phát huy trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1145 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày