Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Ba, 28/05/2019, 08:30

Người sinh viên y khoa trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Sinh viên y khoa Tạ Long sinh ngày 25 tháng 3 năm 1932. Quê  tại Cao Mại, Lâm Thao, Phú Thọ. Trong thời gian học tại trường Đại học Y Hà Nội, Ông được điều về Đại đội 308, tham gia các chiến dịch Nghĩa Lộ năm 1953 rồi đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, Ông được phân công làm Trưởng ban Trung khinh thương đội điều trị số 8 của Đại đoàn 308. Ngoài ông, trong ban còn có năm y tá, một quản trị, ba chiến sĩ nấu ăn và hai nữ dân công làm công vụ.

Đội điều trị số 8 làm việc trong lán cũ ở khe núi. Lúc đầu thương binh ở hỏa tuyến về rải rác chỉ có vài chục người, nên chưa bận lắm. Anh em còn tranh thủ làm thêm lán. Về sau thương bệnh binh của tất cả các đơn vị khu vực Tây Điện Biên đều dồn về, có lúc tới trên 150 người, trong đó có nhiều thương bệnh binh nặng. Nhiều vết thương phải xử trí lại, bó bột, thay băng hằng ngày.

Công việc thật quá tải, buổi sáng y khoa Tạ Long thường qua thăm những bệnh binh nặng, rồi vào phòng mổ, mổ những ca cấp cứu. Đến trưa ăn vội vàng và tranh thủ đi khám bệnh, ghi bệnh án điều trị, cân nhắc để cho những thương, bệnh binh nhẹ về đơn vị sớm, vì anh nghĩ mỗi chiến binh về chiến đấu được sẽ rất quan trọng cho trận đánh lớn sắp diễn ra.

Anh em trong đội đều rất quý mến Tạ Long bởi không những làm việc tận tình mà còn độ lượng, rất thương yêu đồng đội. Anh tận tình chỉ dạy về y khoa cho các y tá, điều dưỡng và chăm sóc chu đáo đến bệnh nhân.

Thương bệnh binh ngày một tăng. Tạ Long được phân công tổ chức và chỉ huy chuyển bớt thương binh của đội về Đội điều trị 5 do anh Trần Mạnh Chu làm Đội trưởng. Trên đường chuyển thương, bệnh binh vượt đường núi dòng dã 3 ngày, nhiều thương binh đã phải chống gạy đi bộ, thương binh nặng được khiêng cáng, ai cũng mệt mỏi nhưng cùng cố gắng vượt qua khó khăn.

Sau khi giao nhận thương bệnh binh song, ngày 26 tháng 1 năm 1954, Đội điều trị 8 nhận nhiệm vụ hành quân sang Lào, phục vụ cho một đợt đánh nghi binh. Ngày 28 tháng 2 năm 1954, Đội điều trị 8 nhận lệnh trở về Điện Biên, thời gian đầu triển khai một trạm quân y thu dung toàn bộ thương, bệnh binh từ Lào về.

Trạm quân y được dựng lên ở một khu rừng rất đẹp, bằng phẳng, sát mặt đất. Số lượng thương, bệnh binh dần tăng lên, có lúc lên đến 200 người, phần lớn là bệnh binh, nhiều người sốt rét nặng và bệnh nhân nặng. Điều kiện điều trị thiếu thốn, vô cùng khó khăn. Thế nhưng y khoa Tạ Long rất sáng tạo và nhanh trí đã xử lí công việc hiệu quả, tiết kiệm chi phí và cứu được nhiều bệnh nhân.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đội điều trị 8 nhận nhiệm vụ thành lập bệnh viện dã chiến để thu nhận cứu chữa tù, hàng binh địch bị thương đưa từ các hầm hào lên. Do giỏi tiếng Pháp, Tạ Long đã giải thích chính sách của Chính phủ ta không ngược đãi tù binh và nhanh chóng đưa họ lên mặt đất, dĩ nhiên những người nặng nhất sẽ ưu tiên cho ăn, ở, cứu chữa chăm sóc tốt. Tạ Long cùng một nữ tù binh y tế Pháp đi xuống các hầm, phân loại cho những tù binh nặng được chuyển lên trước. Sau đó, đưa bệnh nhân về trạm để chữa bệnh.

Một buổi sáng, tại một cơ sở quân y gần Mường Phăng, một số nhân viên y tế tù binh Pháp được gọi lên để nghe công bố lệnh ân xá của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các tù binh. Những tù binh đã tỏ ra vô cùng xúc động. Một bác sĩ Pháp nói với Tạ Long: “Tôi thật sự cảm phục tấm lòng nhân ái cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ông bắt tay lính Pháp và chúc lên đường may mắn, mau về với gia đình. Gần một nghìn tù binh Pháp bị thương được giải quyết trong vòng một tháng.

Sau này, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Tạ Long đã nói với các bạn: “Vượt qua những gian khổ, giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, đạt nhiều thành công trong chiến đấu, công tác sau này.”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Tạ Long tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội, nhận công tác tại Sư đoàn 305, Quân y Viện 9, rồi là Trợ lý Nội khoa của Cục quân y.

Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1968, Ông nhận quyết định làm Phó đoàn chuyên viên của Tổng cục Hậu cần vào chiến trường miền Nam. Ông đã làm chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện 559, Bệnh viện 46 Kon Tum. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, trở về Bắc, Ông được Cục Quân y giao nhiệm vụ nghiên cứu bệnh tiêu hóa trong ngành quân đội.

Năm 1979, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa nghiên cứu Tiêu hóa và Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và đi thực tập nghiên cứu về ung thư, bệnh học và nội soi tiêu hóa ở Indonesia, Pháp.

Nhiều năm công tác, nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu của ông chủ yếu về một số lĩnh vực: nhiễm khuẩn Helicobacter pylori và bệnh lý dạ dày, tá tràng; ung thư dạ dày; ung thư gan nguyên phát ; rối loạn tiêu hóa chức năng. Ông có trên 150 bài báo khoa học đăng trên các chuyên ngành y học.

Năm 1978, ông đã cùng TS. Nguyễn XuânThanh nghiên cứu thành công thuốc Almaca – một loại thuốc loét điều chế từ các nguyên liệu trong nước. Thuốc đã được chứng minh trên thực nghiệm và trên người bệnh: chi phí thấp, phù hợp với bệnh nhân nghèo và có hiệu quả cao, được tặng Huy chương Vàng của Cục Quân y. Đến nay, loại thuốc này đã được sản xuất và sử dụng rộng rãi trên cả nước.

Ngoài ra, ông còn cùng với các bác sĩ Khoa tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Công ty Dược phẩm Raptakos (Ấn Độ) tiến hành nghiên cứu hướng điều trị loét dạ dày tá tràng bằng cách diệt vi khuẩn Helicobacter pylori trên các bệnh nhân điều trị tại Viện. Bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng sau một tháng điều trị với biệt dược Trymo đã làm lành vết loét đến hơn 80% trường hợp, tỷ lệ sạch vi khuẩn Helicobacter pylori gần 80% và chưa ghi nhận trường hợp nào tái phát sau một năm điều trị. Trong lĩnh vực này, đây là công trình đầu tiên ở nước ta được công bố chính thức.

Năm 2003 ông đã viết cuốn sách chuyên khảo Bệnh lý dạ dày – tá tràng và vi khuẩn Helicobacter pylori xuất bản tại nhà xuất bản Y học nhằm giới thiệu cho các bác sĩ chuyên ngành và các học viên sau đại học các kết quả nghiên cứu của nhiều nước và những kinh nghiệm của bản thân trải qua trên 10 năm nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt đã điều trị nội khoa khỏi tới 90% loét dạ dày lành tính và loét tá tràng từ 1996 không cần mổ. Sách đã được ứng dụng trong thực tế lâm sàng.

Ông là tác giả, đồng tác giả 18 cuốn sách về y học và giáo trình sau đại học, tiêu biểu như: Bệnh cơ quan tiêu hóa, tập 1, xuất bản năm 1974, Bệnh cơ quan tiêu hóa, tập 2, xuất bản năm 1975 ; Hướng dẫn điều trị bằng kháng sinh một số bệnh nhiễm khuẩn, xuất bản năm 1999; Cấp cứu nội khoa ; Sinh lý bệnh, triệu trứng, xử trí, xuất bản năm 2000 ; Bệnh lý dạ dày, tá tràng và vi khuẩn Helicobacter pylori, xuất bản năm 2003…v.v.

Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Tạ Long đã vinh dự nhận nhiều huân huy chương của Đảng và Nhà nước trao tặng như: Quân công hạng Ba; Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Vàng do Uỷ ban Khoa học Nhà nước tặng; Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và nhiều Huân, Huy chương khác.

Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Tạ Long thật đáng ngưỡng mộ biết bao nhiêu! Ông đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình bên bệnh nhân ở chiến trường Điện Biên Phủ và nhiều chiến trường ác liệt khác, đã góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống giặc xâm lược của dân tộc ta. Không những vậy, những công trình nghiên cứu của ông trong lĩnh vực y khoa đã cứu sống biết bao bệnh nhân, để lại nhiều bài học quý báu cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Đào Thanh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1365 Bản inQuay lại

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày