Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Năm, 23/05/2019, 08:05

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, Ngày Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019)

Đường Trường Sơn (lấy tên của dãy Trường Sơn) hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ lãnh thổ miền Bắc Việt Nam vào tới lãnh thổ miền Nam Việt Nam, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia hay nói cách khác đây là chiếc cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Trong kháng chiến, Đường Trường Sơn là con đường mà hàng triệu đồng bào, đồng chí đã hi sinh anh dũng để đảm bảo mạch máu giao thông, chi viện sức người, sức của của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, và đây cũng là con đường mà cả dân tộc ta, bằng ý chí “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải lấy lại quyền độc lập cho dân tộc” đã làm nên những chiến công vang dội, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cách đây tròn 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng phát triển. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, công cuộc giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi sự chi viện lớn hơn về sức người, sức của từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Trên thực tế, đường Trường Sơn xuất hiện từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy nhiên đó chỉ là những con đường mòn nhỏ hẹp, hình thức vận chuyển chủ yếu là gùi thồ đơn giản. Sang thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, trước yêu cầu ngày càng cao của tiền tuyến miền Nam, nếu chỉ dựa vào những con đường mòn nhỏ hẹp như vậy thì không thể vận chuyển đủ và kịp thời nhân lực, vật lực cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ, cho nên việc khai thông, mở rộng hệ thống đường mòn Trường Sơn thật sự cấp thiết.

Ngày 5/5/1959, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy TW) quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu công tác chi viện quân sự miền Nam, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, do Thượng tá Võ Bẩm làm Trưởng phòng, có nhiệm vụ: mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam để vận chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc phục vụ cách mạng miền Nam cũng như cách mạng Lào và CamPuChia. Đến ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị TW Đảng quyết định thành lập Đoàn 559, xây dựng tuyến chi viện chiến lược - đường Trường Sơn trên bộ và trên biển. Vai trò của đường Trường Sơn được đánh giá là “con đường chi viện miền Nam, cho bạn là cơ bản nhất, chủ yếu nhất, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng trước mắt và lâu dài”. Ngày 19/5/1959 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 559 - Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn. Đến ngày 23/4/1967, Bộ GTVT cũng đã quyết định thành lập Ban Xây dựng 67, từ đó tuyến chiến lược này đã được khơi thông hai miền Nam Bắc.

Đi vào hoạt động, Đoàn 559 chọn khe Hó - nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát để tiến vào Trường Sơn “xoi đường”, lập trạm. Khẩu hiệu hành động của đoàn là “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” thậm chí phải “tránh địch, bí mật với dân”. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau tám ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn nghiêm ngặt của địch, chuyến hàng đầu tiên trên tuyến đường gùi được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện “ý Đảng”, “lòng dân”, là tình cảm của Bác Hồ kính yêu, của nhân dân miền bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt.

Đường Trường Sơn trải dài hàng ngàn km từ Nghệ An đến Bình Phước, bao gồm 37 điểm tiêu biểu, nằm trên địa bàn 11 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển lần lượt 413.450 tấn vũ khí và hàng hóa các loại, trong đó có cả vũ khí hạng nặng, như: pháo cơ giới, xe tăng,... góp phần quyết định thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Biết rõ đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là con đường chiến lược nối liền Nam - Bắc, cho nên Mỹ quyết tâm đánh phá. Do đó, đường Trường Sơn đã trở thành chiến trường thử nghiệm chiến lược “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh bóp nghẹt” bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt với các loại thiết bị, vũ khí hiện đại của nền khoa học - công nghệ cao của Mỹ. Lực lượng quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã đánh phá hệ thống giao thông này bằng các chiến dịch bộ binh và không quân. Một hệ thống máy móc điện tử, thường được gọi là Hàng rào Điện tử McNamara, đã được sử dụng để giúp hướng dẫn máy bay ném bom. Ngoài ra, chất độc màu da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác đã được rải xuống nhiều vùng rừng trên đường Trường Sơn làm trụi lá cây, các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường. Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ đôla để hòng bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh của ta, nhưng cuối cùng vẫn không thể nào thực hiện được mưu đồ đó.  

Trải qua 16 năm, kể từ ngày đầu “xoi đường”, “mở lối” cho đến khi kết thúc chiến tranh (1959-1975), hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội đã sát cánh với lực lượng thanh niên xung phong, dân công, đồng bào các dân tộc… vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, lực lượng chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn đương đầu trước sự đánh phá, ngăn chặn ác liệt của kẻ thù suốt bao năm ròng không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, vì sự sống của con đường, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bền bỉ và kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu và hành động đánh phá ngăn chặn của quân thù. Nhờ đó, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn không ngừng phát triển, đáp ứng sự chi viện to lớn, toàn diện, liên tục, mạnh mẽ của hậu phương lớn miền bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm

Với những chiến công vang dội lập được, Binh đoàn Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng; 82 đơn vị, 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngoài ra, hàng trăm đơn vị, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tặng huân chương, huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ngày nay, con đường Trường Sơn năm xưa đã trở thành di tích lịch sử. Năm 2000, Đường Hồ Chí Minh, con đường xuyên Việt thứ hai sau Quốc lộ 1, bắt đầu được xây dựng trên tuyến đông Trường Sơn. Ngày 9/12/2013, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Chiến tranh lùi xa, năm tháng cũng đã qua đi, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta, của tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương cũng như quyết định mở đường Trường Sơn là một quyết định đúng đắn, quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược của Đảng, đã để lại cho dân tộc ta nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn, xin được nhắc lại nhằm khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng thời tôn vinh, tri ân công lao, đóng góp to lớn của quân và dân ta, đặc biệt là Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

Tài liệu tham khảo:

1. Đường Hồ Chí Minh con đường huyền thoại / Đoàn Thị Lợi. - H. : Quân đội nhân dân , 2004. -227 tr.

2. 5 đường mòn Hồ Chí Minh / Đặng Phong. - H. : Tri thức , 2008. -355 tr.

3. Trường sơn đường Hồ Chí Minh huyền thoại / Nguyễn Việt Phương. - Tp. HCM. : Nxb. Trẻ , 2004. -2t. (720 tr.).

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1155 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày