Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Sáu, 12/04/2019, 14:25

Những anh hùng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên huyền thoại (Phần II)

13. Anh hùng Đinh Văn Mẫu: Sinh năm 1922, tại xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, nhập ngũ năm 1949 và làm nhiệm vụ nuôi quân hơn 7 năm ở Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đơn vị của anh đảm nhiệm tiếp tế cơm nước cho chiến sĩ, tuy công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nhưng đồng chí vẫn bảo đảm cơm nước cho các chiến sĩ ở tuyến phòng ngự và còn giúp thêm đơn vị bạn. Nhiều sáng kiến mang cơm nước phục vụ bộ đội qua các trận địa giao tranh, qua các khe suối hung dữ,… của đồng chí không chỉ giúp bộ đội có cơm ăn, nước uống đầy đủ mà còn có tác dụng động viên anh em trong chiến đấu.

14. Anh hùng Chu Văn Mùi: Sinh năm 1929, tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ năm 1949. Đồng chí tham gia nhiều chiến dịch lớn, đảm nhận nhiều công tác khác nhau: pháo thủ, chiến sĩ nuôi quân, chiến sĩ xung kích, súng cối, thông tin liên lạc,… Đặc biệt, anh phụ trách máy vô tuyến điện và chiến đấu phòng ngự trên đồi A1, đồi 311B. Đồng chí dũng cảm nhiều lần vượt mưa đạn đặt máy thông tin, đặt đài quan sát để pháo binh bắn chính xác quân thù. Nhiều khi máy trúng đạn bị hư, đồng chí dũng cảm đi tìm máy của địch tháo lấy phụ tùng đem về thay thế, kịp thời bắt liên lạc phục vụ cho việc chỉ huy chiến dịch dành thắng lợi.

15. Anh hùng Liệt sĩ Hà Văn NọaSinh năm 1928, tại xã Vĩnh Hòa, Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nhập ngũ năm 1947, chiến đấu tại địa phương, sau đó được bổ sung vào Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Đại đội chủ công do đồng chí Nọa chỉ huy đã vượt qua nhiều tình huống hiểm nguy, chiến đấu kiên cường… góp phần vào chiến thắng mở màn, làm chủ căn cứ Him Lam. Tiếp đó, anh chỉ huy Đại đội tiến công đồi E, đánh giáp lá cà với một tiểu đoàn Âu - Phi, diệt nhiều tên địch và anh dũng hy sinh.

16. Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Văn Nô: (1932 – 1954), xã Ngọc Khê, huyệnTrùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, công tác tại đại đội 925. Trong trận đánh chặn cuộc hành quân của tiểu đoàn dù số 1 Pháp ở khu vực Đồi Xanh, các chiến sĩ vừa xông lên, vừa bắn và đánh bật ngay cả một trung đội địch, chiếm được đồi Xanh. Địch đánh trả lại 3 lần nhưng đều bị thất bại. Đồng chí Nô cùng với một số đồng chí khác đã lao thẳng xuống đường để tiếp cận địch. Đồng chí diệt được 4 tên địch. Đến tên thứ 5, đồng chí bị trúng đạn anh dũng hi sinh trong tư thế nắm chặt khẩu súng lưỡi lê, làm cho quân thù phải khiếp sợ.

17. Anh hùng Đặng Đức Song: Sinh năm 1934, tại xã Cộng Hòa, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương, nhập ngũ năm 1952. Đồng chí là Tổ trưởng súng máy ở Đại đội 51, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, chiến đấu chốt giữ khu vực Đồi Xanh án ngữ giữa Mường Thanh và Tà Lèng. Tổ súng máy của anh chiến đấu anh dũng, thắng lợi giòn giã, nhưng anh bị thương phải về tuyến sau. Ra viện, đồng chí được điều về một tổ mũi nhọn đánh đồi Mâm Xôi. Có đợt, đồng chí phải ngâm mình dưới giao thông hào ngập nước liên tục 3 ngày để làm nhiệm vụ, tạo điều kiện cho cánh vu hồi chiến đấu làm chủ đồi C2.

18. Anh hùng Nguyễn Văn TySinh năm 1931, tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nhập ngũ năm 1951 vào Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, từng tham gia 7 chiến dịch lớn, lập nhiều thành tích xuất sắc và nhiều lần bị thương. Trong trận đánh tiêu diệt cứ điểm Độc Lập, đồng chí là Tiểu đội trưởng bộc phá. Khi bộc phá bị rơi ngòi nổ, anh mạo hiểm dùng lựu đạn buộc vào thay thế, khi hết lựu đạn và bộc phá, anh xung phong băng qua lửa đạn chạy về tiểu đoàn lấy thêm bộc phá, rồi chỉ huy tiểu đội đánh đến quả bộc phá cuối cùng, phá tan hàng rào, mở thông cánh cửa cho xung kích vào diệt gọn địch.

19. Anh hùng Phan Tư: Sinh năm 1931, tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ năm 1951 vào Tiểu đoàn 555 thuộc Cục Công binh. Đồng chí liên tục tham gia các chiến dịch lớn ở Bắc Bộ. Chuẩn bị mở Chiến dịch, đơn vị của Phan Tư có nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na để mở thêm đường tiếp tế mới từ Biên giới Việt-Trung về. Công việc hoàn toàn mới mẻ, vô cùng khó khăn, lại thực hiện trong điều kiện thời tiết rét buốt, nhưng đồng chí đã gương mẫu đi đầu trong mọi hoàn cảnh, có nhiều sáng kiến tăng năng suất, cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong chiến dịch, đồng chí làm nhiệm vụ quan sát xem khi nào máy bay địch quay lại ném bom tiếp, đồng chí dũng cảm nằm ngay tại vị trí bom rơi để đánh dấu cho anh em tháo gỡ.

20. Anh hùng Nguyễn Văn Thuần: Sinh năm 1916, tại xã Quỳnh Lưu, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, năm 1944 từng bị địch bắt đi lính, sau đó trốn về tham gia Việt Minh, nhập ngũ năm 1945 ở Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, lập công trong nhiều trận đánh nổi tiếng. Đồng chí đã có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn hiệu quả, như: Dùng choòng, đục, xẻng, cuốc… thay thế máy ủi, dùng thuốc nổ để làm đường kéo pháo và làm hầm cho pháo; đào hào ngầm rồi đánh sập để lộ thiên cho bộ đội cơ động vây lấn,…v.v.

21. Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Bảo: (1927 – 1954), xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh  Ninh Bình, nhập ngũ năm 1945. Đồng chí chỉ huy đại đội 62 trinh sát đột nhập vào căn cứ của địch để nắm tình hình và thu được tập bản đồ 1/25.000 toàn khu vực Điện Biên Phủ do máy bay địch thả xuống cho tướng Đờ Cát. Vào giai đoạn 2, địch cố thủ đồi A1, đồng chí chỉ huy đội đi trinh sát tìm đường hầm ngầm thì bị địch phát hiện và bắn phá ác liệt. Anh bình tĩnh, gan dạ chỉ huy đội đánh trả, đồng chí bị trúng đạn, anh dũng hi sinh. Cuối cùng tổ trinh sát đã ngăn chặn quân địch từ Mường Thanh tiếp viện lên và xác định đúng vị trí hầm ngầm cố thủ của địch trên đỉnh đồi. Từ đó đào đường hầm ngầm đặt khối bộc phá nặng 960kg thuốc nổ phá tan hầm ngầm cố thủ của địch tại cứ điểm A1.

22. Anh hùng Lê Văn Dỵ: Sinh năm 1926, tại thôn Văn Quán, xã Đồng Tâm, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên, nhập ngũ năm 1946. Trong trận đánh Đồi C1, đồng chí Lê Văn Dỵ được giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội 811, D 888, E 176, F 316 độc lập phòng ngự, đương đầu chiến đấu với gần 2 đại đội địch. Đồng chí có nhiều sáng kiến giúp anh em nhanh chóng tấn công tiêu diệt 2 ổ đề kháng của địch và cắm được lá cờ chiến thắng của quân ta lên đúng vị trí cột cờ của địch. Ngoài ra, Đại đội 811 do đồng chí chỉ huy đã tiêu diệt 114 tên, bắt sống 44 tên, thu toàn bộ vũ khí và làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồi C1. Sau đó, đại đội 811 tiếp tục trụ vững tại C1 để làm bàn đạp tiến công các cao điểm còn lại là C2, A1 và tiêu diệt được gần 2 đại đội địch và chiến đấu giành được hoàn toàn C2 vào chiều ngày 07/5/1954.

23. Anh hùng Lưu Viết Thoảng: Sinh năm 1926, tại xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nhập ngũ năm 1949, chiến sỹ công binh, đã chiến đấu và phục vụ nhiều chiến dịch lớn, luôn gan dạ, dũng cảm và có nhiều sáng tạo trong việc phá bom nổ chậm. Đồng chí được đơn vị cử đi tháo bom lấy thuốc phá đá mở đường. Đồng chí dẫn đầu 1 tổ đào đường hầm đưa 960 kg thuốc nổ đánh sập lô cốt cố thủ của địch trên đồi A1 tạo điều kiện cho đơn vị diệt gọn cứ điểm này. Đồng chí còn học cách phá bom. Trong một thời gian ngắn đồng chí đã phá được 18 quả bom, lấy được 3.525 kg thuốc nổ cung cấp cho đơn vị phá đá mở đường, đồng chí còn phụ trách tổ đào 43m đường hầm, đưa 960 kg thuốc nổ vào vị trí đánh sập cả hệ thống súng phòng ngự phía ngoài của địch, làm tê liệt sức đề kháng của địch trên đồi A1, tạo điều kiện cho bộ binh tiêu diệt địch.

24. Anh hùng Lộc Văn Trọng: Sinh năm 1905, tại xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, nhập ngũ năm 1950, làm lính lái xe. Đồng chí lái xe vượt qua nhiều quãng đường gay go nguy hiểm, gặp bom nổ chậm, đồng chí đều bình tĩnh xem xét tổ chức và dẫn đầu đơn vị vượt qua an toàn. Có lần, thấy giặc sắp đến kho hàng của ta, đồng chí đã nhanh nhẹn lái chiếc xe của mình dẫn đầu vận chuyển kho hàng ra ngoài, cùng đồng đội đưa được 14 tấn vũ khí, 80 thùng xăng về nơi an toàn. Một lần, phải vận chuyển hàng cấp tốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vượt qua trọng điểm địch ném bom, đồng chí đã lệnh tắt đèn và dẫn đoàn xe ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Các chiến sĩ Điện Biên ngày ấy, người thì vĩnh viễn ngủ yên trong lòng đất mẹ bao dung, người thì tiếp tục xông pha trên các chiến trường đánh Pháp, đuổi Mỹ giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Các anh sẽ luôn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ đời đời nhớ ơn và noi theo. Thế hệ trẻ chúng em sẽ luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức, xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Âm vang Điện Biên Phủ 60 năm nhìn lại :  Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ /  Phạm Hùng. - H. : Thời đại , 2013. - 341 tr. : ảnh ; 27cm.

2. Web Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên: http://svhttdldienbien.gov.vn

 

 Đào Thanh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 217 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày