Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Tư, 15/05/2019, 19:25

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ: BIỂU TƯỢNG SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC KẾT HỢP VỚI SỨC MẠNH CỦA THỜI ĐẠI

(7-5-1954 - 7-5-2019)

 

Đúng 65 năm đã qua từ khi trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành được "chiến thắng vang dội chấn động địa cầu" và kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ một vùng núi heo hút, xa xôi trên miền Tây Bắc đất nước Việt Nam bỗng từ thành một địa danh lịch sử được cả thế giới chú ý và ca ngợi. Điện Biên Phủ, cái tên đã thành huyền thoại và cùng với hai cái tên Việt Nam và Hồ Chí Minh, đã trở nên biểu tượng của một dân tộc anh hùng. Vì sao chiến thắng Điện Biên Phủ được đánh giá cao như thế?  

Không có gì là cường điệu khi nói rằng vì chiến thắng đó tiếp nối sự nghiệp Cách mạng tháng Tám - một bước ngoặt không những của lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn của các dân tộc bị áp bức đang vùng dậy trong một cuộc đấu tranh giải phóng. Chúng ta hãy ôn lại một ít lịch sử với tính biện chứng sâu sắc của nó.  Trải qua nhiều thế kỷ, trong quá trình xâm lược các nước nhỏ yếu trên thế giới nhằm xây dựng một hệ thống thuộc địa lớn vào hàng thứ hai trên thể giới sau hệ thống thuộc địa của thực dân Anh, thực dân Pháp rất tự hào về những "chiến công" đã giúp chúng đạt được ách thống trị trên cổ nhiều dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la Colonisation Francaise) xuất bản ở Pháp năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ: “Đối với các nhà văn cao quý nào muốn viết lịch sử huy hoàng của công cuộc khai hóa thuộc địa, cuộc chiến tranh gọi là vì công lý và chính nghĩa sẽ là một nguồn tài liệu vô tận”. Trong một lúc cao hứng hùng biện, ông Albert Sarraut đã nói: “Phần lớn những vị tướng lĩnh vĩ đại đã từng đưa chúng ta đến chiến thắng và đã từng được dư luận nước Pháp ca tụng những chiến công vẻ vang khi họ đưa ngọn cờ của chúng ta đi khắp đất Á, trời Phi, chính là đã được rèn luyện trong cuộc chiến đấu để chinh phục thuộc địa”.

Công việc đó đã được thực hiện bởi Laniel, viên Thủ tướng chính phủ thứ 19 của nước Pháp khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và đã bị đổ nhào sau trận đại bại ở Điện Biên Phủ. Nhân dịp này, Laniel đã viết: “Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà”. Điện Biên Phủ là một trong những tên như thế. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau 55 ngày cầm cự khiến cho thế giới phải khâm phục, cứ điểm cố thủ đã bị hạ.

Nếu như Điện Biên Phủ đánh dấu một bước ngoặt bi thảm trong lịch sử thực dân Pháp thì nó lại là niềm tự hào chính đáng của nhân dân Việt Nam, đã ghi thêm một trang oanh liệt vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nhớ lại ngày 1 tháng 9 năm 1858, những phát đạn đại bác đầu tiên từ các chiến thuyền của Rigault de Genouilly bắn vào Đà Nẵng đã mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp. Sức mạnh của chủ nghĩa tư bản phương Tây lúc đó đang ở vào thời kỳ phát triển, còn chế độ phong kiến Việt Nam đã đi đến bước tàn tạ, suy vong, không theo kịp sự phát triển của thời đại mới, không còn đủ năng lực tổ chức, động viên, lãnh đạo toàn dân chiến đấu có hiệu quả chống sự xâm lược của nước ngoài nên tiếng súng xâm lược ở Đà Nẵng cũng báo hiệu sự sụp đổ của chế độ phong kiến và sự thiết lập một chế độ thuộc địa tàn bạo trên đất nước Việt Nam.

 

 

Chín mươi năm sau, ngày 7 tháng 5 năm 1954, đã có sự thay đổi trong các vai trò lịch sử khi lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng được cắm lên nóc hầm của tướng De Castries, đặt quân Pháp vào một tình thế phải chấp nhận đầu hàng như báo Pháp (Nước Pháp - Người quan sát) ngày 13 tháng 5 năm 1954 viết: "Trước hết, bản kết toán về cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã rõ ràng. Đó là một chiến thắng quyết định và hoàn toàn đối với Tướng Võ Nguyên Giáp, một sự thất bại hoàn toàn đối với Navarre, Bidault, Pléven, Laniel... Nếu người ta nói đến sự "thất thủ" của Điện Biên Phủ thì phải gọi nó bằng đúng tên của nó: đó là một sự đầu hàng".

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã minh họa hết sức nổi bật một trong những đặc điểm của thế kỷ XX là quá trình sụp đổ dồn dập của hệ thống thuộc địa dưới những đòn đả kích mãnh liệt của phong trào giải phóng dân tộc.

Một điều quan trọng khác là ý nghĩa bài học của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đối với việc vận dụng đường lối đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc của các dân tộc bị áp bức. Đảng ta đã đề ra đường lối đấu tranh vũ trang đúng đắn và nhân dân ta đã hành động theo đường lối đó.

Nhưng, mặc cho bọn tướng lĩnh của xâm lược Pháp huênh hoang, mặc cho những kẻ hoài nghi khiếp sợ trước vũ khí của đế quốc, quân đội và nhân dân ta tràn đầy tinh thần chiến đấu cách mạng, vẫn vững bước tiến lên theo đường lối đấu tranh vũ trang của Đảng. Chính đường lối đấu tranh vũ trang đúng đắn, thành phần chủ yếu trong đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tinh thần chiến đấu cách mạng của nhân dân là nhân tố quyết định đã tạo ra Điện Biên Phủ.

Sự nghiệp của những người anh hùng đã lập nên Điện Biên Phủ nói lên một sự thật: mặc dù có vũ khí hiện đại, chủ nghĩa đế quốc vẫn có thể bị đánh bại. Sự tập trung những lực lượng tinh nhuệ của đội quân xâm lược Pháp được trang bị những vũ khí tối tân nhất, sự tăng cường viện trợ đến mức cao nhất của đế quốc Mỹ cuối cùng vẫn không cứu vãn được sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam đã góp một phần cống hiến quan trọng vào sự nghiệp chung của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đã đánh lùi một bước và đánh đổ một bộ phận của chủ nghĩa đế quốc xâm lược, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức phát triển lên một giai đoạn mới cao hơn.

Thắng lợi của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ rõ ràng là một cống hiến to lớn vào phong trào giải phóng dân tộc, góp phần vào việc Liên Hợp Quốc ra nghị quyết phi thực dân hóa trên toàn thế giới năm 1960.

Thắng lợi đó cũng làm cho đế quốc Mỹ lo sợ qua nhận định của Tổng thống Kennedy: "Qua nghiên cứu, chúng ta thấy rằng cách mạng giải phóng dân tộc là một sự kiện cơ bản của thời đại chúng ta. Sức mạnh to lớn nhất trên thế giới, đó là lòng khao khát vươn lên độc lập dân tộc. Ngày nay cuộc chiến đấu không phải diễn ra ở châu Âu, mà là ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh"

Về phía ta, nguyên nhân thắng lợi của Điện Biên Phủ đã được phân tích trong bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Vì một nền hòa bình bền vững, vì một nền dân chủ nhân dân” ngày 2 tháng 9 năm 1955:

"Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách, khó khăn không thể tưởng tượng được và tạo những điều kiện về chính trị, kinh tế, quân sự để chiến thắng...”

Dân tộc Việt Nam đã đi đúng trào lưu tiến bộ của thời đại, góp phần khai phá thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, một sức mạnh lớn của thời đại. Và chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là biểu tượng sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Chân lý đó đã được nhiều nhà nghiên cứu có thái độ khách quan, khoa học trên thế giới thừa nhận, tiêu biểu là sự đánh giá của David Halberstam trong công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chiến thắng người Pháp và cuộc cách mạng của Người đã thành công. Khi nhảy vào Đông Dương, những giấc mộng của người Mỹ khác với người Pháp, nhưng họ vẫn giẫm theo những bước chân của người Pháp...”

Sáu mươi năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đang ở trong một thời kỳ mới của lịch sử: Đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới. Trước mắt nhân dân ta xuất hiện những thời cơ mới và thách thức mới. Để nắm bắt được những thời cơ đó và đủ sức vượt qua những thách thức đó, tinh thần và truyền thống của Điện Biên Phủ vẫn mang ý nghĩa rất hiện thực.

Hơn bao giờ hết, sức mạnh của dân tộc phải được phát huy đến mức cao nhất. Với đường lối "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước", Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng sự mở rộng hợp tác quốc tế, coi trọng yếu tố sức mạnh của thời đại vì sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, phát triển và tiến bộ xã hội. Với tinh thần đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đưa hết tâm trí, tài năng hướng vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, con người hạnh phúc. Chắc chắn là nhiệm vụ lịch sử cao cả đó sẽ được hoàn thành thắng lợi.

Hồng Hạnh

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 474 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày