Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Năm, 23/05/2019, 08:00

Diễn biến các đợt tiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 65 năm trước (1954-2019), khi xây dựng Điện Biên Phủ thành cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, thực dân Pháp tin chắc lòng chảo này sẽ nghiền nát Việt Minh. Nhưng quân đội Việt Minh, từ thế yếu đánh thế mạnh, giành chiến thắng ngoạn mục “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cuối năm 1953, Pháp sa lầy vào trên chiến trường Đông Dương. Để tìm giải pháp đàm phán ưu thế, Henri Navarre được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Ngày 20/11/1953, Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây một thành pháo đài bất khả xâm phạm.

Lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ tinh nhuệ và được trang bị vũ khí tối tân với hệ thống phòng ngự liên hoàn. Có 2 sân bay là Mường Thanh và Hồng Cúm. Tại Điện Biên Phủ, Pháp còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Mỹ về hậu cần và vũ khí. Có 16.000 quân Pháp tại đây, được bố trí ở 3 phân khu. Phân khu Bắc gồm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Phân khu trung tâm gồm các cao điểm phía Đông, sân bay Mường Thanh và các cứ điểm phía tây Mường Thanh. Phân khu Nam gồm cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm. Với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản vững chắc, quân lương đầy đủ, người Pháp cho rằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự là "pháo đài khổng lồ không thể công phá". Pháp tin Việt Minh với cách đánh truyền thống, khó khăn vũ khí và nhất là hậu cần sẽ dễ dàng sa lưới. Vì thế, ngay từ đầu năm 1954, Pháp cho máy bay rải tuyền đơn thách thức Việt Minh tấn công.

Về phía Việt Nam, dù thấy trước nhiều khó khăn nhưng xác định Điện Biên Phủ là cơ hội lớn sẽ tạo nên bước ngoặt chiến lược, từ đó chấm dứt cuộc kháng chiến trường kỳ. Quân đội Việt Nam tham gia chiến dịch tuy nhiều hơn quân Pháp, song về hỏa lực và phương tiện chiến tranh thì quân Pháp có ưu thế. Mặt khác, Pháp được bảo vệ trong hệ thống công sự trận địa vững chắc. Nếu không có phương án tác chiến đúng đắn thì khó có thể thắng địch. 

Thật vậy, ngày 14/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” và dự định ngày nổ súng là ngày 20/1. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng những đợt tiến công ồ ạt. Song một đơn vị đại bác vào trận địa chậm và kế hoạch bị lộ nên lịch tấn công dời đến ngày 26/1. đêm 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ và đưa ra “quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân”, chuyển từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh", sang "đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu bóc vỏ từng cứ điểm đối phương.

Để khắc phục vấn đề hậu cần, Đảng Lao động Việt Nam đã huy động tối đa sức người, sức của. Dân quân tham gia chiến dịch lên đến 260.000, cao gấp nhiều lần bộ đội chiến đấu. Tính tổng cả chiến dịch đã huy động tới 12 triệu ngày công. Bên cạnh xe cơ giới, chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động hơn 20 nghìn chiếc xe đạp thồ tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí. Ban đầu, một xe chỉ chở được 100 kg, nhưng sau cải tiến thêm tay ngai, quấn lốp, mỗi xe chở được trên 200 kg, có xe 300 kg…

Theo kế hoạch của Quân đội Việt Minh, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong ba đợt chính:

Đợt tiến công thứ nhất, từ ngày 13/3 đến 17/3/1954: Đúng 17h30 ngày 13/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch. Ta nổ súng tấn công cụm cứ điểm Him Lam là trung tâm đề kháng ngoại vi kiên cố nhất trên hướng Đông Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót xông lên lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điều kiện cho đồng đội xung phong. Sau 6 giờ 30 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 lính Pháp, bắt sống hơn 200 tên. Đêm 14 rạng 15/3/1954, pháo binh ta bắn vào Bản Kéo, kết hợp vận động đối phương nên Tiểu đoàn ngụy Thái số 3 ở đây vác cờ trắng ra hàng. Sau 4 ngày đêm chiến đấu, quân ta kết thúc đợt tiến công thứ nhất. Chiến thắng này mở rộng cánh cửa phía bắc Điện  Biên Phủ và khích lệ tinh thần chiến sĩ.

Đợt tiến công thứ 2 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 30/3 đến 30/4, đánh chiếm vào tập đoàn cứ điểm phía Đông và sân bay Mường Thanh, siết chặt vòng vây, chặn đường tiếp tế, tiếp viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 30/3, đạn, pháo của ta dồn dập nã vào các cứ điểm quân Pháp. Quân ta tiêu diệt các cứ điểm E1, D1, D2, 210. Cuộc chiến đấu trên đồi A1, điểm cao quan trọng nhất đã diễn ra hết sức gay go. Quân đối phương dựa vào hầm ngầm và trận địa kiên cố liên tiếp phản kích chống giữ. Tại cứ điểm C1, cuộc chiến đấu cũng diễn ra ác liệt… Trong đợt tiến công lần 2, một thời gian biểu mới được áp dụng cho bộ đội là ngủ ngày, đánh suốt đêm. Việt Minh dùng chiến thuật vây lấn bằng hệ thống giao thông hào dần bao vây, siết chặt, đào hào cắt ngang cả sân bay, vào tận chân lô cốt cố thủ của địch.

Trong quá trình phát triển trận địa tiến công và bao vây đối phương, bộ đội ta phát huy nhiều cách đánh rất sáng tạo. Từ hoạt động tích cực của các tổ bắn bia sống, gồm các chiến sĩ thiện xạ lập ra theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy mặt trận, phát triển thành phong trào “Săn Tây, bắn tỉa, diệt Pháp, đoạt dù”. Đồng thời các đơn vị đã dùng cách đánh lấn chiếm từng đoạn chiến hào, bắn sập từng lô cốt, hạ từng đồn bốt. Trước nguy cơ mất Điện Biên Phủ, Mỹ lại viện trợ gấp để Pháp tăng cường chi viện cho lòng chảo Mường Thanh. Quân ta tiếp tục vừa vây lấn, vừa củng cố trận địa và lực lượng chuẩn bị cho đợt tiến công thứ ba.

Đây là đợt tiến công gay go, quyết liệt, hai bên giành nhau từng tấc đất, giao thông hào. Cả hai bên đều bị thiệt hại lớn. Sau một tháng chiến đấu, Việt Minh làm chủ nhiều cứ điểm, pháo cao xạ 37 mm của Việt Minh ngày càng tiến sâu vào trận địa.

Bắt đầu đêm 1/5/1954: ta đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía Đông, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của đối phương ở phía Tây, chuẩn bị tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

18 giờ ngày 6/5/1954, toàn bộ pháo binh ta và một đại đội hỏa tiễn sáu nòng mới được tăng cường bắn dồn dập vào trung tâm của đối phương. 21 giờ cùng ngày, tiếng nổ của 1 tấn TNT do công binh đào đường hầm đặt giữa đồi A1 báo hiệu lệnh Tổng công kích quân Pháp.

Các đơn vị thuộc Đại đoàn 316, 304, 312 tiến công tiêu diệt các cứ điểm A1, đồi C1, vị trí 506 ở Bắc cầu Mường Thanh, vị trí 310 ở phía Tây, tiến công vị trí 507 ở gần cầu Mường Thanh. Binh lính Pháp kéo cờ trắng ra hàng.

17 giờ 15 phút ngày 7/5/1954, một cánh quân của Đại đoàn 312 tiến sát Sở chỉ huy Pháp. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và các đồng chí Đào Văn Hiếu, Chu Bá Thệ, Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ xông vào Sở chỉ huy Pháp, đúng 17 giờ 30 phút, Thiếu tướng De Castries cùng toàn bộ Tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (GONO) bị bắt sống. Lá cờ Quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc hầm của Sở chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ. Toàn bộ 16.000 lính Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoặc bị bắt sau khi kết thúc chiến dịch.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử của dân tộc ta nói riêng và lịch sử thế giới nói chung như một chiến công chói lọi trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1155 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày